Ông Nguyễn Văn Thược nói không thể hình dung việc cháu nội hơn 3 tuổi bị thắt cổ, nhốt vào ngăn tủ cấp đông suốt hơn một tiếng trong quán gia đình cho thuê ở sát bên cạnh.
"Ở nhà chơi với mẹ ngoan, đi một lát ông về ngay", 14h15 ngày 13/8, ông Thược, 65 tuổi, dặn cháu nội trước khi rời nhà ở xóm 3, thôn Thượng Vĩ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, để đi họp. Cậu bé tên thường gọi là Min, 3 tuổi 6 tháng nói sõi, đi vững và thường đòi ông bế đi chơi mỗi buổi chiều.
Cả chiều hôm đó, ông Thược bỗng nhiên sốt ruột dù "chẳng vì chuyện gì cụ thể" nên rời cuộc họp sớm. Gần 17h, về tới nhà không thấy cháu đâu, ông chạy vội sang nhà con trai và sáu nhà hàng xóm xung quanh tìm kiếm.
Linh tính có chuyện chẳng lành, ông giục vợ cùng con dâu túa đi tìm mọi ngóc ngách song vẫn bặt tin. Ông còn nghĩ tới trường hợp xấu nhất là Min ra đường chơi, bị bắt cóc.
Cùng lúc này, con trai ông ở nơi xa ngồi kiểm tra camera an ninh để hỗ trợ mọi người.
Dữ liệu camera thể hiện, lúc 15h20, bé trai mặc bộ quần áo phông màu xanh đi vào quán trà sữa sát nhà chơi. Từ đó, camera không ghi hình ảnh em bé trở ra. Tuy vậy lúc 16h15, chủ quán trà sữa là Nguyễn Trường Giang, 25 tuổi, trú xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, khoá cửa và đi xe máy về phía cầu Châu Giang.
Mọi thành viên trong gia đình đổ về quán trà sữa rộng 35 m2 đang khoá hai lớp cửa. Hơn 17h, ông Thược lấy điện thoại gọi cho Giang hỏi tình hình thì gã nói đang đi tới Hà Nội, khẳng định cháu ông không có trong nhà. Hàng chục cuộc gọi sau đó được thực hiện để hỏi rõ thêm song Giang không nhấc máy nữa.
Cả nhà ngồi chụm đầu lại ngay trước cửa quán, soi kỹ từng giây dữ liệu camera và vẫn chỉ thấy thấy bé trai vào chứ chưa rời quán. Không đợi xem đến lần thứ hai, ông Thược chạy vào nhà vác máy cắt cửa cuốn, lấy một búa đinh và gọi mấy người hàng xóm sang giúp.
Sau vài phút cắt được khoá, ông dùng búa đập vỡ một ô cửa kính của lớp cửa thứ hai, tạo khoảng rộng đủ người chui lọt. Ông là người đầu tiên chui vào. Bật khóc, chân tay run lẩy bẩy, người đàn ông 65 tuổi hét lớn: "Min ơi, Min đâu rồi, ra đây với ông". Ông nhìn quanh phòng tìm kiếm song không thấy cậu bé.
"Hay là cháu không ở đây", ông Thược nghĩ vài giây rồi gửi gắm 5 người khác tiếp tục tìm kiếm. Ông chạy đến con mương thoát nước phía sau nhà, cầm cây củi khô khua khoắng. "Mọi thứ như đi vào ngõ cụt, tôi rối bời, quay về nhà thờ tổ thắp hương", ông kể.
Cùng lúc này, phía ngoài đường có tiếng hô lên: "Tìm thấy rồi".
Người phát hiện ra Min là anh Đặng Trung Thìn, 27 tuổi, hàng xóm ở đối diện. Lúc đó trời sẩm tối, cả khu phố Thượng Vĩ ai cũng lo lắng, đổ ra đường tìm kiếm xung quanh. Đứng hoà trong dòng người, anh Thìn nghĩ ngay đến những video "giấu trẻ con đầy man rợ" thường xem trên mạng nên lập tức chui vào quán trà sữa để hỗ trợ.
Trong căn phòng đồ đạc lộn xộn, thấy chiếc tủ cấp đông, Thìn đến gần mở hai cánh, một bên là ngăn mát, một bên là ngăn đá, nhưng không thấy gì. Đi ra ngoài cửa rồi lại quay trở vào, Thìn mở tủ một lần nữa, dùng tay nhấc thùng giấy bìa carton trong ngăn đá thì bất ngờ rách toạc rất nhanh. Hai chân của em bé lộ ra.
Thìn ngã ngửa ra đằng sau, ngoái cổ ra ngoài cửa nói: "Đây rồi mọi người ơi". "Chân tay tôi run lập cập, hoa mắt, mặt nóng ran vì sợ hãi", anh kể với VnExpress, lúc đó khoảng 17h50'.
Thấy một túi đá viên chừng 5 kg đang đặt trên thùng carton, anh vội vứt sang ngăn bên cạnh, xé toang thùng giấy. Min đang nằm bên trong, co chân, đầu gục xuống, cổ bị buộc thắt bằng dây giày màu trắng.
"Tôi bế ra ngoài thấy em bé tim vẫn đập song người lạnh toát, không động đậy", Thìn nhớ lại.
Với Thìn, cuộc giải cứu bé trai này sẽ chẳng bao giờ quên được. Đêm đó, anh trằn trọc, thi thoảng lại ra hành lang mở cửa sổ nhìn sang nhà ông Thược, thầm mong ước bé được bình an. "Nếu chỉ chậm một thời gian nữa không ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng giờ mọi thứ đều ổn", Thìn nói.
Bé Min được gia đình đưa đến phòng khám gần đó cấp cứu, rồi chuyển lên Viện Sản Nhi Hà Nam và tới Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội vào tối cùng ngày.
Bác sĩ chuẩn đoán, bé trai cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, hạ thân nhiệt, chấn thương. Em bị tổn thương thực thể, xuất huyết, xây xước vùng đầu, mặt, cổ và lưỡi sưng nề. Hiện sức khoẻ đã ổn định.
Quán trà sữa chính là địa điểm ông Thược cho Giang thuê với giá 1,4 triệu đồng một tháng vào đầu tháng 4, sau khi anh ta nhận chuyển nhượng quán từ một người khác.
Ông Thược cho hay, gia đình không có mâu thuẫn với Giang và hàng ngày tiếp xúc không thấy anh ta có biểu hiện gì bất thường. Bình thường, Min chỉ chơi quanh nhà hoặc sang nhà họ hàng ở kế bên. Sáng 13/8 là lần đầu bé trai "bén mảng" sang nhà Giang chơi.
Chiều 14/8, Công an tỉnh Hà Nam cho biết khi bị triệu tập Giang đã thừa nhận hành vi gây ra với bé Min.
***
Nguồn: Phạm Dự
VnExpress
Nguồn: Phạm Dự
VnExpress
Không nên rời con dù chỉ 1 giây!
Trả lờiXóaKhông tin tưởng 1 bố con đứa nào hết vì thú tính cno nổi lên lúc nào không hay!
Dạy con cách cảnh giác không tiếp xúc người lạ kể cả người quen mà không phải người thân trong gia đình!
Xã hội thật đáng sợ 😢
BẠO LỰC XÃ HỘI CẦN PHẢI ĐƯỢC LÊN ÁN CHỨ KHÔNG CHỈ ĐƯA TIN MỘT CHIỀU
Trả lờiXóaChỉ trong có 02 ngày cuối tuần mà xảy ra đến mấy vụ hành động theo kiểu xã hội đen:
1. Hải Phòng: chồng dùng dao đ.â.m ch.ế.t vợ rồi tự tử (nhưng không ch.ế.t). Mẹ vợ can ngăn còn bị chém bị thương ở tay.
2. Vĩnh Phúc: bị “bóc phốt” trên mạng, vợ chồng chủ shop quần áo đến tận nhà người ta hành hung, đánh cả bà bầu.
3. Hà Nam, một cháu bé 3 tuổi bị một người thuê nhà của hàng xóm đánh đập, nhốt trong tủ cấp đông suốt nhiều giờ, phải vào viện Nhi TƯ cấp cứu.
4. Thanh Hoá: một ông lão sang nhà bạn đánh cờ tướng, bức xúc vì chủ nhà chỉ nước cờ xho đối phương đi dẫn đến bị thua, đã cầm dao đ.â.m ch.ế.t chủ nhà.
5. TP Hồ Chí Minh: mâu thuẫn khi giật đồ cúng cô hồn, một đám thanh niên mang theo hung khí đuổi đánh nhau, gây náo loạn cả một vùng.
Vì đâu nên nỗi? Do đâu mà con người, trong đó có cả những người thân thiết mà hành xử với nhau tàn bạo, mất nhân tính đến vậy?
Trả lờiXóaNguyên nhân có nhiều. Nhưng có lẽ, báo chí, mạng xã hội khi đưa tin, chia sẻ về các vụ việc này không nên chỉ dừng lại ở mô tả chi tiết, mà cần dành nhiều dung lượng hơn cho việc chỉ ra cái sai và lên án nó.
Bạo lực chưa bao giờ là một giải pháp văn minh trong ứng xử giữa người với người. Vì “chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”. Đây là lỗ hổng văn hoá cần phải sớm được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, và báo chí, truyền thông có vai trò rất quan trọng, để chúng ta không phải chứng kiến những cảnh đau lòng như này nữa.
Trả lờiXóaHiện tại, tình hình sức khỏe của cháu bé đã ổn định, tuy nhiên vẫn bị tổn thương khiến ăn uống có phần khó khăn. Gia đình có con nhỏ phải lưu ý cẩn trọng vì xã hội hiện giờ vô cùng phức tạo và khó lường
Trả lờiXóaLà 1 người mẹ và cũng là một công dân tôi kiến nghị với 3 Cơ quan : Bộ Công An, Toà Án và Viện Kiểm Sát nên có 1 trang Wed lấy ý kiến đối với những vụ bạo hành đặc biệt là với trẻ nhỏ để những bậc làm cha làm mẹ có con nhỏ như chúng tôi được tham gia lấy ý kiến cùng
Trả lờiXóacác bậc phụ huynh nên tìm hiểu thêm và tiếp thu những kiến thức tốt nhất trong việc bảo vệ và giáo dục con cái về việc bắt cóc, cũng như hững hành vi dâm ô, hành hạ, ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của trẻ
Trả lờiXóa