Chia sẻ

Tre Làng

Lấn biển xây đô thị tại Quảng Ninh: Kinh tế phát triển, nỗi lo môi trường

Với lợi thế có nhiều khu vực biển ven bờ nông, bãi bồi nên những năm gần đây, tại Quảng Ninh đã có hàng loạt dự án lấn biển quy mô lớn xây dựng các khu đô thị, du lịch.

Xung quanh vịnh Hạ Long đang có hàng loạt công trình xây dựng đô thị, khu nghỉ dưỡng. Ảnh: QUANG PHÚC

Phân lô, xây nhà

Không chỉ dự án Khu đô thị mới Ao Tiên có quy mô 100ha tại khu vực vịnh Bái Tử Long (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) vừa khiến dư luận ồn ào vì lấn biển, mà còn rất nhiều dự án tương tự, thậm chí nằm ngay tại khu vực vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Trong số các dự án lấn biển tại Quảng Ninh phải kể tới Khu du lịch và giải trí Tuần Châu, một trong những dự án được triển khai sớm nhất (từ năm 1997) với quy mô ban đầu 300ha, nhưng sau nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch đã mở rộng lên tới khoảng 1.000ha. Xung quanh bến tàu Tuần Châu là những dãy nhà liền kề, shophouse và khách sạn sang trọng của dự án Khu đô thị Tuần Châu Marina.

Mặc dù khu vực này đã được đầu tư xây dựng, quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội rất sang trọng nhưng lại rất vắng vẻ người ở. Thậm chí, hàng loạt căn nhà liền kề, shophouse vẫn bỏ không, rêu mốc bên cạnh những bãi cỏ um tùm; nhiều căn khác lại được treo biển bán lại hoặc cho thuê. Trong khi đó, từ năm 2017, để xây dựng Khu đô thị Tuần Châu Marina, chủ dự án đã cho lấn biển bằng cách lấp đất tạo hình cánh hoa đang dần vươn ra xa và để hoàn thành dự án đã phải đổ không ít đất, đá, bùn, cát xuống vịnh Hạ Long để lấn thêm hàng trăm hécta mặt nước.

Cách Tuần Châu chỉ vài kilômét là dự án Khu đô thị Hạ Long Marina, còn gọi là Khu đô thị Hùng Thắng (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) có quy mô 248ha, được chia làm 3 bán đảo. Từ năm 2013 đến nay, chủ đầu tư dự án đã xây dựng, đưa vào hoạt động một số dự án thành phần, như: chung cư, khu nhà phố liền kề San Hô, khu tổ hợp thương mại và giải trí Hạ Long Marina Plaza… Những dự án thành phần này đều được hình thành từ nguồn đất lấn vịnh Hạ Long, nhưng trong số đó phải kể tới dự án Horizon Bay Hạ Long quy mô trên 10ha với hàng trăm biệt thự liền kề cao 6 tầng, biệt thự song lập cao 3 tầng được quảng cáo là sở hữu tầm nhìn ôm trọn vịnh di sản.

Tại Horizon Bay Hạ Long, các dãy nhà liền kề cùng cơ sở hạ tầng đã hoàn thành đồng bộ nhưng vẫn bỏ không, vắng lặng. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương cho biết, trước đây Hùng Thắng là một xã đảo của TP Hạ Long và từ năm 2000 tới nay, để phục vụ việc xây dựng khu đô thị Hùng Thắng, người ta đã xẻ núi, bạt đồi để lấy đất đá lấp biển, chỗ lấn ra vịnh Hạ Long rộng nhất tới 1,5km…

Cần phát triển bền vững

Thống kê của Bộ TN-MT, tính đến năm 2021, Quảng Ninh là một trong những địa phương có dự án lấn biển nhiều nhất (hơn 40 dự án) với diện tích lên tới hàng ngàn hécta, góp phần quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh nhất cả nước. Tuy nhiên, cùng với đó là mặt trái khi suốt thời gian qua, UNESCO không ít lần đưa ra cảnh báo đối với vịnh Hạ Long về những tác động môi trường, cảnh quan do ảnh hưởng của việc lấn biển, phát triển kinh tế và du lịch quá “nóng”.

Mới đây, tại hội thảo về “Sức tải khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và quản trị phát triển du lịch bền vững”, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, chỉ rõ, để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long, đã đến lúc chính quyền và ngành chức năng phải có chiến lược nhằm bảo vệ di sản trước sự quá tải của cung và cầu, đồng thời cần khai thác hài hòa, bền vững.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia về môi trường cũng bày tỏ lo lắng trước hàng loạt dự án lấn biển đang bao vây, xâm lấn vịnh Hạ Long và cả vịnh Bái Tử Long.

TS Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Địa lý nhân văn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, việc lấn biển đã trở thành một hướng mở tích cực cho các đô thị, khu vực ven biển, khẳng định hướng phát triển cần thiết cho tương lai. Tuy nhiên, thời gian qua, do chưa giải quyết tốt các yêu cầu về quy hoạch và đánh giá tác động môi trường nên một số dự án có hoạt động lấn biển đã gây tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, gây xói lở bờ biển. Không chỉ vậy, nhiều khu vực lấn biển nằm trong vùng đất ngập nước ven biển, độ đa dạng sinh học cao, có giá trị lớn đối với hệ sinh thái biển, nên việc đổ đất đá lấp các vùng đất ngập nước này dẫn tới suy thoái các hệ sinh thái nghiêm trọng. Hơn nữa, nhiều công trình lấn biển xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, chung cư... gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và ô nhiễm môi trường biển. Đặc biệt, sau khi dự án lấn biển đi vào hoạt động, các khu vực này thường được sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế, từ đó phát sinh ngày càng nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường, cho nên, nếu không tính toán và quy hoạch phù hợp, đây sẽ là sức ép lớn với môi trường biển.

***
Nguồn: Nguyễn Quốc

2 nhận xét:

  1. Hoa Co May12:18 5/9/22

    Quảng Ninh là tỉnh thu hút rất nhiều du khách nước ngoài lần vốn đầu tư vào phát triển tỉnh, tuy nhiên mặt trái của du lịch chính là gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là rác thải xả ra không qua xử lý, điều này cần được lưu ý, nếu không sự phát triển chỉ là ngắn hạn.

    Trả lờiXóa
  2. Quảng Ninh là một trong các tỉnh phát triển mạnh về du lịch biển, thế nên để ý việc giữ gìn môi trường, vì môi trường có sạch thì mới thu hút con người đến sinh sống, chứ đánh đổi thì chỉ được một thời gian ngắn mà thôi, chẳng ai muốn đến một nơi ô nhiễm vì rác thải cả

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog