Không phải một đợt nắng nóng mùa Hè khiến các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp châu Âu “toát mồ hôi”. Họ đang lo ngại, việc Nga giảm cung cấp khí đốt tự nhiên cho các quốc gia châu Âu có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế vào mùa Đông tới.
Các nước phụ thuộc vào khí đốt Nga cấp tốc tìm kiếm nguồn cung nhiên liệu thay thế Nga và có thể phải quay trở lại sử dụng than đá. Hình ảnh hơi nước bốc lên từ các tháp làm mát tại nhà máy nhiệt điện RWE của Đức ở Niederaussem. (Nguồn: Reuters)
Nga tung "đòn đau"
Tuần trước, Nga đã giảm cung cấp khí đốt cho 5 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối. EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Moscow để sản xuất điện và vận hành ngành công nghiệp năng lượng.
Theo đó, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cắt giảm 60% nguồn cung thông qua dòng chảy phương Bắc 1.
Gazprom cho biết, họ phải cắt giảm các dòng chảy đến châu Âu thông qua dòng chảy phương Bắc 1 vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến một thiết bị quan trọng được đưa đi bảo trì tại Canada đã bị mắc kẹt.
Hành động của "gã khổng lồ" năng lượng Nga đã khiến giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh. Điều đó làm tăng doanh thu cho Nga vào thời điểm nước này đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và gây thêm căng thẳng cho châu Âu khi nước này hỗ trợ về chính trị và quân sự cho Ukraine.
Các động thái của Gazprom cũng có thể được coi là hành vi chống lại lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trước đó, Moscow ngừng cung cấp khí đốt ở Ba Lan, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp và Hà Lan. Ban đầu, hành động này ít tác động đến các quốc gia bởi Ba Lan đã lên kế hoạch loại bỏ dần khí đốt của Nga vào cuối năm nay, trong khi đó, những nước khác có nguồn cung cấp thay thế.
Tuy nhiên, các khoản cắt giảm mới nhất từ Moscow lại "đánh" vào các quốc gia là nền kinh tế lớn và sử dụng nhiều khí đốt tự nhiên của Nga. Đơn cử như Đức - quốc gia phụ thuộc khoảng 35% lượng khí đốt nhập khẩu từ Moscow, hay Italy phụ thuộc khoảng 40%.
Kế hoạch của EU gặp khó
Châu Âu đang cố gắng lấp đầy kho khí đốt dưới lòng đất trước mùa Đông. Các công ty khí đốt tích cực nạp đầy kho dự trữ trong mùa Hè với hy vọng khi có thể mua khí đốt với giá rẻ hơn, sau đó, giảm khối lượng mua khí đốt vào mùa Đông, khi nhu cầu sưởi ấm tăng lên.
Tuy nhiên, khi Nga "ra tay", kế hoạch này của EU lại trở nên khó thực hiện.
Bên cạnh đó, châu Âu không thể có đủ nhiên liệu cần thiết cho mùa Đông tới, nếu thiếu nguồn khí đốt của Nga.
Ngày 18/6, hãng Bloomberg đưa tin, lượng khí đốt dự trữ tại các cơ sở dưới lòng đất ở châu Âu lần đầu tiên giảm xuống kể từ giữa tháng 4/2022.
Theo dữ liệu mới nhất, kho dự trữ khí đốt của “lục địa già” đã giảm 1%, mặc dù khí đốt thường chỉ được bơm vào trong giai đoạn mùa Hè và được dự trữ cho đến thời gian cao điểm của mùa Đông.
Dự báo bi quan của Công ty nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie Ltd. cũng cho thấy, trong trường hợp Dự án dòng chảy phương Bắc bị đóng cửa hoàn toàn, châu Âu sẽ không thể tích lũy được lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra.
Hiện tại, các kho lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu đã chứa khoảng 57% khí đốt. Đề xuất mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC) là mỗi quốc gia đạt 80% vào ngày 1/11, trong khi đó, Đức đã đặt mục tiêu 80% vào ngày 1/10 và 90% vào ngày 1/11.
Các nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels cảnh báo rằng, Bulgaria, Hungary và Romania sẽ không đạt được mục tiêu của EC. Bên cạnh đó, Đức, Áo và Slovakia sẽ rất khó lấp đầy các kho lưu trữ khí đốt nếu nguồn cung từ Nga bị chặn lại.
An ninh khí đốt của châu Âu rất mong manh
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU nhận được khoảng 40% khí đốt từ Nga. Khối này đã vạch ra kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt từ Moscow vào cuối năm nay và loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2027.
EU cũng cho biết, khối sẽ ngừng nhập than của Nga trong tháng 8/2022 và hầu hết dầu của Nga trong 6 tháng tiếp theo. Mục tiêu của việc làm này là khiến Nga giảm 850 triệu USD/ngày tiền bán dầu và khí đốt cho châu Âu để ngăn chặn chiến sự tại Ukraine.
Thay thế cho khí đốt Nga, các chính phủ và các công ty châu Âu đã mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và được vận chuyển bằng tàu. Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng vọt, thúc đẩy lạm phát kỷ lục ở châu Âu và Nga luôn đạt doanh thu khí đốt ở mức cao.
Mặc dù châu Âu tập trung vào năng lượng tái tạo nhưng giá năng lượng tăng đang đẩy các quốc gia quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch. Đức đang gấp rút thông qua luật khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than - một giải pháp tạm thời để bổ sung nguồn cung khí đốt, giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Theo Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck, thật "cay đắng" khi phải chuyển sang dùng than nhưng "trong tình huống này, đó là điều hoàn toàn cần thiết". Ông Habeck kêu gọi người Đức tiết kiệm năng lượng.
Song song với đó, Đức cũng triển khai các biện pháp khác như khuyến khích ngành công nghiệp giảm tiêu thụ khí đốt, hỗ trợ tài chính để đẩy nhanh bơm đầy kho dự trữ khí đốt.
Tương tự như Đức, chính phủ Áo nhất trí phương án khởi động lại nhà máy nhiệt điện than nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp năng lượng do Nga khóa van khí đốt.
Chính phủ Hà Lan cũng cho biết, nước này sẽ cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động hết công suất trở lại để bảo tồn khí đốt tự nhiên.
Dù vậy, an ninh khí đốt của châu Âu đang trong tình trạng rất mong manh. Các nhà ga xuất khẩu khí đốt hóa lỏng ở các nước sản xuất năng lượng như Mỹ và Qatar đang quá tải, điều đó đồng nghĩa với việc châu Âu có thể phải tìm mua khí đốt từ châu Á.
Thêm vào đó, một vụ nổ và hỏa hoạn tại một nhà ga xuất khẩu ở Freeport, Texas, đã làm mất 1% công suất xuất khẩu của Mỹ trong nhiều tháng. Công ty nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy cho hay, hầu hết xuất khẩu của nhà ga này là sang châu Âu.
Nhà phân tích hàng hóa Carsten Fritsch tại Commerzbank Research nhận định, tình hình trên thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu đang rất căng thẳng. Thời gian tới, dòng chảy phương Bắc 1 sẽ đóng cửa bảo trì theo lịch trình và khí đốt sẽ tạm dừng chảy qua đường ống từ ngày 11-21/7.
Ông Carsten Fritsch phân tích: "Do đó, nhu cầu tích lũy khẩn cấp của các kho dự trữ khí đốt cho những tháng mùa Đông có thể giảm xuống và giá năng lượng có thể sẽ còn cao hơn".
(theo AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét