Bài tham khảo, chép của Lâm Phương.
Chia sẻ tại tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15-11, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, tin giả ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, người dân. Thực tế tin giả không phải gần đây mới xuất hiện, tuy nhiên với sự phát triển của mạng xã hội, thông tin giả khuếch trương, tác động rất kinh khủng.
Hai năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã ban hành gần 600 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, tổ chức có hành vi tung tin giả, tin sai sự thật với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền phạt này quá nhỏ so với tác hại mà tin giả gây ra đối với xã hội. Thậm chí tình trạng này vẫn không giảm, nhất là việc đăng tải thông tin gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động doanh nghiệp, tác động tiêu cực tới thị trường tài chính.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), trung tâm xử lý tin giả của đơn vị đã tiếp nhận gần 5.000 tin và đóng dấu tin giả được 50 tin. Tin là giả, nhưng hậu quả là thật, bởi khi những tin đồn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp hay những thông tin sai lệch xuất hiện tràn lan trên không gian mạng, lập tức doanh nghiệp chịu thiệt hại nghiêm trọng. Đó là, hình ảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hàng hóa không tiêu thụ được do người tiêu dùng tẩy chay, cổ phiếu xuống giá, dòng vốn phục vụ sản xuất bị đình trệ do cổ đông rút vốn, ngân hàng ngưng cho vay để tìm hiểu “sức khỏe” doanh nghiệp… Hệ lụy là người lao động bị mất việc làm, doanh nghiệp phải ngưng sản xuất, kinh doanh, thậm chí phá sản, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng.
Tuy vấn nạn tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” doanh nghiệp và đời sống người dân nhưng thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp không chủ động mà chỉ khi nào có khủng hoảng truyền thông mới bắt đầu xử lý. Nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch. Nghĩa là phải chủ động thông tin đến công chúng ngay cả khi những điều họ chưa quan tâm đến. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho công chúng khi phát hiện có tin giả, bởi khi người dân băn khoăn, lo lắng tìm hiểu vài ba ngày, thậm chí vài tuần rồi mới trả lời thì lúc đó khó lấy lại niềm tin.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng nhận định “chỉ có tin thật mới xóa được tin đồn”. Khi mọi người tin cậy về một nguồn thông tin, tin cậy về nơi cung cấp thông tin thì chắc chắn tin đồn tự khắc giảm dần và sẽ hết. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chia sẻ, có điều rất đáng tiếc ở Việt Nam là một số cơ quan, kể cả doanh nghiệp chưa thực sự có chiến lược truyền thông tốt, chưa thực sự cởi mở với báo chí, với truyền thông, chưa thực sự chủ động cung cấp thông tin về mình.
Thực tế nêu trên đòi hỏi, để đấu tranh với tin đồn, tin giả, doanh nghiệp phải kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước. Ngành chức năng cần có đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về cách thức, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tin đồn và có chế tài xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm. Đối với doanh nghiệp, cần có bộ phận truyền thông hoạt động chuyên nghiệp, kịp thời xử lý khi xảy ra khủng hoảng truyền thông tại đơn vị. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch bài bản về truyền thông và đội ngũ chuyên nghiệp, luôn đi trước một bước trong xử lý tình huống xấu có thể xảy ra với doanh nghiệp.
Lâm Phương
tin đồn thì mãi mãi vẫn tồn tại thôi chứ không thể nào mà triệt tiêu được hết đống tin nhảm này được, cơ bản là chúng ta phải có những phương thức hiệu quả để hạn chế tối thiểu hiệu ứng lan truyền của những thông tin này
Trả lờiXóaNếu không triệt tiêu được tin đồn, tin giả thì lâu ngày người dân sẽ tin đó là thật, vì vậy các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải phối hợp thật chặt chẽ với cơ quan chức năng, cơ quan thông tin báo chí để cung cấp thông tin kịp thời, để đính chính thông tin giả, tin xấu, vì người dân cơ bản vẫn sẽ nghe thông tin trên các trang chính thống thôi
Xóa