Khoai@
UBND TP Hà Nội yêu cầu 100% chủ đầu tư, người đứng đầu các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cần cam kết xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy.
Ngày 24/10/2022, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 273/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND TP quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Kế hoạch nêu rõ 4 giai đoạn thực hiện nội dung trên.
Giai đoạn 1 (năm 2022), Thành phố sẽ tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá các nội dung không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy; phân loại đối tượng điều chỉnh theo ngành, lĩnh vực thuộc các sở, ban, ngành quản lý; xác định nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước theo từng cấp; phê duyệt danh mục cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết. Đồng thời, tổ chức hội nghị mời các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết để họp bàn, hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện; yêu cầu 100% chủ đầu tư cam kết xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện…
Giai đoạn 2 (năm 2023), Thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, vận động, tuyên truyền, đôn đốc cơ sở thực hiện theo đúng kế hoạch, lộ trình đã cam kết. Bảo đảm ít nhất 30% số cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết trên địa bàn hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Các cơ sở có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc khi xảy ra cháy có nguy cơ cao dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản phải hoàn thành việc khắc phục các tồn tại phòng cháy, chữa cháy trong năm 2023.
Giai đoạn 3 (năm 2024), ít nhất 70% số cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết trên địa bàn hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Giai đoạn 4 (năm 2025), 100% số cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết trên địa bàn hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
***
Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND TP quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực
Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND TP quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy (dưới đây viết tắt là PCCC) được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 (dưới đây viết tắt là Luật PCCC năm 2001) có hiệu lực; kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC là cơ sở không đáp ứng ít nhất một trong các yêu cầu quy định tại Điều 20 Luật PCCC.
2. Đối tượng áp dụng: cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 Điều này được đưa vào sử dụng tại thời điểm trước ngày 04/10/2001 và các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc áp dụng và trình tự thực hiện
1. Nguyên tắc áp dụng:
a) Tuân thủ việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về PCCC; trường hợp không thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo quy định hiện hành thì được áp dụng quy định tại Nghị quyết này.
b) Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động ổn định; hạn chế việc gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
c) Đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về PCCC theo hướng ổn định phục vụ phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức và nhân dân.
d) Cơ sở trong quá trình thực hiện cải tạo, sửa chữa hoặc chờ di chuyển phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC.
e) Phương án di chuyển các kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch xây dựng, phát triển của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
2. Trình tự thực hiện:
a) Người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình, thời hạn khắc phục các nội dung tồn tại đối với cơ sở thuộc đối tượng quy định của Nghị quyết này và được UBND cấp huyện quản lý theo địa giới hành chính phê duyệt.
b) Người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ thiết kế cải tạo gửi Công an Thành phố tham gia ý kiến bằng văn bản trước khi thi công.
c) Sau khi thi công hoàn thiện, người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu đối với công trình và có văn bản đề nghị, kèm theo hồ sơ nghiệm thu gửi cơ quan Công an theo địa bàn, phân cấp quản lý để kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các nội dung tồn tại.
d) Cơ quan Công an có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá việc hoàn thành các nội dung tồn tại của cơ sở theo địa bàn, phân cấp quản lý.
e) Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá của cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về việc khắc phục hoàn thành các nội dung tồn tại về PCCC đối với cơ sở.
Điều 3. Quy định về giải pháp xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực
Xem xét áp dụng một hoặc một số giải pháp kỹ thuật về PCCC bổ sung, tăng cường đảm bảo phù hợp với quy mô, tính chất của từng công trình, cụ thể:
1. Quy định một số giải pháp kỹ thuật về PCCC bổ sung, tăng cường đối với cơ sở nhà chung cư, tập thể được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực (chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo).
2. Quy định một số giải pháp kỹ thuật về PCCC bổ sung, tăng cường đối với cơ sở di tích, lịch sử, văn hóa cần bảo tồn về cảnh quan, kiến trúc, kết cấu được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực (chi tiết tại Phụ lục 02 kèm theo).
3. Quy định một số giải pháp kỹ thuật về PCCC bổ sung, tăng cường đối với cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này (chi tiết tại Phụ lục 03 kèm theo).
Điều 4. Quy định về trách nhiệm thực hiện đối với nhà chung cư, tập thể không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực
1. Đối với nhà chung cư, tập thể thuộc sở hữu Nhà nước thì việc thực hiện tổ chức khắc phục các nội dung tồn tại thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước theo phân cấp hiện hành.
2. Đối với nhà chung cư, tập thể đã bán hết cho người dân hoặc đan xen giữa sở hữu của nhà nước và của người dân hoặc không xác định rõ chủ sở hữu:
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, chỉ đạo thành lập Ban quản trị đối với nhà chung cư, tập thể; Trưởng ban quản trị thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở. Trường hợp nhà chung cư, tập thể không thành lập hoặc không đủ điều kiện thành lập Ban quản trị thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở.
b) Trưởng ban quản trị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định của pháp luật.
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện là chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức khắc phục các nội dung tồn tại theo quy định của Điều 3 Nghị quyết này và đảm bảo các điều kiện cho hoạt động PCCC đối với cơ sở sau khi khắc phục hoàn thành các nội dung tồn tại về PCCC.
Điều 5. Quy định về giải pháp xử lý đối với cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người
1. Người đứng đầu cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án di chuyển khi không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện việc di chuyển theo kế hoạch đã được phê duyệt; thời gian thực hiện không quá 24 tháng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
2. Trong thời gian thực hiện các thủ tục phục vụ việc di dời, chủ cơ sở phải giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; trang bị bổ sung phương tiện, hệ thống PCCC và hệ thống kỹ thuật liên quan về PCCC, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn về PCCC. Chỉ được phép hoạt động khi đã tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về PCCC, bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC.
Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Nghị quyết này: Kinh phí do ngân sách các cấp đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành của Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
2. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Điều này: Người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư chủ động bố trí kinh phí để xây dựng phương án di chuyển, thực hiện việc di chuyển theo kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện khắc phục các nội dung tồn tại về PCCC đối với công trình.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố:
a) Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng cấp và từng đối tượng; xác định rõ lộ trình, thời gian, thời hạn thực hiện cụ thể.
b) Chỉ đạo các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc Nghị quyết này.
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện: rà soát, phê duyệt danh sách cơ sở; phê duyệt kế hoạch, cam kết lộ trình, thời hạn khắc phục các nội dung tồn tại của cơ sở thuộc diện điều chỉnh tại Nghị quyết này; giới thiệu, đề xuất, bố trí quỹ đất, phê duyệt kế hoạch, phương án di chuyển đối với các cơ sở quy định tại Điều 5 của Nghị quyết này.
d) Tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của Nhân dân Thủ đô trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và thực hiện Nghị quyết này.
đ) Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp xử lý nghiêm các trường hợp không cam kết lộ trình thực hiện khắc phục hoặc có cam kết nhưng quá thời hạn cam kết mà không hoàn thành việc khắc phục và không thực hiện các nội dung khác được quy định tại Nghị quyết này theo quy định của pháp luật.
e) Chỉ đạo Công an Thành phố chủ trì, tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị về nghiệp vụ liên quan đến công tác PCCC, đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật về PCCC bổ sung, tăng cường đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Nghị quyết này.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố phối hợp tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
4. Điều khoản thi hành:
a) Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
b) Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XVI, Kỳ họp thứ Bảy thông qua ngày 6 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2022 và thay thế Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 04 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị có liên quan cần xác định rõ vai trò và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Trả lờiXóaCần bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan với Công an thành phố để việc triển khai thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả. Việc triển khai thực hiện kế hoạch này phải bảo đảm thống nhất trên toàn địa bàn Thành phố; các biện pháp, giải pháp áp dụng phải hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Trả lờiXóaĐể thực hiện tốt nội dung trên, UBND Thành phố yêu cầu rà soát, đánh giá đúng, đầy đủ và áp dụng biện pháp xử lý đối với 100% cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi tập trung đông người trên địa bàn Thành phố.
Trả lờiXóamong rằng những quy định mới này được tạo ra sẽ góp phần làm giảm tối thiểu các vụ cháy trên cả nước, hạn chế ít nhất thiệt hại về người và của trong các vụ cháy, đi kèm với đó sẽ là việc nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng cháy, lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy và các kiến thức phòng cháy cần thiết
Trả lờiXóa