Trong vai trò cực kỳ quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội… Vùng Thủ đô với hạt nhân trung tâm là Hà Nội, đang rất cần các điều kiện để khai thác hết tiềm năng, tương xứng với vị thế.
Một trong những hướng đột phá chiến lược cho Vùng Thủ đô là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, với Vành đai 4 - điểm nhấn rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong hiện tại và cả tương lai.
Bài 1: Điều kiện tiên quyết để phát triển toàn diện
Theo Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội và 9 tỉnh, TP khác sẽ được liên kết, trở thành một vùng siêu đô thị của cả nước cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một trong những điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu đó là hình thành nên tuyến đường Vành đai 4, liên kết chặt chẽ trong nội bộ và cả Vùng Thủ đô với mạng lưới giao thông quốc gia.
Định hình chuỗi đô thị
Vùng Thủ đô với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, mở rộng đến 9 tỉnh, TP khác bao gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Đây là một trong những vùng trọng điểm kinh tế - xã hội, chính trị của cả nước.
Tuy nhiên, hiện trạng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, cấp thiết phải mở rộng, tăng cường tính kết nối liên vùng để khai thác tối đa tiềm năng phát triển của đầu tầu kinh tế Bắc Bộ.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua, đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào các tuyến giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Đối với Vùng Thủ đô nói chung và Hà Nội nói riêng, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 là hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội, định hình chuỗi siêu đô thị của cả nước cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với Vành đai 4, không chỉ hệ thống đường bộ của Vùng Thủ đô được hoàn thiện, xuyên suốt, kết nối đến cả 10 địa phương, mà đó còn là bàn đạp tiếp cận đến các khu vực kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh, nhằm vươn tầm ra châu lục và thế giới.
Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh chi sẻ, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, địa phương, là chỉ số quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh. Đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là bước đi tất yếu để tăng cường năng lực cạnh tranh, mở ra cơ hội phát triển.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, có thể thấy rõ, Hà Nội đang chịu áp lực rất lớn khi đảm nhiệm vai trò phân bổ, trung chuyển các luồng lưu thông của Vùng Thủ đô mà thiếu đi những mảnh ghép hạ tầng giao thông khung có tính quyết định.
“Khi các mạch máu giao thông “nghẽn” tại Hà Nội, ảnh hưởng sẽ lan rộng đến cả 10 tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô. Thực tế bức thiết đó đòi hỏi Chính phủ và các địa phương phải có kế hoạch cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vì hiện tại và cả tương lai” - Thạc sĩ Phan Trường Thành nói.
Vị chuyên gia này còn cho rằng, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới cực kỳ tiềm năng. Quỹ đất khoảng 6.500ha phía Tây đường Vành đai 4 đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Các đô thị vệ tinh tại huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội) cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến trên địa phận tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh... sẽ phát triển rất nhanh khi Dự án Vành đai 4 được triển khai.
Hợp tác công - tư là tất yếu
Dự án đường Vành đai 4 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011. Theo phương án mới nhất UBND TP Hà Nội trình Chính phủ, Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long).
Dự án qua 3 tỉnh, TP gồm: Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (25,6km và tuyến nối 9,7km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 19.590 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị: 49.291 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ kết hợp cả nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa theo hình thức BOT. Bao gồm: ngân sách T.Ư: 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 28.193 tỷ đồng; vốn BOT: 29.447 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án nằm tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối tại Km40 + 500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án sẽ có hệ thống đường song hành không liên tục chạy dọc hai bên; giai đoạn đầu chưa đầu tư các cầu vượt sông Hồng và sông Đuống. Dự án sẽ GPMB theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh từ 90 - 135m, với 6 làn xe cao tốc có các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và dự trữ cho đường sắt vành đai.
Phân kỳ đầu tư ban đầu sẽ xây dựng đường cao tốc với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Dọc tuyến có 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh tại vị trí giao cắt: Cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Quốc lộ 38; cao tốc Nội Bài - Hạ Long, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Đối với đoạn quy hoạch đường sắt tuyến vành đai phía Đông kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi (đầu tư trước 2030) và vành đai phía Tây kết nối Ngọc Hồi - Thạch Lỗi (đầu tư 2030 - 2050) theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi hoàn thành, Vành đai 4 sẽ được áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, có hệ thống giám sát trực tuyến; giao thông thông minh nhằm kiểm soát và điều khiển giao thông toàn tuyến.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được chia thành 7 dự án thành phần, tách riêng phần GPMB và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Riêng dự án thành phần 3: Hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7km sẽ đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công - tư).
Thạc sĩ Phan Trường Thành chia sẻ: “Hợp tác công - tư là tất yếu để có đủ nguồn lực cho một đại dự án như Vành đai 4. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách, dự án hầu như không có hi vọng hoàn thành”.
***
"Hà Nội và Vùng Thủ đô đang lệ thuộc quá nhiều vào Vành đai 3. Sự kết nối từ hạt nhân trung tâm đi các địa phương lân cận, cũng như hướng quá cảnh Thủ đô đều bị chi phối bởi tuyến đường vốn đã quá tải này. Nếu không sớm có Vành đai 4, Vùng Thủ đô có thể sẽ bị kéo lùi sự phát triển do quy mô kinh tế - xã hội vượt quá tầm vóc hệ thống giao thông." - Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh
(Còn nữa)
Nguồn: Báo KInh tế & Đô thị
Nguồn: Báo KInh tế & Đô thị
Trên thực tế, số lượng đường cao tốc tại Việt Nam hiện nay khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước. Chính vì vậy, đặt ra mục tiêu hoàn thành Vành đai 4 TP. Hà Nội tại thời điểm hiện nay là chín muồi và mang ý nghĩa rất lớn khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước.
Trả lờiXóaTheo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương, tất cả căn cứ về mặt chủ trương chiến lược, đều cho thấy việc cần sớm triển khai dự án Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội phù hợp với quy hoạch, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Trả lờiXóaĐây là dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông. Việc đặt ra ưu tiên như vậy và đưa thành nhiệm vụ cấp bách quốc gia cũng như chuyển hướng chiến lược nhằm phát triển Thủ đô tăng trưởng bậc nhất, không chỉ có mục tiêu kinh tế mà cả không gian đô thị, tầm cao đô thị phát triển.
Trả lờiXóaViệc này sẽ giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông của trung tâm kinh tế lớn suốt thời gian vừa qua, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị do thiếu đường giao thông, thể hiện rõ nhất ở đường tuyến đường vành đai.
Trả lờiXóaThủ đô Hà Nội là hạt nhân của vùng Thủ đô, đồng thời cũng là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội hiện có 6 cao tốc hướng tâm, khu vực vành đai 4 sẽ kết nối phía bắc, với cao tốc Bắc-Nam phía đông, kết nối với vành đai 3 TPHCM, cho phép Thủ đô Hà Nội hướng tới chỉnh thể của toàn bộ hệ thống cao tốc.
Trả lờiXóaViệc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, hành lang vận tải liên vùng, là động lực quan trọng cho cả vùng kinh tế phía bắc.
Trả lờiXóaTừ sự ùn tắc giao thông bấy lâu nay, tôi hoàn toàn có thể hình dung ra sự "bùng nổ" mạnh mẽ ở trung tâm tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam khi hoàn thành tuyến đường vành đai 4
Trả lờiXóa