Một loạt vụ nổ tại các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea trong những ngày gần đây đã khiến Crimea trở thành tâm điểm chú ý của dư luận dù đến thời điểm hiện tại, khu vực này vẫn chưa phải chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt.
Do sở hữu vị trí đắc địa cùng nhiều vấn đề lịch sử phức tạp, Crimea luôn âm ỉ những mâu thuẫn và trở thành điểm "nóng" tranh cãi giữa Nga và Ukraine trong nhiều năm qua. Giới quan sát cho rằng, khi chiến sự Ukraine bước sang một giai đoạn khác, Crimea đang nổi lên như một mặt trận mới.
Binh sĩ Nga trên một chiếc xe tăng ở khu vực do phe ly khai kiểm soát tại quận Volnovakha, tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: Anadolu Agency.
Tầm quan trọng của Crimea
Về mặt địa lý, Crimea nằm giữa Biển Đen và Biển Azov, tiếp giáp với Ukraine bằng một dải đất hẹp nhưng lại ngăn cách với lục địa Nga bằng Eo biển Kerch.
Crimea có diện tích 26.200km2 và dân số khoảng 2 triệu người, là điểm du lịch nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển, các vách đá ven biển và các nhà máy sản xuất rượu vang. Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014, sau khi giới chức ở khu vực này tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân. Kết quả cho thấy 96% cử tri Crimea ủng hộ sáp nhập. Ở thời điểm đó, phần lớn người dân đang sinh sống ở Crimea là người Nga, chiếm khoảng 60% dân số và ngôn ngữ Nga được coi là ngôn ngữ chính của bán đảo.
Phương Tây luôn cho rằng Crimea là một khu vực tự trị bên trong lãnh thổ Ukraine và phản đối việc Nga sáp nhập bán đảo này. Nhưng một số quốc gia như Nicaragua lại công nhận chủ quyền của Nga với Crimea.
Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống và mạng lưới điện, đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự đến đây, biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của Nga. Năm 2018, Tổng thống Nga Putin đã khánh thành cây cầu trị giá 4 tỷ USD nối Crimea với Nga qua eo biển này, còn gọi là cầu Kerch.
Bán đảo Crimea có tầm quan trọng cực lớn đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga, đóng vai trò như bàn đạp cho các hoạt động quân sự trên bộ ở khu vực phía Đông, bao gồm cuộc bao vây Mariupol.
Thành phố Sevastopol tại Crimea là nơi có cảng biển quan trọng giúp Moscow tiếp cận Địa Trung Hải và là trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga. Lợi thế này đã giúp Nga nhanh chóng giành quyền kiểm soát và phong tỏa các cảng của Ukraine dọc theo bờ Biển Đen, khiến giao thương trên biển của Ukraine bị đình trệ.
Cả Nga và Ukraine đều xem Crimea là tài sản mang tính biểu tượng và tính chiến lược trong cuộc xung đột. Trong bài phát biểu ngay sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, Tổng thống Putin cho biết: “Nga có nghĩa vụ bảo vệ người dân ở Crimea và Sevastopol khỏi những người theo chủ nghĩa phát xít”. “Sau khi người dân Crimea quyết định gia nhập Nga, Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ quyết định của họ”, ông nói thêm.
Còn Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 14/8 tuyên bố: "Crimea là lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ khu vực này”. Ông khẳng định: "Cuộc chiến này bắt đầu với Crimea và phải kết thúc với việc giải phóng Crimea”.
Mở ra một mặt trận mới tại Ukraine
Theo giới phân tích, loạt vụ nổ tại Crimea có thể mở ra một mặt trận mới, thể hiện sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và làm tiêu hao thêm các nguồn lực của Nga.
Ukraine không công khai nhận trách nhiệm về bất cứ vụ nổ nào tại Crimea, nhưng Tổng thống Zelensky và một trong những cố vấn hàng đầu của ông là Mykhailo Podolyak đã đưa ra những tuyên bố làm dấy lên đồn đoán mơ hồ về sự can dự của Ukraine trong các cuộc tấn công phía sau chiến tuyến. Còn một số quan chức Ukraine tiết lộ với Washington Post rằng, các vụ nổ tại 2 căn cứ không quân và tại một kho chứa đạn dược của Nga là do lực lượng đặc nhiệm của nước này tiến hành nhằm làm gián đoạn chuỗi tiếp tế của Nga.
Trước đó hôm 16/8 một kho đạn gần thị trấn Dzhankoi đã phát nổ và bốc cháy dữ dội buộc khoảng 3.000 người dân sống gần đó phải sơ tán. Chỉ ít giờ sau, nhiều tiếng nổ lớn đã dội lên từ một căn cứ không quân của Nga ở Gvardeyskoye, Simferopol trên bán đảo Crimea. Tuần trước, một loạt vụ nổ đã xảy ra tại sân bay quân sự Saki, ở thị trấn nghỉ dưỡng Novofedorovka tại Crimea khiến 1 người thiệt mạng và 14 người bị thương.
Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, tần suất ngày càng gia tăng của những vụ nổ như vậy sẽ khiến Nga “đứng ngồi không yên”.
“Dzhankoi và Gvardeyskoye là nơi có hai sân bay quân sự quan trọng nhất của Nga ở Crimea. Dzhankoi cũng là ngã ba đường bộ và đường sắt, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển nguồn lực cho các hoạt động của Nga ở miền Nam Ukraine”.
Bộ này nhận định: “Nguyên nhân của các vụ nổ và mức độ thiệt hại vẫn chưa được đánh giá rõ ràng nhưng các chỉ huy của Nga nhiều khả năng sẽ lo ngại về tình hình an ninh trên khắp Crimea – căn cứ hậu phương vững chắc cho chiến dịch quân sự mà họ đang thực hiện ở Ukraine”.
Ukraine âm thầm hưởng lợi từ “sương mù chiến tranh”
Vẫn chưa rõ các vụ nổ này có phải là kết quả của cuộc tấn công từ phía Ukraine hay không, nhưng vị trí của chúng phù hợp với chiến thuật đánh vào hậu cứ của Ukraine. Kiev được cho là đang thực hiện chiến thuật này để giành lợi thế tại tỉnh Kherson ở miền Nam – nơi họ có kế hoạch tiến hành một cuộc phản công lớn, đồng thời tấn công các trung tâm tiếp tế và sân bay của Nga quanh thành phố Kherson, cách biên giới Nga khoảng 40km.
Ông Max Hess, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói với CNBC rằng: “Lý do khiến Ukraine tránh những cuộc thảo luận trực tiếp về nhân tố đứng sau các vụ nổ tại Crimea và đưa ra những tuyên bố không rõ ràng là bởi họ sẽ thu được nhiều lợi ích hơn từ tình trạng “sương mù chiến tranh”. Ukraine muốn ngăn Nga kiểm soát Crimea nhưng họ không muốn hướng sự chú ý vào cách thức cũng như những loại vũ khí họ sử dụng để thực hiện điều đó”.
Sương mù chiến tranh là thuật ngữ chỉ việc thu thập thông tin chưa đầy đủ trong một cuộc chiến dẫn đến sự thiếu chắc chắn trong nhận thức tình huống của các bên tham chiến. Nói nôm na đây là sự thiếu chắc chắn về khả năng và ý định của đối thủ trong chiến tranh và để hạn chế vấn đề này các lực lượng quân sự phải dựa khá nhiều vào các nguồn tin tình báo hoặc hệ thống theo dõi, giám sát.
Ông Max Hess cho rằng, dù Ukraine đang thực hiện các nỗ lực ở xung quanh và bên trong Kherson nhằm làm suy yếu khả năng của Nga trong việc nắm giữ phần lãnh thổ ở phía bắc sông Dnipro, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Kiev đạt được những bước tiến lớn.
“Ukraine đã lên kế hoạch thực hiện cuộc phản công lớn trong vòng 1 tháng qua nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy họ đạt bước tiến lớn trên các mặt trận dọc theo tuyến Kherson-Mykolaiv-Dnipropetrovsk".
Chuyên gia này lưu ý, có vẻ như chiến lược của họ là làm cho Nga suy yếu từ từ, sau đó tiến hành một một cuộc bao vây thay vì phản công để cố gắng khiến Nga từ bỏ quyền kiểm soát Kherson và Mykolaiv, phía bắc của sông Dnipro.
Đối với Crimea, nhà phân tích này nhận định, Ukraine có mục tiêu dài hạn là giành lại vùng lãnh thổ này nhưng vẫn còn quá sớm để nói về điều đó. Và mục tiêu giải phóng Crimea có thể không thực hiện được nếu Kiev thất bại ở Kherson.
Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)
Chưa có sự xác nhận nào cho các hoạt động quân sự tại bán đảo Crimea nên không thể nói là gây ra sự bất ổn cho Nga được, chỉ nhìn vào cáo vụ nổ thì không đến mức đe dọa, xảy ra vụ nổ tại lãnh thổ tiếp giáp trong thời kỳ chiến tranh là điều hoàn toàn bình thường.
Trả lờiXóa