Cho tới nay, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine vẫn khá hạn chế về quy mô. Nga hầu như chưa sử dụng lính nghĩa vụ và cũng chưa tiến hành động viên nhập ngũ.
Xung đột giằng co nhưng có thể vượt tầm kiểm soát
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ 4. Ngày càng có dấu hiệu cho thấy chưa bên nào sẽ giành được thắng lợi quyết định cục diện toàn bộ cuộc xung đột quân sự này trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến có thể lan rộng ra ngoài vòng kiểm soát. Cuộc tranh cãi mới đây giữa Nga và Litva về việc phong tỏa đường bộ và đường sắt dẫn tới vùng Kaliningrad là một thí dụ về khả năng đó.
Tác động của xung đột Nga-Ukraine lên lĩnh vực lương thực và năng lượng đã vươn ra tầm toàn cầu, có thể gây bất ổn cho hệ thống quốc tế.
NATO có thể tăng cường vị thế của Ukraine bằng cách cung cấp thêm nhiều vũ khí và huấn luyện quân sự, giúp Kiev đạt được các thắng lợi ở cấp chiến thuật.
Tuy nhiên, nếu các thắng lợi đó vượt ra khỏi những lãnh thổ mà Nga vừa kiểm soát được sau thời điểm 24/2/2022 thì Moscow có thể sẽ thực hiện những bước leo thang lớn, như là tiến hành tổng động viên và đưa nền kinh tế vào trạng thái thời chiến. Khi ấy, Mỹ đứng trước 2 sự lựa chọn: Chấp nhập lép về về quân sự ở Ukraine hoặc cùng leo thang và có thể tiến sát tới ngưỡng của xung đột hạt nhân.
Có nhiều người đánh giá thấp năng lực quân sự của Nga. Tuy nhiên, phải nhớ rằng Nga đang thực hiện một “chiến dịch quân sự đặc biệt” - một cuộc chiến có tính giới hạn, khác với một cuộc chiến tổng lực quy mô lớn mà trong đó Nga sẽ huy động tất cả các nguồn lực của mình trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế và chính trị nếu thực tế đòi hỏi.
Có dấu hiệu cảnh báo
Thực sự, việc Nga tấn công Ukraine không phải là quá bất ngờ, thiếu các dấu hiệu cảnh báo hoặc các nỗ lực giải quyết quan ngại của đôi bên thông qua phương tiện ngoại giao. Vào cuối năm 2021, Moscow trình bày một danh sách các yêu cầu an ninh, đáng chú ý là về tư cách thành viên chính thức của Ukraine trong NATO. Mặc dù các yêu cầu này khó được chấp nhận đối với phương Tây, vẫn có một cơ hội để tương tác với Nga về vấn đề này và cố tìm ra một công thức ngoại giao có thể chấp nhận được cho tất cả các bên.
NATO sau đó bác bỏ tối hậu thư của Nga, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng các đợt trừng phạt mới và các đợt vận chuyển vũ khí viện trợ cho Kiev. Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ có lẽ có ý định khích Nga tấn công Ukraine và sa lầy tại đó như Liên Xô ở Afghanistan vào thập niên 1980.
Không phải ngẫu nhiên chính Tổng thống Ukraine Zelensky nghi ngờ cảnh báo của Tổng thống Biden về việc Nga sẽ tấn công Ukraine. Lực lượng quân sự được Nga triển khai ở Belarus và ở biên giới với Ukraine trước ngày 24/2 là không đủ cho một cuộc chiến tranh tổng lực. Thực tế đã chứng minh điều đó sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt đã diễn ra. Nhiều nhân vật trong chính quyền Nga và giới tướng lĩnh Nga cũng bất ngờ về một cuộc tiến công như vậy, điều này giải thích vì sao chiến dịch quân sự của Nga có phần thiếu thống nhất về chỉ huy và tác chiến trong giai đoạn đầu.
Một quan chức cấp cao được cho là am hiểu lối tư duy của Tổng thống Putin cho hay, nhà lãnh đạo Nga “hy vọng vào cuối ngày, sẽ khởi động được các đàm phán nghiêm túc và không cần đến hành động quân sự”.
Một mặt, Tổng thống Putin chịu trách nhiệm về việc phát động chiến dịch quân sự; mặt khác, chính các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây đã không xem trọng các yêu cầu của Nga.
Tổng thống Putin đang cố duy trì trạng thái bình thường trong nước
Hiện nay Nga vẫn chiếm ưu thế về hầu hết các nhóm vũ khí khí tài. Nhưng về mặt nhân lực, nhiều chuyên gia tin rằng Ukraine sau vài lần động viên nhập ngũ, có nhiều binh lính trên chiến trường hơn cả quân đội Nga.
Không những vậy, Nga còn chưa thực hiện các biện pháp cứng rắn khác. Họ vẫn hết sức kiềm chế, chẳng hạn, chưa tấn công các trụ sở chính của hệ thống chính quyền Ukraine, nơi ở của tổng thống ở Kiev... Các nhà lãnh đạo nước ngoài vẫn thoải mái thăm được Kiev bằng đường sắt mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía Nga.
Dù Nga nói cứng, các lực lượng của họ chưa tấn công các cơ sở bên ngoài lãnh thổ Ukraine như nhà kho, sân bay, ga tàu hỏa và đường cao tốc mà các nước láng giềng sử dụng để vận chuyển vũ khí vào Ukraine.
Tổng thống Putin rõ ràng là muốn khống chế chiến dịch quân sự ở mức giới hạn, nhằm duy trì cuộc sống bình thường bên trong lãnh thổ Nga. Ông chưa nâng “chiến dịch quân sự đặc biệt” lên cấp độ “chiến tranh vệ quốc”.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục gia tăng về cường độ và nhằm vào cả các cá nhân có mối liên hệ rất thông thường với chính quyền của ông Putin, gây ra cảm giác các lệnh trừng phạt đó nhằm vào người dân Nga nói chung chứ không phải chế độ của ông Putin hay quân đội Nga.
Hiện đã xuất hiện một số yếu tố có thể làm Nga leo thang xung đột quân sự. Vừa qua, giới chức Ukraine đã đề cập khả năng sử dụng vũ khí mới của phương Tây để phá hủy cây cầu Crimea. Họ thậm chí còn nói về việc tái chiếm Crimea. Mà đối với Nga, đây sẽ là một cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ của họ. Trong khi đó, Ba Lan và các nước Baltic đều tràn đầy khẩu khí bài Nga, tạo ra cảm giác các nước này cũng muốn đánh Nga.
Litva đã phong tỏa đường bộ và đường sắt đối với vùng Kaliningrad (chỉ còn dựa vào tiếp vận qua đường biển). Giới chức Ba Lan cũng vừa đe dọa hạn chế sự tiếp cận của Nga với Kaliningrad qua đường biển, đồng thời gợi ý họ có thể lo việc phòng không cho miền Tây Ukraine.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: National Interest
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét