Sự chênh lệch giữa số lượng vũ khí các nước chuyển giao đến Ukraine cho thấy phương Tây có dấu hiệu “chia rẽ” khi ứng phó với Moscow.
Đằng sau xung đột ở tiền tuyến Ukraine là một cuộc chiến tranh giành nguồn cung vũ khí, trong đó có sự chênh lệch đáng kể giữa lượng vũ khí từ Anh, Ba Lan và Mỹ, với các quốc gia châu Âu còn lại.
Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu một số quốc gia có đang cố ý trì hoãn?
Câu hỏi này phần lớn xuất phát từ các nước ở sườn phía đông của NATO, gần nơi giao tranh nhất. Và mối nghi ngờ đang ngày càng gia tăng, khi các đòn trừng phạt kinh tế dần trở nên đau đớn hơn với phương Tây.
Nhìn chung, phương Tây đang cung cấp cho Ukraine số vũ khí “vừa đủ” để tồn tại, “nhưng không đủ để giành lại lãnh thổ”, ông Ulrich Speck, nhà phân tích chính sách đối ngoại của Đức, cho biết. “Ý định của họ dường như là Nga không nên thắng, nhưng cũng không nên thua”.
“Các nước chuyển giao (vũ khí) gì và với tốc độ chậm như thế nào cho chúng ta biết rất nhiều về mục tiêu của họ. Và giờ đây, điều đó càng quan trọng hơn vì Ukraine ngày càng phụ thuộc vào vũ khí từ phương Tây”, ông Speck nhận định.
Sự chia rẽ lớn
Các quốc gia Tây Âu đổ lỗi cho vấn đề hậu cần và lo ngại cạn kiệt kho vũ khí dự trữ quốc gia. Nhưng hơn hết, châu Âu đang có sự chia rẽ lớn trong tư duy chiến lược về việc đáp ứng các mục tiêu của Nga hay không.
Dữ liệu mới từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel - cơ quan thường xuyên theo dõi các khoản viện trợ song phương về tài chính và vũ khí từ các nước đến Ukraine - chỉ ra sự chênh lệch lớn giữa cam kết và hành động của các nước Tây Âu, đặc biệt là Đức.
Số liệu cho thấy Mỹ đã công bố khoản viện trợ gần 6,4 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 2,4 tỷ USD vũ khí đã chuyển giao trên thực tế tính đến nay, dù vẫn là nước dẫn đầu.
Trong khi đó, Đức - quốc gia phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt vì chuyển giao vũ khí chậm - mới chỉ gửi khoảng 290 triệu USD trong khi hứa hẹn 620 triệu.
Berlin thậm chí thua cả Ba Lan - quốc gia này đã cam kết và giao 1,8 tỷ USD - và chắc chắn thấp hơn Anh. London đã giao 1 tỷ USD vũ khí trong số 1,12 tỷ đã cam kết.
Các thùng chứa vũ khí chống tăng của Đức trống rỗng tại một căn cứ quân sự ở Kyiv, Ukraine, vào tháng 3. Ảnh: New York Times.
Phần lớn vũ khí của Ba Lan và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đều đến từ các kho dự trữ từ thời Liên Xô. Ngược lại, các nước Tây Âu phải trích từ kho dự trữ quốc gia, do đó, họ viện dẫn lý do trì hoãn là cần đảm bảo khả năng tự vệ. Chẳng hạn, Đức hiện chỉ có khoảng 250 xe tăng hoạt động, ít hơn nhiều so với hàng nghìn xe trong Chiến tranh Lạnh.
Nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục với lý lẽ đó.
“Thành thật mà nói, con số của Kiel khá sốc”, nhà kinh tế học Guntram Wolff, Giám đốc mới của Hội đồng Đối ngoại Đức, cho biết.
Theo ông, mức hỗ trợ của châu Âu là dưới 0,2-0,3% tổng sản phẩm quốc nội. “Một mặt, đó là một khoản tiền lớn, nhưng xét đến những gì đang xảy ra, nó khá nhỏ”.
Các con số nhấn mạnh rằng Đức và Pháp dường như có mục tiêu chiến lược khác với Washington. Họ tin rằng rất khó để đánh bại một nước Nga có vũ khí hạt nhân, và không nên khiến Moscow rơi vào đường cùng.
Tổng thống Emmanuel Macron đã hai lần nói rằng: "Không được nhạo báng nước Nga", khiến người Ukraine khó chịu.
Ông vẫn lặp lại quan điểm đó trên chuyến tàu rời thủ đô Kyiv, ngay sau khi ông và các nhà lãnh đạo Đức, Italy và Romania đến thăm Tổng thống Volodymyr Zelensky vào giữa tháng 6.
Trong một bộ phim tài liệu, Tổng thống Macron cũng cho biết mục tiêu của châu Âu không phải khiến Nga suy yếu.
“Chúng ta ở đây để giúp Ukraine giành chiến thắng, bảo vệ lãnh thổ và nền độc lập của quốc gia này, chứ không phải để chống lại Nga”, ông khẳng định. Lời nói của ông khiến người Ukraine cũng như người Trung Âu tức giận.
Phương Tây bối rối
Trong khi đó, đối với Pierre Vimont, cựu Đại sứ Pháp tại Washington, các nước châu Âu đang chia thành 3 phe.
Một phe gồm những nước như Anh, Ba Lan và các quốc gia Baltic có lập trường cứng rắn với Nga, phe thứ hai gồm những nước như Bỉ, Cộng hòa Czech và Hà Lan đang cố gắng ngăn chặn một cuộc Chiến tranh Lạnh khác, cuối cùng là những quốc gia như Pháp, Đức, Hungary và Italy - “những người hy vọng một thời điểm nào đó sẽ có cơ hội khởi động cuộc đối thoại mới với Nga”.
Ba bên đều bối rối. “Không ai biết cách xử lý tình huống này. Không giống như năm 2014, khi Đức tổ chức thỏa thuận Minsk để ngăn chặn xung đột, hiện không có ai thúc đẩy một quá trình ngoại giao", ông Speck nói.
Khách tham quan bên ngoài Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Ukraine xem các bộ phận của máy bay quân sự Nga bị phá hủy ở Kyiv, hồi tháng 5. Ảnh: New York Times.
Trong khi đó, Claudia Major, chuyên gia quốc phòng của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế Đức, cho biết khi xung đột chuyển thành một trận địa pháo kéo dài, nguy cơ với các nước Tây Âu sẽ nhanh chóng phai mờ.
Khi xung đột nổ ra, mọi người đã sốc và lo ngại. Việc Đức đẩy mạnh chi tiêu quân sự thực chất để tự vệ hơn là giúp Ukraine, bà Major nói. “Đó là 100 tỷ USD cho chúng tôi, không phải cho Ukraine”.
Giai đoạn thứ hai dường như lạc quan hơn, khi quân Nga rút khỏi Kyiv và các lô hàng vũ khí của phương Tây chuyển từ tên lửa chống tăng sang xe tăng và pháo.
Nhưng giờ đây, bà Major nhận định cuộc xung đột đã chuyển sang "giai đoạn tiêu hao và Tây Âu lạc quan hơn rằng giao tranh sẽ chỉ duy trì ở Ukraine".
Theo bà, những quốc gia ở gần Ukraine nhất đang dần cạn kiệt kho vũ khí vì chuyển giao cho Kyiv, “còn Đức và Pháp, những nước vốn có thể giúp đỡ nhiều hơn, đang né tránh điều đó”.
Đối với ông Speck, Đức và Pháp đang cố gắng cân bằng cả hai rủi ro. Họ không muốn Nga thắng thế và tiến xa hơn nhưng cũng không muốn khiến Moscow phẫn nộ. Washington cũng chia sẻ mối lo ngại đó, nhưng ở Paris và Berlin, điều đó mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, dù tình hình trong nước hiện khó khăn đến mức nào, Tây Âu đang cố gắng tự thoát khỏi sự phụ thuộc vào than, dầu và khí đốt của Nga, và họ sẽ không quay trở lại, vì cả vấn đề kinh tế và an ninh. NATO và châu Âu cuối cùng không thể bị chia rẽ vì họ không còn lựa chọn khác, bà Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế Italy, cho biết.
Nguồn: Zing.
Nguồn: Zing.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét