Vừa qua, tổ chức IDEA (International institute for democracy and electoral assistance) tung ra cái gọi là “Báo cáo về tình trạng dân chủ toàn cầu”. Trong báo cáo này, không ít nội dung không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam đã được đưa ra như: “Việt Nam, giống với Trung Quốc và Singapore đã thành công trong việc mang lại sự thịnh vượng kinh tế mà không trao quyền dân chủ, mang lại cho thể chế cộng sản một vỏ ngoài về tính chính danh trước quần chúng”, “ở Việt Nam, người dân có thể cảm thấy tiến trình dân chủ hiện là không khả thi hoặc quá nhiều rủi ro”…
Sau khi báo cáo được IDEA đưa ra, không ít cá nhân, tổ chức chống phá trong và ngoài nước đã “tát nước theo mưa”, ra sức xuyên tạc, bôi lem tình hình dân chủ tại Việt Nam. Đặc biệt, BBC News tiếng Việt đã tiến hành phỏng vấn một số cá nhân, tổ chức có cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam và đồng thời tập hợp những đánh giá thiếu chính xác để đưa ra các bài viết có nội dung sai sự thật về vấn đề dân chủ, gây sức ép cho Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đây là điều không thể chấp nhận!
Từ nhận thức…
Trong bài báo Dân vận đăng ngày 15-10-1949 trên Báo Sự thật, số 120, Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh X.Y.Z) đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Trong phần mở đầu của Hiến pháp năm 2013, chúng ta cũng nêu một cách rõ ràng: “Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tới Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Dân chủ là bản chất của chế độ ta. Đồng thời, dân chủ cũng là mục tiêu, động lực của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nước ta đang thực hiện. Từ lý luận cho đến thực tiễn xây dựng và bảo vệ đất nước đều cho thấy xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.
…đến thực tiễn
Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát huy dân chủ trong tất cả lĩnh vực. Cả dân chủ trực tiếp và đại diện đều được chú trọng. Trước nhất, các quyền bầu cử, ứng cử của người dân vào các cơ quan đại biểu dân cử luôn được tôn trọng và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV vừa qua, 99,6% cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Điều này không chỉ thể hiện ý thức chính trị và trách nhiệm công dân mà còn thể hiện niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, người dân cũng được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia đóng góp ý kiến vào các công việc chung của địa phương và đất nước. Nhiều diễn đàn lắng nghe ý kiến của nhân dân đã được tổ chức. Trong đó có thể kể đến như: Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam… Ngoài ra, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, các cơ quan chức năng đều tổ chức tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri cả nước và thông báo những vấn đề mới nhất của đất nước.
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã chính thức được thông qua. Chúng ta đã luật hóa một cách rõ ràng về quyền công dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể, công dân có quyền được công khai thông tin và yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật; được đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, thảo luận và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định pháp luật; được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Cùng với đó, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như hiện nay, việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước và xã hội ngày càng được củng cố vững chắc và thực chất.
Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận thực trạng quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật. Điều này đã được Đảng, Nhà nước ta nhìn nhận một cách thẳng thắn và đề ra nhiều giải pháp để khắc phục. Do đó, không thể thổi phồng những vụ việc đơn lẻ để phủ nhận giá trị dân chủ của cả một quốc gia.
Dân chủ không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài giữa quần chúng nhân dân với các nhóm phản dân chủ. Tại Việt Nam, để có được nền hòa bình, dân chủ như hiện nay, nhiều thế hệ cha ông đã phải hy sinh xương máu. Vì vậy, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của nền dân chủ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”. Người dân Việt Nam luôn ý thức rõ về quyền và nghĩa vụ của bản thân trong việc làm chủ đất nước. Bởi vậy, những luận điệu “xỏ lá ba que”, kích động các giá trị dân chủ cao hơn chủ quyền, dân chủ bất chấp hòa bình, ổn định của dân tộc thì người dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận.
Bảo An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét