Sau khi đề xuất 3 phương án xử lý bất cập tại trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đặt "nhầm chỗ" trên địa bàn Hà Nội, Cục Đường bộ Việt Nam đã cùng với Sở Giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc và các đơn vị có liên quan khảo sát và báo cáo Bộ GTVT nếu chuyển trạm về đường dự án là không khả thi.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long đang thu phí trên đường Hà Nội để hoàn vốn dự án đường tránh Vĩnh Yên. Ảnh: Anh Trọng
Cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT về các vướng mắc tại một số trạm thu phí trên địa bàn Hà Nội. Trong các trạm này có trạm BOT trên QL2 (Mê Linh); trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài nằm trên đường Võ Văn Kiệt (Hà Nội) thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
Với trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, Cục đường bộ cho biết, sau khi đề xuất một số phương án xử lý bất cập, Cục Đường bộ đã cùng các Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc, doanh nghiệp dự án kiểm tra hiện trạng đường tránh Vĩnh Yên.
Qua kiểm tra thực tế, tuyến đường xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị nên có nhiều điểm, nút giao kết nối với đường dân sinh. Trong tương lại gần, tuyến đường sẽ nằm trên một số khu đô thị thành phố Vĩnh Yên đã và đang xây dựng.
Riêng các điểm giao cắt, hiện tuyến đường có 10 nút giao kết nối với tuyến đường dân cư trong khu vực, nếu thu phí chủ phương tiện sẽ lựa chọn đường khác để đi hoặc đi đến gần trạm thu phí sẽ theo điểm giao cắt để đi sang tuyến đường khác.
Từ thực tế này, Cục Đường bộ cho rằng: phương án di chuyển trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài về phạm vi dự án tại tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên là không khả thi.
Trước đó, trong văn bản gửi báo Tiền Phong ngày 18/10 khi nêu các biện pháp xử lý bất cập tại trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục đã đưa ra 3 phương án xử lý để báo cáo Bộ GTVT.
Cụ thể, phương án thứ nhất: Tiếp tục duy trì trạm thu phí tại vị trí hiện nay. Cục Đường bộ Việt Nam thuyết trình cho phương án này, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan trên địa bàn trạm thu phí để thực hiện việc tuyên truyền, giải thích cho người tham gia giao thông đồng thuận khi qua trạm thu phí, đảm bảo an ninh trật tự.
Phương án hai: Trường hợp phải thực hiện xóa bỏ trạm theo kiến nghị của cử tri, đề nghị Cơ quan có thẩm quyền thực hiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.
Phương án ba: Di chuyển trạm thu phí vào trong phạm vi của dự án (Vĩnh Phúc). Phương án này, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, Cục đã cùng Sở GTVT Vĩnh Phúc, nhà đầu tư kiểm tra hiện trạng tuyến đường thuộc dự án (chiều dài 10,532km); trên tuyến hiện có 10 nút giao kết nối với hệ thống đường bộ, dọc hai bên tuyến tránh từ Km0-Km9+856 thuộc phạm vi đô thị đã được phê duyệt quy hoạch theo các quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (không thể đặt trạm thu phí trong khu đô thị); từ Km9+856 đến Km10+523 hai bên đường có đường điện cao thế chạy song song và có các nhà máy xí nghiệp đang hoạt động, không có diện tích đất để bố trí đặt trạm thu phí.
“Vì vậy, nếu thực hiện di chuyển trạm vào trong phạm vi của dự án sẽ làm tăng thêm chi phí đầu tư xây dựng trạm mới, đồng thời doanh số thu phí sẽ không đảm bảo phương án tài chính, kéo dài thêm thời gian thu phí; phương án này không khả thi”, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá trong văn bản.
Nguồn: Anh Trọng
Báo Tiền phong Online
Báo Tiền phong Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét