Theo Bloomberg, Điện Kremlin đang soạn thảo một sắc lệnh của Tổng thống, nhằm cấm các công ty Nga và bất kỳ thương nhân nào mua dầu của quốc gia này để bán cho các quốc gia, công ty hưởng ứng việc giới hạn giá.
Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, nghị định mới sẽ cấm các hoạt động kinh doanh với các công ty và quốc gia tham gia cơ chế trần giá.
Mặc dù chi tiết về việc xác định các đối tượng bị "ngắt" nguồn cung dầu chưa được tiết lộ, nhưng theo Bloomberg, nghị định mới sẽ cấm mọi tham chiếu đến giá trần trong các hợp đồng đối với dầu thô hoặc sản phẩm của Nga và cấm tính phí đối với các quốc gia áp dụng các hạn chế
Đây được coi là đòn đáp trả quyết liệt của Moscow với việc các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) mới đây đưa ra mức trần đề xuất là 65 - 70 USD/thùng dầu thô xuất xứ từ Nga. Trước khi soạn thảo nghị định mới, Điện Kremlin cũng đã tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu dầu cho các quốc gia đồng ý tham gia giới hạn giá.
Theo lời khẳng định Phó Thủ tướng Alexander Novak đưa ra vào đầu tuần này, thay vì cung cấp năng lượng cho các quốc gia áp đặt giá trần, Nga sẽ chuyển hướng cung cấp dầu của mình cho “các đối tác định hướng thị trường” hoặc giảm sản lượng.
Hiện tại, EU vẫn chưa đạt được sự thống nhất về mức giá trần dầu Nga. Mức 65 USD được đề xuất cao hơn nhiều so với giá dầu thô xuất khẩu chính hiện tại của Nga, theo ý kiến của các quốc gia Baltic như Ba Lan.
Trái lại, các quốc gia thành viên có ngành vận tải biển lớn như Hy Lạp và Malta khẳng định mức trần không được dưới 70 USD. Những bất đồng về mức giá vẫn tồn tại và các cuộc đàm phán đã bị hoãn lại đến đầu tuần sau.
Ở thời điểm hiện tại, chưa thể đo lường các tác động của việc giới hạn giá năng lượng hay cả những sắc lệnh đáp trả từ phía Moscow với nền kinh tế Nga và châu Âu. Bởi lẽ, các khách hàng có thể ủng hộ việc áp giá trần cũng là những người đã sớm tìm cách hạn chế mua dầu Nga.
Theo các chuyên gia, nghị định mới của Nga có lẽ thực sự nhằm vào những người tiêu dùng lớn khác như Ấn Độ, những người không được tiếp cận với bảo hiểm phương Tây và các dịch vụ vận chuyển khác nếu họ trả nhiều hơn mức giới hạn đối với dầu thô của Nga.
Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và những người mua lớn khác đã tuyên bố không tham gia việc giới hạn giá cùng các quốc gia phương Tây. Việc mua bán dầu mỏ giữa Nga và các quốc gia này, dù có mức trần hay không, cũng không bị ảnh hưởng nhiều do mức giá được đề xuất đang cao hơn nhiều so với giá dầu tại thị trường hiện tại.
Linh Anh
Theo Bloomberg
Vẫn phục nước Nga về thái độ cứng rắn, luôn nói và làm, làm một cách nghiêm túc chứ không bao giờ võ mồm, với tình hình này thì EU sẽ có một mùa đông đầy giá lạnh cho mà xem, rồi lại đi mua dầu mỏ của Mỹ với giá trên trời, cuối cùng anh Mẽo vẫn là người có lời
Trả lờiXóa