5 tháng ròng bỏ hết công việc chăm sóc nạn nhân vụ TNGT tại viện, bỏ ra gần 230 triệu đồng bồi thường dù người đi xe máy sai nhưng tài xế N. vẫn bị "bỏ rơi" tại tòa.
Gần 4 năm trôi qua, hình ảnh chiếc xe máy nằm chỏng chơ, một nữ sinh bất tỉnh trong gầm container với vết thương rất nặng sau lần ngoặt vô lăng rẽ phải trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) vẫn khiến anh Nguyễn Văn Nam (ở Hải Phòng) bị ám ảnh.
Vụ tai nạn xảy ra cuối năm 2018. Xe đầu kéo container do anh cầm lái khi chuyển hướng rẽ phải đã va chạm với xe máy đang cố vượt lên.
“Lúc ấy là hơn 4 giờ chiều, đường đông, xe của tôi đi với tốc độ chậm. Cách khoảng 300 m đoạn giao cắt với đường Phạm Hùng, quan sát các hướng không có ai, tôi xi nhan để rẽ phải.
Nhưng khi xe chuyển hướng rẽ phải xong thì một người đàn ông giơ tay ra tín hiệu dừng. Tôi dừng xe rồi bước xuống thì mới biết mình đã gây tai nạn”, anh Nam nhớ lại.
Anh Nam xem lại đoạn camera hành trình ghi lại vụ tai nạn cuối năm 2018 - nỗi ám ảnh trong cuộc sống sau này của anh.
Xuống xe, anh Nam phát hiện chiếc xe máy đổ trên đường, một nữ sinh nằm bất tỉnh trong gầm xe, vết thương ở chân rất nặng. Anh vội nhờ người dân ở quán nước bên đường gọi giúp xe cấp cứu, còn anh gọi điện thông báo cho chủ xe, quản lý để tới hiện trường xử lý vụ việc.
Theo camera hành trình ghi lại, lúc xe xi nhan rẽ phải, một chiếc chóp mũ bảo hiểm chỉ lướt qua trong tích tắc.
Anh Nam ở lại hiện trường khi công an khám nghiệm hiện trường phục vụ công tác điều tra. Khoảng 1 tiếng sau, anh lái xe về bãi giữ xe rồi đón taxi vào Bệnh viện 19-8, nơi nữ sinh kia đang nằm điều trị.
Sơ cứu ở Bệnh viện 19-8 xong, nữ sinh được chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức để tiếp tục cấp cứu và điều trị. Thời gian ở bệnh viện, dù chưa biết đúng - sai thế nào, nhưng người nhà nữ sinh luôn miệng trách móc nam tài xế. Họ cho rằng, anh muốn đâm chết người nhà họ.
“Lúc ấy tôi cũng nói với họ, không một ai muốn đâm chết người. Hơn nữa tôi đã xi nhan, quan sát rất kỹ trước khi rẽ. Sau vụ tai nạn, cơ quan chức năng cũng kiểm tra nồng độ cồn, ma tuý đều cho kết quả tôi không sử dụng các chất này", anh Nam nói.
Khi nữ sinh tỉnh lại trong viện, anh Nam hỏi: “Em có nhìn thấy tôi xi nhan không mà vẫn rẽ?”. Cô gái cũng xác nhận nhìn thấy, nhưng lúc ấy như có người che mắt nên cô cứ lao thẳng và khi tỉnh dậy thì đã nằm trong viện.
Khoảng 20 ngày nằm ở Bệnh viện Việt - Đức, nữ sinh được chuyển sang Bệnh viện Bỏng Quốc gia để điều trị hoại tử. Sau vụ tai nạn, anh Nam không chạy xe nữa mà đồng hành cùng gia đình nạn nhân suốt 5 tháng ở viện.
Khoảng 1 tháng anh Nam về quê 1 lần, nhờ người nhà vay mượn tiền để lo khắc phục hậu quả. Mỗi lần trở lại Hà Nội, anh mang theo 10 - 20 triệu đồng để lo chi phí những ngày ở viện. Ngày ấy anh không đi làm, không có thu nhập nhưng đủ thứ tiền phải chi tiêu khi ở viện, cuộc sống của anh Nam rơi vào bế tắc.
“Tôi từng khẳng định với mẹ nữ sinh, tôi không đi sai. Con gái cô lao vào đầu xe cháu không khác gì tự sát, nhưng vì lương tâm con người, vì em ấy vẫn là sinh viên nên cháu ở lại chăm sóc tận tình, giúp đỡ gia đình tới khi nào em đỡ.
Cháu rất hy vọng em giúp đỡ cháu lúc ra toà, nếu không nhận được sự giúp đỡ của em, cháu rất thất vọng”, anh Nam chia sẻ thêm.
Rất may, nữ sinh phục hồi nhanh, xuất viện về quê và có thể đi lại được. Sau nhiều lần thoả thuận, anh Nam cùng gia đình cũng được khắc phục hậu quả, bồi thường số tiền gần 230 triệu đồng cho nữ sinh.
Trước khi phiên toà sơ thẩm diễn ra, anh Nam nhiều lần phải đón xe từ Hải Phòng lên Hà Nội, viết tường trình lại vụ việc, phục vụ công tác điều tra. Bản tường trình viết nhiều tới nỗi, anh có thể thuộc làu từng câu chữ.
Giữa năm 2020, anh Nam ra toà trong vụ án vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù anh đã liên hệ với nữ sinh nhờ cô tới toà, nhưng nữ sinh chỉ có đơn xin xử vắng mặt.
“Tôi cũng bảo em cố gắng ra ngoài này cùng mẹ, luật sư anh thuê rồi. Chỉ cần em và mẹ ra dự toà nói đỡ cho anh, nhưng em ấy đưa ra lý do riêng và đã không có mặt tại toà. Lúc ấy tôi rất thất vọng”, anh Nam kể.
Theo cáo trạng truy tố, lỗi của tài xế là rẽ phải thiếu chú ý quan sát, còn nữ sinh không có giấy phép lái xe, lái xe máy vượt xe khác không đúng quy định. Sau một thời gian chữa chạy, giám định pháp y cho kết quả, nữ sinh bị tổn hại 79% sức khỏe.
10 tháng cải tạo không giam giữ là mức án anh Nam nhận trong phiên toà sơ thẩm. Tuy nhiên, theo anh Nam, bản án 10 tháng cải tạo không giam giữ đối với hành vi của anh chưa phù hợp và anh không phục, sau này có thể sẽ thành tiền lệ.
Nhiều anh em lái xe bỏ nghề vì cảm thấy bất công trước cảnh “xe to đền xe bé”, đúng sai rõ rành rành nhưng người chịu thiệt vẫn là anh em lái xe như chúng tôi.Lái xe Nguyễn Văn Nam
Mọi việc xong xuôi, anh về cảng nhận xe, chạy được đúng 1 chuyến đi Cao Bằng thì cấm biên nên anh về quê và từ đó không còn chạy xe container nữa.
Ở nhà, anh cũng mất một thời gian ổn định tinh thần rồi nhận chạy xe tấn cho một công ty, làm giờ hành chính, mỗi tháng thu nhập gần 10 triệu đồng, thu nhập chưa bằng một nửa khi chạy xe container.
“Bao nhiêu tiền làm nhiều năm trước đó tích cóp được, chỉ sau vụ tai nạn là hết sạch. Giờ tôi vẫn còn vay nợ. Nhiều lúc cũng nhớ nghề, muốn quay lại nghề nhưng những ám ảnh vụ tai nạn và sự ngăn cản từ gia đình nên tôi đã đi theo lựa chọn hiện tại của mình”, anh Nam tâm sự.
Ngồi sau vô lăng, anh Nam từng không ít lần giật thót người khi phải đánh lái gấp trong đêm trước xe máy tắt đèn đi ngược chiều trên đại lộ Thăng Long hay xe ô tô bật đèn pha, đi ngược chiều trong ánh đèn nhập nhoạng lúc trời mưa...
“Nhiều anh em lái xe bỏ nghề vì cảm thấy bất công trước cảnh “xe to đền xe bé”, đúng sai rõ rành rành nhưng người chịu thiệt vẫn là anh em lái xe như chúng tôi. Gánh nặng lớn nhất với chúng tôi chính là kinh tế.
Xe container kích thước lớn, liên quan hàng hoá xuất nhập khẩu. Thiệt hại rất lớn nếu xe bị giữ nhiều ngày. Khi tai nạn xảy ra, chủ xe và lái xe đều muốn nhanh chóng lấy xe ra ngay để hoạt động kinh doanh bình thường. Nhiều người nắm được “điểm yếu” ấy của các xe container nên ra sức gây khó khăn cho lái xe và chủ xe.
Hiện tại giao thông Việt Nam rất phức tạp, tôi cũng muốn gửi lời nhắn nhủ anh em lái xe, lúc nào cũng phải chủ động, bình tĩnh, vững vàng tay lái. Mình lái xe bằng cả trái tim đi nữa nhưng rủi ro ập vào người cũng không né được, chỉ là phải cẩn thận hết mức”, anh Nam nói thêm.
Bản thân anh Nam cũng không biết tới bao giờ câu chuyện đúng là đúng, sai là sai mới được thực hiện, còn hiện tại vẫn tồn tại việc “xe to đền xe bé”, “người đi đúng bồi thường cho người đi sai”.
“Tôi mong những người thực thi pháp luật sẽ không vì ngần ngại trước áp lực dư luận kiểu “xe to phải đền xe bé” mà đứng về lẽ phải để điều tra, xét xử cho thoả đáng. Với những người lái xe nhỏ, điều quan trọng nhất, nếu họ sai thì biết nhận lỗi về mình, tuân thủ theo luật pháp.
Được như thế thì sau này xã hội sẽ công bằng văn minh hơn, hình thành cách sống, cách nhìn nhận chuẩn mực, không còn tư duy “xe lớn phải đền xe nhỏ”. Còn những lái xe như chúng tôi nếu có sai thì sai tới đâu xử tới đó”, anh Nam tha thiết đề nghị.
Nguồn: Nguyễn Huệ/VTV News
Được như thế thì sau này xã hội sẽ công bằng văn minh hơn, hình thành cách sống, cách nhìn nhận chuẩn mực, không còn tư duy xe lớn phải đề xe nhỏ. CÒn những lái xe như chúng tôi nếu có sai tới đâu xử tới đó, anh Nam đã đề nghị như vậy. Điều quan trọng nhất bây giờ là mọi người phải tuân thủ theo pháp luật.
Trả lờiXóaĐọc bài thật sự là quá buồn cho anh tài xế kia. Lỗi cũng chẳng phahir do anh nhưng anh cũng đã đền và đã rất ân cần chăm sóc nạn nhân. Nhưng đến sau cùng vẫn bị xử phạt trước tòa, và bên nạn nhân vẫn cho rằng lỗi thuộc về anh ấy.
Trả lờiXóaTrình độ văn hóa xã hội đã được cải thiện, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để tuyên truyền luật lệ giao thông. Việc xử phạt vi phạm đảm bảo công bằng, ai có lỗi người đó phải chịu trách nhiệm khắc phục và chịu hình phạt.
Trả lờiXóaNếu chỉ căn cứ vào tinh nhân văn thì pháp luật không được thực thi minh bạch, ý thức của người tham gia giao thông không được nâng cao. Ví dụ thả rông trâu bò ra đường nếu có bị xe đâm thì chủ xe bị đền, xe đạp đi giữa đường, vượt đèn đỏ, nếu có bị tai nạn chủ xe phải bồi thường, khác nào khi uống bia: “123 Zô Zô Zô”, say xỉn đã có chủ nhà hàng đưa về nhà. Thật sự phải có sự chỉnh đốn ngay về vấn đề này
Trả lờiXóaLỗi lớn hay lỗi nhỏ đều do con người điều khiển, vì vậy lỗi của ai nhiều thì người đó phải chịu trách nhiệm, không nên quy kết việc cứ xe to là phải bồi thường tiền. Việc bồi thường đó là do cái tâm của mỗi người. Như trường hợp của anh Nam nêu trên cũng vậy, anh bồi thường cũng vì cái tâm nhưng mà cuối cùng anh vẫn bị tòa tuyên phạt.
Trả lờiXóaCần nhiều giải pháp khác nhau về cải thiện hạ tầng giao thông, về tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, về trách nhiệm công vụ của các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực giao thông... Mức xử phạt phải hợp lý để khi xử phạt không tạo thành gánh nặng quá sức đối với cuộc sống của một bộ phận người dân. Chúng ta có mức thu nhập thấp và cực thấp nhưng thuế, phí, phát toàn xếp hàng thế giới. Điều quan trọng nhất với chúng ta đó là văn hóa giao thông.
Trả lờiXóa