Máy bay không người lái tự sát được Nga sử dụng đang trở thành cơn ác mộng với phòng không của Ukraine. Chi phí rẻ, tầm bay xa và mang theo đủ chất nổ để phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng, những vũ khí này đang trở thành bài toán nan giải.
Người lính Ukraine đang quan sát vị trí máy bay không người lái Geran-2. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP).
CNN dẫn lời Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, chỉ sau hơn một tuần, 30% hệ thống cơ sở hạ tầng điện của Ukraine đã bị phá hủy, dẫn đến tình trạng “mất điện diện rộng” trên khắp đất nước.
“Một kiểu tấn công khủng bố khác của Nga: nhắm vào năng lượng và cơ sở hạ tầng thiết yếu. Kể từ ngày 10/10, khoảng 30% các trạm điện của Ukraine đã bị phá hủy, gây tình trạng mất điện diện rộng trên cả nước”, ông Zelensky viết trên Twitter.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó cũng xác nhận rằng quân đội nước này đã tiến hành các cuộc tấn công chính xác cao nhắm vào “hệ thống năng lượng” của Ukraine.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, Nga đã sử dụng Geran-2, được cho là phiên bản nội địa hóa của Shahed-136, mẫu máy bay không người lái (UAV) tự sát có nguồn gốc từ Iran. RT dẫn lời Tổng thống Zelensky cho biết Nga đã mua 2.400 UAV Shahed-136 từ Iran.
Âm thanh khó chịu từ động cơ hai kỳ của những chiếc Geran-2 được những người lính Ukraine mô tả như những chiếc "xe đạp máy" hay "máy cắt cỏ". Âm thanh này gây sự sợ hãi cho những người ở dưới mặt đất, bởi chẳng ai biết khi nào chiếc UAV kia sẽ bổ nhào vào mục tiêu.
Hình ảnh chiếc Geran-2 bổ nhào xuống mục tiêu được phóng viên AFP ghi lại. (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP).
Rẻ, uy lực, chính xác, sẵn có
Theo AP, Shahed-136 hay Geran-2 là loại vũ khí chính xác, cỡ nhỏ, có thể xuyên thủng hệ thống phòng không khi được phóng đi hàng loạt và hơn hết, có giá thành rất rẻ. Được biết đến với cái tên “tên lửa hành trình cho người nghèo”, Shahed-136 có thể hoàn thành nhiệm vụ với chi phí thấp.
Việc Nga liên tục tung ra nhiều đợt tấn công bằng Geran-2 đạt nhiều mục đích: phá hủy mục tiêu quan trọng, hạ tinh thần và khiến đối phương cạn kiệt vũ khí khi cố gắng tiêu diệt những UAV rẻ tiền này.
Một số UAV và tên lửa được sử dụng tại chiến trường Ukraine. Shahed-136/Geran-2 có tầm hoạt động, giá thành rẻ.
Máy bay không người lái đã được sử dụng phổ biến trên chiến trường trong những năm trở lại đây với nhiệm vụ thu thập thông tin hay tấn công mục tiêu.
Chiến trường tại Ukraine xuất hiện nhiều loại máy bay không người lái, từ những UAV dân sự của DJI được dùng trong trinh sát hoặc thả lựu đạn cho tới những máy bay được điều khiển từ xa như Orion của Nga hay Bayraktar TB-2, có thể mang theo tên lửa dẫn đường chính xác.
Xét theo chi phí, Geran-2 đắt đỏ hơn các UAV dân sự, nhưng rẻ hơn rất nhiều so với những loại máy bay không người lái cỡ trung hoặc lớn. Với mức giá tương đối rẻ, cách thức tấn công của Geran-2 cũng tương đối đơn giản: đâm thẳng vào mục tiêu và phát nổ.
Bởi chỉ sử dụng được một lần duy nhất, Geran-2 hay Shahed-136 được gọi là máy bay không người lái tự sát (kamikaze drone). Từ “kamikaze” có nghĩa là thần phong, thuật ngữ chỉ việc những phi công người Nhật vào cuối Thế chiến II đã dùng máy bay, chất đầy bom và nhiên liệu, để đâm thẳng vào tàu chiến của Mỹ.
Thuật ngữ quân sự cho những UAV này là đạn tuần kích bởi khi được sử dụng ở tầm ngắn, chúng có thể lượn vòng quanh mục tiêu và tấn công khi có lệnh từ người điều khiển.
Theo dữ liệu từ Defense Express của Ukraine, Shahed-136 có thiết kế cánh delta (hình tam giác), chiều dài 3,5 mét, rộng 2,5 mét và nặng khoảng 200 kg. Chiếc UAV này sử dụng động cơ 50 mã lực và đạt vận tốc tối đa là 185 km/h.
Các linh kiện của Shahed-136 đều có giá thành rẻ, dễ kiếm. Động cơ MD550 của chiếc UAV này thậm chí còn từng được tìm thấy trên trang thương mại điện tử AliExpress. Nhà nghiên cứu cao cấp Behnam ben Taleblu tại Quỹ Phòng thủ Dân chủ cho biết, vũ khí này cũng đã được sử dụng tại Yemen và trong một vụ tấn công tàu chở dầu vào năm ngoái.
Trong khi có tầm hoạt động tối đa là 1.000 km, chuyên gia Samuel Bendett cho biết Geran-2 được sử dụng tại Ukraine từ khoảng cách ngắn hơn nhiều. Nguyên nhân là bởi hệ thống dẫn đường bằng GPS của UAV này dễ bị gây nhiễu.
Theo AP, phiên bản Shahed-136 của Iran có thể được điều khiển bằng sóng radio. Việc phiên bản Geran-2 của Nga có tính năng tương tự hay không hiện vẫn chưa rõ. Theo Forbes, Shahed-136 nhiều khả năng còn mang cảm biến hồng ngoại, dùng để tấn công các mục tiêu di động như xe tăng.
Nhờ giá rẻ và sẵn có, Nga ngày càng tăng cường sử dụng Geran-2 tại chiến trường Ukraine. UAV này giúp cho Nga không phải đẩy máy bay và phi công vào những tình huống nguy hiểm, đồng thời tiết kiệm tên lửa đắt đỏ.
Lính cứu hỏa đang dọn dẹp hiện trường sau một vụ tấn công bằng máy bay không người lái tại thủ đô Kiev. (Ảnh: Roman Hrytsyna/AP).
Vào ngày 17/10, Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cho biết 28 UAV đã tấn công liên tục. Được phóng từ xe tải, những chiếc Geran-2 có thể bay thấp, chậm và tránh né radar.
Ông Bendett cho rằng những chiến Geran-2 không có khả năng hoạt động thành bầy đàn (drone swarm). Công nghệ này yêu cầu các máy bay không người lái liên lạc với với nhau để tấn công mục tiêu một cách hiệu quả nhất. Thay vào đó, Geran-2 sẽ được phóng thành loạt nhằm khiến hệ thống phòng không bị quá tải.
Theo ông Mykola Bielieskov, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, Geran-2 chỉ có thể mang khoảng 40 kg thuốc nổ, so với đầu 480 kg của các loại tên lửa thông thường.
“Khó mà có thể tấn công các mục tiêu nghiêm túc với những chiếc máy bay không người lái này”, ông cho biết.
Phòng không bất lực
Mỗi chiếc Shahed-136 có giá chỉ khoảng 20.000 USD, bằng một phần rất nhỏ so với các loại tên lửa hành trình như Kalibr hay tên lửa đạn đạo như Iskander của Nga. Shahed còn có giá thành rẻ hơn cả đạn pháo dẫn đường Excalibur hay tên lửa chính xác M31 được Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Tên lửa hành trình Kalibr của Nga với tầm bắn từ 300 đến 2.000 km, mang theo đầu đạn 500 kg có giá thành lên tới 1 triệu USD. Thay vì phóng một tên lửa Kalibr, Nga có phóng đi 50 UAV Geran-2, đủ sức để khiến hệ thống phòng không Ukraine quá tải.
Một cảnh sát Ukraine cố gắng bắn rơi UAV Geran-2 bằng súng trường tự động. (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP).
Thân của Geran-2/Shahed-136 được làm bằng sợi thủy tinh, và tầm bay rất thấp, chỉ khoảng 60 m khiến radar rất khó phát hiện và khóa mục tiêu. Đồng thời, việc sử dụng các hệ thống phòng không tầm trung và xa để hạ một UAV có giá chỉ 20.000 USD cũng là quá lãng phí.
Với các loại tên lửa phòng không vác vai, vốn sử dụng hồng ngoại để khóa mục tiêu, động cơ chỉ 50 mã lực của Geran-2 thải ra ít nhiệt lượng, và tầm bay thấp cũng là một trở ngại. Một tên lửa FIM-92 Stinger cũng có giá thành đắt hơn nhiều so với UAV tự sát của Nga.
Máy bay chiến đấu của Ukraine có thể hạ những UAV này, nhưng đi kèm đó là rủi ro cao khi Kiev không có ưu thế trên không. Theo The Drive, vào hôm 13/10, một máy bay tiêm kích MiG-29 của Ukraine đã bị rơi khi cố gắng hạ gục một chiếc Geran-2 bằng pháo. Giá thành của MiG-29 thường rơi vào khoảng 5-8 triệu USD.
Các loại pháo phòng không như ZSU-23-4 "Shilka" hoặc Gepard của Đức là lựa chọn phù hợp nhất để đối phó với những máy bay không người lái bay chậm. Nhưng Ukraine không có sẵn nhiều hệ thống pháo phòng không này.
Diện tích Ukraine đứng thứ hai châu Âu, nên việc bảo vệ tất cả địa điểm quan trọng bằng bất kỳ cách thức nào cũng sẽ là một thử thách.
Với giá thành thấp, Geran-2 đã chứng minh hiệu quả với những mục tiêu như kho nhiên liệu hoặc cơ sở hạ tầng và hệ thống điện, nước. Ông Bendett cho biết Nga cũng đã sử dụng những chiếc Geran-2 với UAV trinh sát để tấn công pháo binh của Ukraine.
Kinh tế của chiến tranh
Cuộc xung đột Ukraine đã sắp bước sang tháng thứ 8, gánh nặng tài chính đổ lên đầu Nga đang ngày một nặng thêm. Khác với Ukraine, Nga không nhận được hàng chục tỷ USD viện trợ từ phương Tây.
Khi cuộc xung đột trở thành chiến tranh tiêu hao, thì việc tìm được những vũ khí rẻ và hiệu quả sẽ là chìa khóa dẫn đến chiến thắng. Trong Thế chiến II, Đức đã bại dưới tay Đồng minh khi đã tập trung quá nhiều vào "chất" mà quên đi rằng "số lượng cũng là loại chất lượng", như lời nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin từng nói.
“Shahed-136 là phiên bản giá rẻ của tên lửa hành trình, thứ vũ khí mà Nga không thể nhanh chóng sản xuất”, ông Bielieskov cho biết.
Ông Taleblu cho rằng Nga sẽ tiếp tục tăng cường năng lực tấn công tầm xa với các loại máy bay không người lái của Iran. Theo Reuters, Iran sẽ tiếp tục gửi tới Nga hai loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và Zolfaghar, với tầm bắn từ 300 km tới 700 km.
Nga vẫn chưa cung cấp bất cứ dữ liệu nào về số lượng tên lửa đã phóng. Các quan chức Ukraine cho rằng Nga đã sử dụng gần hết kho vũ khí chính xách của mình.
Minh Quang
Khéo khéo cho một máy bay vào luôn chỗ ở của ông Zelensky thì đẹp, kết thúc cuộc chiến một cách nhẹ nhàng, qua một cuộc chiến này mới cho thấy sức mạnh quân sự của Nga không chỉ đến sự hiện đại, mạnh mẽ của vũ khí mà còn đến từ những chiến thuật đánh rất linh hoạt, sáng tạo, phải là Mỹ cũng chưa chắc đấu lại được
Trả lờiXóa