Nếu mức án 4 năm tù dành cho cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường phù hợp với tình tiết khách quan, quy định pháp luật thì cơ quan tố tụng nên công khai giải thích để dư luận, người dân cả nước được tường minh, tâm phục khẩu phục.
Sau khi TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường bốn năm tù, dư luận tỏ ra bất bình. Nhiều người so sánh hành vi phạm tội và mức án này với việc bắt một con vịt về nhậu nhưng bị phạt đến bảy năm tù. Dù biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, song những thắc mắc của người dân không phải không có cơ sở, nếu nhìn ở góc độ pháp luật.
Vụ buôn bán thuốc giả ở Công ty VN Pharma thu lợi hơn 31,5 tỉ đồng từng được chú ý nhiều do có một thứ trưởng Bộ Y tế dính tội. Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vụ án này vào diện phải theo dõi, chỉ đạo.
Sau khi "nhận nốt trách nhiệm", cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường được VKS đề nghị mức án lại từ 4-5 năm tù, thay vì từ 7-8 năm tù như trước; và HĐXX sau đó đã tuyên phạt ông Cường chỉ 4 năm tù. Ảnh: UYÊN TRANG
Trong vụ này, cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường (cựu cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vào thời điểm xảy ra sai phạm) bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Bị cáo bị truy cứu tội này do là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây ra “hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 của điều luật.
Chi tiết hơn, bị cáo đã có nhiều sai phạm trong việc đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc khi hồ sơ không đủ điều kiện. Bị cáo còn không kịp thời chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ dù được nhiều cơ quan cảnh báo…
Mức án bốn năm tù mà tòa đã tuyên gần sát với mức thấp nhất của khung hình phạt được quy định (3-12 năm tù). Mức án này cũng là mức thấp nhất theo đề nghị sau cùng của đại diện VKSND TP Hà Nội (4-5 tù), chênh lệch khá nhiều so với mức đề nghị lúc đầu (7-8 năm tù).
Sở dĩ có việc hạ thấp bất ngờ như thế, tường thuật của báo chí về phiên tòa cho thấy đại diện VKS đã ghi nhận việc bị cáo Cường đã có sự thay đổi về thái độ, nội dung nhận tội.
Ban đầu, theo phía VKS thì bị cáo “không nhất quán trong hành vi và nhận thức”. Khi làm việc với VKS lúc chưa xét xử, bị cáo thừa nhận những lỗi cụ thể được chỉ ra nhưng đến lúc xét xử lại chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu… Mãi đến phút chót, khi được phía VKS cho biết nếu thành khẩn, hối lỗi thì sẽ được đánh giá lại, bị cáo đã “xin nhận nốt trách nhiệm”.
Đáng lưu ý là theo báo chí thì từ đầu cáo trạng có xác định bị cáo có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” thông qua việc đã nộp 1,8 tỉ đồng để khắc phục một phần hậu quả thiệt hại. Như vậy, với mức đề nghị được điều chỉnh là 4-5 tù (thay cho mức 7-8 năm tù) thì có nghĩa là phía VKS đã xác định bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ nữa là “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” hay sao?liệu mức án bốn năm tù dành cho cựu thứ trưởng có phù hợp với chính sách hình sự hiện hành của loại tội phạm này? Có phù hợp với xu thế, sự đòi hỏi, yêu cầu cao của người dân cùng quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng?
Liệu mức án bốn năm tù dành cho cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường có phù hợp với chính sách hình sự hiện hành của loại tội phạm này? Có phù hợp với xu thế, sự đòi hỏi, yêu cầu cao của người dân cùng quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực?
Đồng ý mức án nặng, nhẹ tùy thuộc vào việc bị cáo có ít hay nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng thử hỏi căn cứ pháp lý nào để phía VKS rút ngắn mức án đề nghị đáng kể như thế? Nếu việc mạnh tay thu hẹp này chỉ đơn thuần dựa trên sự cân nhắc chủ quan thì liệu có phù hợp với trường hợp phạm tội của bị cáo khi đã gây “hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” nhưng sự thành khẩn lại ở mức độ thấp? Mức độ thấp này được bộc lộ ở chỗ bị cáo lúc gật, lúc lắc và các cơ quan tố tụng phải hao công, tốn sức vạch trần, đấu tranh và nói rõ cái lợi nếu “nhận nốt trách nhiệm” thì cựu thứ trưởng mới chịu thừa nhận các lỗi phạm tội đã gây ra.
Thêm một lưu ý nữa có liên quan đến việc quyết định mức án của bị cáo mà có lẽ các cơ quan cũng phải xem xét đến để đạt được sự hợp lý, có sức thuyết phục cao.
Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nếu BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) không quy định như thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có sự định lượng rõ ràng.
Luật hiện hành nêu: Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng có thể bị xử phạt tù từ sáu tháng đến năm năm; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỉ đồng bị phạt tù 3-7 năm; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên bị phạt tù 7-12 năm.
Theo đó, nếu việc phạm tội của bị cáo Cường bị xét xử theo BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì ứng với giá trị thiệt hại mà bị cáo đã gây ra theo cáo buộc (31,5 tỉ đồng), mức phạt tù của bị cáo ắt ít nhất là bảy năm (khung 7-12 năm tù).
Tất nhiên, đây chỉ là giả sử vì thời điểm phạm tội của các bị cáo (từ năm 2008 đến 2010) phải xét xử theo luật cũ. Tuy nhiên, khi quy định của luật cũ chỉ là sự định tính, dễ dẫn đến tùy nghi giải quyết và khi việc phát hiện, xét xử vụ án dài cả chục năm tính từ lúc tội phạm xảy ra, liệu mức án bốn năm tù dành cho cựu thứ trưởng có phù hợp với chính sách hình sự hiện hành của loại tội phạm này? Có phù hợp với xu thế, sự đòi hỏi, yêu cầu cao của người dân cùng quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng?
Vì các lẽ nêu trên, để dư luận có nhiều sự thấu hiểu, đồng tình, VKSND TP Hà Nội, VKS và cả TAND Cấp cao tại Hà Nội cần nhanh chóng xem xét lại việc xét xử sơ thẩm như đã nêu. Nếu nhận thấy quyết định của bản án sơ thẩm (cụ thể là mức án cho cựu thứ trưởng Cường) không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, chưa đúng pháp luật…, những người có thẩm quyền có thể kháng nghị phúc thẩm để vụ án được xét xử đúng với luật định.
Cầm bằng mức án ấy đúng pháp luật, phù hợp với yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện hành thì cơ quan tố tụng có thẩm quyền cũng nên công khai giải thích để cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tường minh, để người dân cả nước tâm phục khẩu phục.
Nguồn: Thu Tâm
Báo Pháp Luật TP HCM
Báo Pháp Luật TP HCM
rất là chia sẻ nỗi buồn với gia đình cũng như nạn nhân phải gánh chịu từ thuốc giả, thiệc hại đó có khi không có gì bù đắp lại được. Buôn thuốc giả là tội ác cùng cực, đi ngược lại nhân tính con người, không cần nói đến y bác sỹ, Thực sự là quá thất đức
Trả lờiXóaĐólà một nõi đau không thể diễn tả của những người đã mua phải thuốc giả. Có những người họ bán cả nhà, bán cả đất để cố bám lấy ta hi vọng cuối cùng để có thể tiếp tục sống trên cõi đời này. Những cá nhân nào liên quan đến sai phạm buôn bán thuôc sgiar phải bị xử lý theo đúng pháp luật.
Trả lờiXóa