Chia sẻ

Tre Làng

Nát!

Theo Kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sỹ, tiến sỹ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2019 vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, Viện Hàn lâm ban hành các quy chế quản lý khoa học nhưng nội dung còn nhiều bất cập, không hợp lý, dẫn đến các đơn vị cấp dưới không tiếp thu kịp thời, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Nghiệm thu 18 đề tài khoa học trong 1 ngày

Thanh tra Chính phủ phát hiện có 7 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và Viện Hàn lâm nhưng được phê duyệt dưới dạng đề tài cấp cơ sở, cấp Bộ và bố trí kinh phí để thực hiện không hợp lý. 3 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 37 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ do Văn phòng chủ trì chưa được tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp Bộ; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ nhưng không nghiệm thu cấp Bộ.

30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 67 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học cấp Bộ của đơn vị, căn cứ vào các Quy chế quản lý khoa học do Viện Hàn lâm ban hành đã hết hiệu lực; 191 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần; 75 đề tài, nhiệm vụ nghiệm thu chậm tiến độ.

Đáng chú ý, có 3 đơn vị tổ chức nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở trong cùng một ngày, chưa hợp lý, dẫn đến chất lượng công tác nghiệm thu không đảm bảo.

Cụ thể, Viện nghiên cứu Châu Âu có 14 đề tài vào ngày 8/12/2015, 18 đề tài vào ngày 6/12/2016, 18 đề tài vào ngày 12/12/2017, 16 đề tài vào ngày 5/12/2018, 15 đề tài vào ngày 25/11/2019 (1 hội đồng).

Viện Ngôn ngữ học có 26 đề tài vào ngày 26/12/2016 (6 hội đồng), 13 đề tài vào ngày 17/12/2018 (2 hội đồng), 22 đề tài vào ngày 19/11/2019 (2 hội đồng).

Viện Sử học có 7 đề tài trong buổi chiều ngày 13/11/2019, 11 đề tài trong ngày 15/11/2019 (2 hội đồng).

Các đề tài có sản phẩm cụ thể nhưng hoạt động chưa hiệu quả (4 đề tài của Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin). Nhiều đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài sử dụng lại một phần, có đề tài sử dụng lại nhiều nội dung của đề tài, nhiệm vụ đã được nghiên cứu trước (cùng chủ nhiệm), không đúng quy chế quản lý khoa học, xảy ra ở phần lớn các đơn vị được thanh tra: Viện Xã hội học 1 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài cấp cơ sở; Viện Nghiên cứu Châu Âu 1 đề tài cấp cơ sở; Viện Nghiên cứu con người 1 đề tài cấp cơ sở; Viện Sử học 4 đề tài cấp cơ sở; Viện Văn học 1 đề tài cấp cơ sở; Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ 3 đề tài cấp cơ sở, 1 đề tài cấp Bộ; Viện Ngôn ngữ 3 đề tài cấp cơ sở; Viện Triết học 1 đề tài cấp cơ sở.

Giai đoạn 2015-2019, Viện Hàn lâm tổ chức thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học nhưng việc chấp hành các quy chế, quy định không đầy đủ. Quy trình thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ không đúng quy định, dẫn đến chất lượng nhiều đề tài, nhiệm vụ không đảm bảo.

"Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Viện Hàn lâm phụ trách lĩnh vực nghiên cứu khoa học; Ban quản lý khoa học và các đơn vị trực thuộc có khuyết điểm, sai phạm trong thời kỳ 2015-2019"- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Viện Hàn lâm chỉ đạo Trưởng ban Quản lý khoa học, yêu cầu chủ nhiệm đề tài hoàn thành ngay Đề tài cấp Bộ "Phát triển dựa trên quyền văn hóa ở nước ta hiện nay".

"Rà soát những đề tài, nhiệm vụ khoa học có sử dụng lại nội dung đã nghiên cứu trước đó, nếu phát hiện trùng lặp về thanh, quyết toán đề nghị thu hồi theo quy định và chấm dứt việc tham mưu phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện đối với các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao; giao nhiệm vụ trùng thời gian; giao nhiệm vụ cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; thành lập các hội đồng nghiệm thu không đúng thành phần; nghiệm thu các đề tài, nhiệm vụ chậm tiến độ; nghiệm thu nhiều đề tài trong cùng thời gian"- kết luận thanh tra nêu rõ.

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ cho rằng Trưởng ban Quản lý khoa học, Chánh văn phòng và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc với trách nhiệm trong việc tham mưu và thực hiện các đề tài không đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, quy chế quản lý khoa học của Viện Hàn lâm; việc tổ chức hội đồng nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở trong cùng một ngày, có đề tài sử dụng lại một phần nội dung đã được nghiên cứu trước.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ 3 đơn vị tổ chức nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở trong cùng một ngày, chưa hợp lý, dẫn đến chất lượng công tác nghiệm thu không đảm bảo.

Thu hồi số tiền lớn và chấm dứt cho thuê tài sản công không đúng

Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Viện Hàn lâm chấm dứt việc giao dự toán các nội dung chưa có trong quy định của Nhà nước. Thu hồi số tiền gần 6 tỷ đồng của 10 đơn vị trực thuộc đã chi không có trong quy định; số tiền trên 750 triệu đồng chi phụ cấp, số tiền trên 1,2 tỷ đồng chi lương lao động hợp đồng của Học viện Khoa học xã hội; số tiền 655 triệu đồng chi trả lương của Viện Kinh tế; số tiền đã chi cho 7 nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ thường xuyên được phê duyệt dưới dạng đề tài khoa học; số tiền đã chi cho Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở của 37 đề tài cấp Bộ, do chưa tổ chức nghiệm thu nhưng vẫn thanh toán.

"Yêu cầu tổ chức chủ trì có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước phần kinh phí đã được cấp nhưng chưa sử dụng của 18 đề tài cấp Bộ (không được nghiệm thu, đánh giá) theo quy định tại Điều 29 Quy chế quản lý khoa học của Viện Hàn lâm về xử lý đối với trường hợp đề tài/nhiệm vụ không hoàn thành"- Thanh tra Chính phủ kiến nghị.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Viện Hàn lâm chấp dứt việc cho thuê tài sản công không đúng quy định; giải quyết dứt điểm các cơ sở nhà, đất có tranh chấp. Đối với 8 cơ sở nhà, đất không sử dụng và sử dụng không hiệu quả, xử lý đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo Thế Kha/Dân Trí

2 nhận xét:

  1. Vấn đề đáng quan tâm và hết sức lo ngại là chất lượng thực sự của “nguồn nhân lực chất lượng cao”, tức những “ông nghè, ông cống” mà Viện Hàn lâm KHXHVN đã “sản xuất” cho đất nước không chỉ thời gian vừa qua (giai đoạn thanh tra 2015-2019) mà còn trong những năm trước mắt.Theo đó, một “thị trường” khủng đã được phê duyệt, đấy là đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ đến năm 2025 với nguồn kinh phí lên đến 12.000 tỉ, trong khi đề án 911 (phê duyệt năm 2010) với mục tiêu đến năm 2020 đào tạo 23.000 tiến sĩ chưa kết thúc. Ai dám đảm bảo, với những đề án duy ý chí, đầy tham vọng như thế, lại không tiếp tục xuất hiện những “lò ấp” để lấp đầy chỉ trong một thời gian ngắn, hàng vạn “hiền tài” cho quốc gia

    Trả lờiXóa
  2. một viện hàn lâm khoa học xã hội của một đất nước mà họ làm như là làm khoán cho xong công việc được giao, cuối cùng tạo ra được những học giả, thạc sỹ tiến sỹ trình độ như thế nào thì xin mọi người phán xét Nghiệm thu đề tài khoa học như robot thì cũng xin bái phục. Không biết có phải vì kinh phí duyệt cấp cho đề tài quá dễ dãi nên tranh thủ lấy số lượng để quyết toán? Kiểu này phải giao cho cơ quan điều tra làm rõ...

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog