Một số bộ sách giáo khoa ban hành vẫn còn “lỗi, sạn” gây ra dư luận không tốt, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn
TIN LIÊN QUAN
Một số bộ sách giáo khoa ban hành vẫn còn “lỗi, sạn” gây ra dư luận không tốt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận trong báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tại Nghị quyết này, một trong những yêu cầu của Quốc hội là triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.
Đây cũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, chất vấn ở kỳ họp thứ hai.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thực hiện nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa như quy định tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Quyết định số 404 ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, Bộ đã có những khuyết điểm gây tác động tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.
Tại báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng 40 bản mẫu SGK lớp 7; 60 bản mẫu sách giáo khoa lớp 10; 43 bản mẫu sách giáo khoa lớp 3; 62 bản mẫu tài liệu Giáo dục địa phương lớp 6 (tính đến thời điểm hiện tại). Hệ thống các SGK sau khi được thẩm định, phê duyệt đã được đưa vào triển khai thực hiện theo đúng lộ trình và bước đầu đi vào ổn định.
Bộ cũng đã tổ chức giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách giáo khoa theo đúng lộ trình; tăng cường kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, tăng cường trách nhiệm và tăng cường giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo triển khai việc biên soạn sách giáo khoa dân tộc, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng theo Kế hoạch đã ban hành; chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tổ chức dịch một số SGK được phê duyệt sang sách chữ nổi Braille; phát huy việc biên soạn sách giáo khoa điện tử, học liệu điện tử theo đúng tinh thần xã hội hóa của Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục thừa nhận, một số bộ sách giáo khoa ban hành vẫn còn “lỗi, sạn” gây ra dư luận không tốt: Còn tình trạng sách giáo khoa có một số ngữ liệu học âm, học vần chưa thật phù hợp với học sinh lớp 1, một số nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chưa phù hợp, cần chỉnh sửa, hoàn thiện trong các SGK lớp 2 và lớp 6.
Nêu giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng "hứa" sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách giáo khoa theo đúng lộ trình; tăng cường kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Bộ cũng sẽ lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, tăng cường trách nhiệm và tăng cường giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết.
Trước đó, trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nêu, đối với những sách giáo khoa có lỗi biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiếp thu, chỉnh sửa và hướng dẫn giáo viên lưu ý vấn đề này trong sách giáo viên Khoa học tự nhiên 6.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn đồng thời, hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống; Rà soát, đính chính một số lỗi trong các sách giáo khoa Ngữ văn 6, Lịch sử và Địa lí 6 và một số môn học khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét