Theo báo cáo từ cơ quan truyền thông nhà nước Ukraine Ukrinform, Maroc sẽ trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên gửi viện trợ quân sự cho Ukraine.
Maroc sẽ gửi phụ tùng thay thế cho xe tăng T-72 tới Kiev. Trong bối cảnh dự trữ phụ tùng thay thế ở các quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ đang giảm và các quốc gia NATO vẫn chưa cung cấp xe tăng phương Tây để viện trợ cho Ukraine, khoản viện trợ từ Maroc sẽ đặc biệt quan trọng.
Quân đội Maroc có một kho xe tăng lớn, trong đó có 136 xe tăng T-72B và 12 T-72BK mua từ Belarus giai đoạn 1999 - 2001. Ngoài ra, quốc gia này còn sở hữu 384 chiếc M1A1 và M1A2 Abrams, cũng như 150 xe tăng VT-1A Al Khalid của Trung Quốc - Pakistan. Hàng trăm xe tăng M48 và M60 Patton của Mỹ, cũng như 116 xe tăng SK-105 của Áo nằm trong kho dự trữ.
Quyết định của Maroc được đưa ra theo yêu cầu của Mỹ thông qua những cuộc đàm phán bí mật với Rabat. Trong lịch sử, Maroc đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Mỹ vào năm 1777.
Mối quan hệ giữa hai nước nhìn chung vẫn nồng ấm trong suốt 250 năm qua và mặc dù Maroc chính thức giữ vị trí trung lập trong Chiến tranh Lạnh, nhưng rõ ràng nước này đã xích lại gần Mỹ và phương Tây hơn.
Khi xung đột bùng nổ ở Ukraine, Rabat (thủ đô Maroc) ban đầu cố gắng duy trì lập trường trung lập và chọn bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 3/2022 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Nga. Rabat có quan hệ thương mại chặt chẽ với Moskva , là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở châu Phi.
Tuy nhiên, lập trường này đã thay đổi theo thời gian và Maroc tiếp tục tham dự hội nghị vào tháng 4 về bảo vệ Ukraine được tổ chức tại Đức và do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì.
Trong khi Washington liên tục gây áp lực buộc Rabat phải có lập trường mạnh mẽ hơn, quan điểm tích cực của người dân Maroc về Nga cũng giảm sút khi nhiều người đổ lỗi cho Moskva về việc tăng giá lương thực trong khu vực.
Vào tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới thăm đối thủ của Maroc là Algeria, nơi ông tuyên bố cả hai quốc gia “đồng quan điểm về tất cả các vấn đề chính của chính trị quốc tế”. Trong khi đó vào tháng 6, một tòa án của chính quyền Donetsk tự xưng đã kết án tử hình công dân Maroc Brahim Saaudun. Cả hai sự kiện này đều ảnh hưởng đến vị thế của Nga ở Maroc.
Công Thuận/Báo Tin tức
Nói không phải chê chứ xe tăng gì nhìn như đồ chơi lego của cháu mình ở nhà, Nga đã từng đe dọa các nước có viện trợ quân sự cho UK rồi, Maroc đã yếu rồi còn thích chơi sang, coi chừng đến khi Nga nó chiến tranh thực sự nó lại phang cho mấy quả tên lửa vào đầu, hỏi sao cả châu Phi bình yên mỗi maroc mất nhà
Trả lờiXóa