PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - GĐ ĐH Đà Nẵng cho biết, đã yêu cầu Trường ĐH Kinh tế rà soát hồ sơ để xử lý giảng viên khoa Luật nhờ sinh viên thi hộ.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, khi tiếp nhận thông tin về trường hợp giảng viên N.T.H.P. (công tác tại khoa Luật - Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) nhờ sinh viên đi thi hộ để lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng 2, Đảng ủy ĐH Đà Nẵng đã yêu cầu Đảng bộ Trường ĐH Kinh tế xác minh và đã rút lại quyết định kết nạp Đảng viên đối với cô N.T.H.P. Sau đó, đã giao cho Trường ĐH Kinh tế xử lý rốt ráo sự việc này. Mới đây, ĐH Đà Nẵng cũng đã có văn bản nhắc lại.
Nhờ sinh viên đi thi hộ vì… ốm
Ngày 2/4/2021, ĐH Đà Nẵng có tổ chức đợt thi hết môn, kết thúc khóa học tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. Giảng viên N.T.H.P. có tham gia khóa học này. Thời điểm này, cô P. đang điều trị tại bệnh viện nên đã nhờ một sinh viên năm thứ 4, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thi hộ. Việc nhờ sinh viên thi hộ của cô P. trót lọt. Sau đó, cô P. được cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng 2”.
Trước thời điểm cô N.T.H.P. chuẩn bị kết nạp Đảng viên thì sự việc nhờ sinh viên thi hộ của cô P. được một số đồng nghiệp cùng khoa phát hiện. Vụ việc sau đó được phản ảnh lên lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế cùng các đơn vị chức năng có liên quan.
Ông Phan Kim Tuấn - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Ngay sau khi có thông tin phản ảnh, nhà trường đã yêu cầu giảng viên N.T.H.P. tường trình và nhanh chóng tiến hành xác minh sự việc. Cô P. cũng đã thừa nhận có nhờ sinh viên khoa Luật đi thi hộ vì lý do sức khỏe”. Căn cứ trên kết quả xác minh và tường trình của cô P., Đảng ủy Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã thu hồi quyết định kết nạp Đảng. Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng 2 được cấp cho giảng viên N.T.H.P. sau đó cũng đã được Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng thu hồi.
Ông Phan Kim Tuấn thông tin: “Theo quy trình, khi xử lý kỷ luật về mặt Đảng xong thì sẽ bàn giao cho chính quyền để có những bước tiếp theo. Tiến độ xử lý cũng phải đầy đủ các quá trình: gặp đương sự, yêu cầu viết bản tường trình, triển khai kiểm điểm tại đơn vị. Tuy nhiên, đúng là có những lý do cả khách quan và chủ quan khiến việc xử lý có chút chậm trễ”.
Có hết hiệu lực xử lý kỷ luật?
Theo thông tin mà ông Phan Kim Tuấn cung cấp, trước Tết Nguyên đán năm 2022, nhà trường đã thông báo thời gian họp kiểm điểm với Khoa Luật và giảng viên N.T.H.P. nhưng trước ngày tổ chức họp thì cô P. báo ốm. “Do không có sự tham gia của đương sự nên cuộc họp này bị hoãn lại. Rồi vướng một đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Sau thời điểm này, dịch Covid có những diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức họp kiểm điểm. Rồi đến khi chúng tôi mời họp để đưa ra hình thức kỷ luật thì cô N.T.H.P. cho rằng đã quá thời hạn xử lý kỷ luật viên chức theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức” - ông Tuấn cho biết.
Về hướng xử lý đối với trường hợp giảng viên N.T.H.P., ông Tuấn thông tin rằng có 2 luồng quan điểm về thời gian phát hiện hành vi vi phạm: Quan điểm 1 đó là từ thời điểm có thông báo của Đảng về việc cá nhân có vi phạm. Quan điểm 2 là tính từ thời điểm cô P. viết bản tường trình, thừa nhận sai phạm của mình. Việc áp dụng thời gian phát hiện hành vi vi phạm của cô P. như thế nào thì nó sẽ ảnh hưởng đến thời hạn về xử lý kỷ luật viên chức.
“Do buộc phải tham vấn ý kiến luật sư bên ngoài và giảng viên khoa Luật của trường để đảm bảo các căn cứ pháp lý, cộng thêm những lý do khách quan khác như việc ảnh hưởng dịch Covid bùng phát ở thời điểm sau Tết Nguyên đán nên sự việc có kéo dài hơn. Thế nhưng, quan điểm của nhà trường là sẽ xử lý kỷ luật căn cứ trên tính chất sự việc chứ không bao che, giấu diếm”.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng thừa nhận: Việc kéo dài thời gian xử lý của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng gây hiểu nhầm trong một số giảng viên rằng ở đây có sự bao che. Tuy nhiên, quan điểm của ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Kinh tế là sẽ xử lý rốt ráo vụ việc để đảm bảo tính nghiêm minh của môi trường giáo dục.
Theo khoản 3 điều 53 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định: Thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Căn cứ trên kết quả xác minh và tường trình của cô P., Đảng ủy Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã thu hồi quyết định kết nạp Đảng. Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng 2 được cấp cho giảng viên N.T.H.P. sau đó cũng đã được Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng thu hồi.
Trả lờiXóa