Chia sẻ

Tre Làng

Biểu tình lan rộng ở châu Âu phản đối sức ép giá cả

Chưa giải quyết xong bài toán năng lượng với Nga, Liên minh châu Âu phải đối mặt với nhiều thách thức bên trong khối, như biểu tình và nguy cơ chia rẽ nội bộ.

Hơn 70.000 người biểu tình tại thủ đô Praha (CH Czech) vào đầu tháng 9 phản đối chính phủ để lạm phát và giá nhiên liệu leo thang. Ảnh: AL MAYADEEN

Dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện ở châu Âu và dần lan rộng. Theo trang Countercurrent, từ đầu tháng 9 đến nay, tại nhiều nước châu Âu liên tục xuất hiện tình trạng dân xuống đường biểu tình phản đối chính phủ để lạm phát tăng, giá cả sinh hoạt và năng lượng leo thang, cả chủ trương tăng giá năng lượng để giảm mức sử dụng của người dân.

Bất ổn, biểu tình dần lan rộng ở châu Âu

Ngày 18-9 tại Moldova, hàng ngàn người tập trung bên ngoài tòa nhà chính phủ yêu cầu Tổng thống thân phương Tây Maia Sandu và nội các từ chức vì để xảy ra tình trạng lạm phát và giá năng lượng tăng cao. Moldova mua khí đốt từ Tập đoàn Gazprom của Nga theo hợp đồng được ký kết năm ngoái. Giá biến động hằng tháng, được tính theo giá khí đốt và dầu giao ngay tùy theo mùa. Giá giao ngay đã tăng vọt trong năm nay. Dân số 3,5 triệu người của Moldova đang phải chịu khó khăn kinh tế nghiêm trọng liên quan đến giá năng lượng, vốn tăng 29% trong tháng 9 sau khi tăng gần 50% trong tháng 8.
Từ tháng 11-2021 đến nay thế giới đã xảy ra hơn 10.000 cuộc biểu tình liên quan các vấn đề năng lượng và lương thực, theo thống kê của GS Naomi Hossain tại ĐH Washington (Mỹ), chuyên nghiên cứu về các cuộc biểu tình và bạo loạn.
Lạm phát ở Moldova đang ở mức cao kỷ lục 34,3% và lãi suất đã được điều chỉnh tăng tới 21,5%. Nước này đã cắt giảm ước tính tăng trưởng xuống mức 0 cho năm 2022 và theo ước tính của Thủ tướng Natalia Gavrilita thì nền kinh tế Moldova dự kiến sẽ tăng trưởng chỉ 1,5% trong năm tới.

Ngày 9-9 tại Đức, hàng ngàn người biểu tình ở hai bang Thuringia và Sachsen đòi chính quyền phải hỗ trợ chi phí cho các hộ dân. Người biểu tình nhất quyết phản đối chính sách thắt chặt năng lượng của chính phủ, khi Berlin quyết định áp thuế điện 2,4 euro cho mỗi kWh kể từ ngày 1-10 tới. Điều này khiến người dân phẫn nộ khi họ phải chịu thêm gánh nặng tài chính mới. Một người biểu tình chia sẻ với tờ People Dispatch rằng: “trước tình hình giá xăng tăng chóng mặt, không biết gia đình tôi có đủ khả năng để sưởi ấm trong mùa đông này hay không”.

Trước đó, ngày 3-9 tại CH Czech, hơn 70.000 người biểu tình yêu cầu nội các Thủ tướng Petr Fiala từ chức vì để lạm phát leo thang nghiêm trọng, tới mức 17,5% (cao nhất trong ba thập niên) và có khả năng sẽ lên 20% trong vài tháng tới. Người biểu tình cũng phản đối việc CH Czech tham gia vào nỗ lực của phương Tây gây sức ép lên Nga, yêu cầu chính phủ ngưng trừng phạt Nga, thỏa thuận với Nga về xuất khẩu khí đốt. Tờ National World dẫn lời một người biểu tình rằng “chính phủ nên dành sự quan tâm cho người dân CH Czech nhiều hơn thay vì Ukraine”.

Cùng ngày 3-9, bên ngoài tòa thị chính TP Napoli (Ý), người dân đốt hóa đơn điện và hóa đơn khí đốt phản đối việc chính phủ tăng giá năng lượng gấp bốn lần nhưng chỉ hỗ trợ 15% tổng hóa đơn năng lượng cho dân. Theo họ, việc hỗ trợ này như một “trò đùa”. Người dân cũng phản đối mạnh việc chính quyền Ý thắt chặt việc sử dụng lò sưởi từ tháng 10 tới để giảm mức tiêu thụ năng lượng trong nước, theo hãng tin Tasnim News.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, GS Naomi Hossain tại ĐH Washington (Mỹ) - chuyên nghiên cứu về các cuộc biểu tình và bạo loạn nhận định “mùa đông sắp tới nhiều khả năng bất ổn xã hội sẽ tràn ngập khắp châu Âu”. Theo bà, người dân châu Âu sẽ còn biểu tình chừng nào họ “cảm thấy nhu cầu năng lượng được đáp ứng”.

Nội bộ EU không đồng thuận

Theo tờ Bloomberg, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa có cuộc họp cấp cao ngày 9-9 bàn biện pháp ứng phó với nguy cơ bất ổn chính trị, kinh tế - xã hội có thể xảy ra do khủng hoảng năng lượng và thảo luận các biện pháp tiết giảm nhu cầu điện trong khối.

Cuộc họp thống nhất trước mắt chi thêm ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân chi trả các hóa đơn tiêu dùng, giảm sức ép giá cả sinh hoạt cho người dân. Về quản lý, các đại diện EU vẫn thống nhất chủ trương tăng giá điện nhằm hạn chế lượng điện sử dụng của người dân. Tuy nhiên, theo Bloomberg, các biện pháp này không những chưa thể cứu vãn tình hình khủng hoảng năng lượng của EU, mà còn có khả năng khiến khối này thêm rối loạn trước cảnh mùa đông lạnh giá đang đến gần.

Bên cạnh đó, theo Reuters, EU đang nỗ lực để đạt được sự đồng thuận từ các nước thành viên về việc áp giá trần đối với khí đốt và dầu Nga, vốn được xem là biện pháp để giải quyết tình hình khủng hoảng hiện tại. Tuy nhiên, khả năng này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các nước thành viên trong khối.

Ngày 9-9, phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Giannis Oikonomou cho biết nước này không ủng hộ việc áp giá trần lên khí đốt và dầu Nga, kêu gọi EU nên tăng cường các hành động mang lại lợi ích cho người dân của khối thay vì tạo ra các vấn đề phức tạp khác. Đại diện Ý được cho có cùng quan điểm này, theo Reuters.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto lo ngại rằng áp giá trần lên khí đốt và dầu Nga có thể khiến Moscow ngay lập tức ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ông chỉ trích rằng sáng kiến này đi ngược lại với lợi ích của cả châu Âu và Hungary.

Ngày 10-9, Cố vấn thủ tướng Hungary về các vấn đề chính trị Balazs Orban cho rằng EU nên xem lại các lệnh trừng phạt của khối lên Nga vì hiệu quả không như kỳ vọng, theo tờ Budapest Times.

Theo ông, các lệnh trừng phạt chỉ có tác dụng trong trường hợp nước lớn áp đặt lên nước nhỏ. Trong trường hợp này, xét về lĩnh vực năng lượng thì Nga là một gã khổng lồ còn các nước EU chỉ là những chú lùn, do đó các lệnh trừng phạt của EU lên Nga không có hiệu quả đáng kể.•

Liệu EU có xem lại việc trừng phạt Nga?

Theo Reuters, bà Saskia Bruines - Ủy viên Hội đồng TP Den Haag (Hà Lan) cho biết sẽ đề nghị EU xem xét miễn trừ các lệnh trừng phạt lên Nga để họ có thể tiến tới các hợp đồng năng lượng với các nhà cung cấp khí đốt từ Nga. Bà Bruines tin EU có thể sẽ chấp nhận nguyện vọng này của Den Haag, do chính quyền TP không tìm được bất kỳ nguồn năng lượng nào để thay thế nguồn cung từ Nga.

Theo đài RT, Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary Tamas Menczer nhận định các biện pháp trừng phạt từ phương Tây lên Nga hầu như chưa gây áp lực lớn lên Nga, không thay đổi được thái độ của Moscow trong chiến sự Nga - Ukraine. Trong khi đó, các nước EU đang trong tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng và cuộc sống người dân đang vô cùng khó khăn. Ông dự đoán EU có thể xem xét lại các lệnh trừng phạt với Nga và dỡ bỏ một số hạn chế trong các lệnh trừng phạt vào mùa thu năm nay.

***
Nguồn: Chí Thanh

2 nhận xét:

  1. theo ông, các lệnh trừng phạt chỉ có tác dụng trong trường hợp nước lớn áp đặt lên nước nhỏ. Trong trường hợp này, xét về lĩnh vực năng lượng thì Nga là một gã khổng lồ còn các nước EU chỉ là những chú lùn, do đó các lệnh trừng phạt của EU lên Nga không có hiệu quả đáng kể

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoa Co May20:29 21/9/22

      EU còn phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga mà dám áp đặt lệnh trừng phạt, thì khác gì tự làm đau mình, trong khi chủ chòm mẽo thì đứng sau chẳng bị ảnh hưởng gì, giờ lạm phát ảnh hưởng xấu đến người dân, kiểu gì họ cũng sẽ phản ứng, không sớm thì muộn sẽ lan rộng, để xem các quốc gia EU xử lý như thế nào

      Xóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog