Qua quá trình chuẩn bị kỹ càng, đêm 30 và rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, đồng loạt nhiều địa điểm được xem là đầu não, bất khả xâm phạm của chế độ Mỹ - ngụy đã bị lực lượng biệt động Sài Gòn tấn công, đánh chiếm. Những chiến công vang dội của Biệt động Sài Gòn sẽ còn vang mãi, ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc ta.
Trận tập kích vào tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đêm 30, rạng ngày 31/1/1968 đã gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. Ngày 1/2/1968, hình ảnh Tòa đại sứ Mỹ bị tấn công được đăng trên trang nhất tờ New York Times đã làm bàng hoàng cả nước Mỹ. Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chưa bao giờ người Mỹ lại được nhìn hình ảnh chiến tranh gần và nóng bỏng đến như vậy. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát
Mở đầu vang dội
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chỉ với gần 100 chiến sỹ, bằng lối đánh “xuất quỷ nhập thần”, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã đồng loạt tiến đánh cùng lúc 5 mục tiêu chiến lược: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy và Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong đó đã chiếm lĩnh và giữ được hai mục tiêu là Đại sứ quán Mỹ và Đài Phát thanh suốt nhiều giờ trước sự phản kích ác liệt của kẻ thù.
Tiếng vang lớn nhất trong những tiếng vang của Xuân Mậu Thân 1968 là trận đánh vào tòa Đại sứ quán Mỹ với một lực lượng rất nhỏ gồm 11 chiến sỹ chia làm 4 mũi tấn công, chiếm lĩnh tòa Đại sứ Mỹ trong nhiều giờ và địch chỉ chiếm lại được sau khi 10 chiến sỹ đã quả cảm hy sinh, 1 đồng chí bị thương, bằng hỏa lực hùng hậu bao gồm cả trực thăng, chiến xa.
Cách đó không xa, tại mục tiêu Dinh Độc Lập, Đội 5 - Biệt động thành là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ đã nổ súng tấn công. Trước sự phản kháng dữ dội của quân địch và sự tiếp ứng bằng trực thăng, thiết xa, xe tăng, các chiến sỹ biệt động đã phải rút về hướng đường Thủ Khoa Huân - Nguyễn Du để triển khai đội hình chiến đấu, cầm cự với địch kéo dài hơn 2 ngày, vượt xa kế hoạch 2 giờ đánh giữ mục tiêu được giao.
Với bà Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chín Nghĩa), Thiếu úy Đội 5, F100 Biệt động Sài Gòn - Gia Định, người phụ nữ duy nhất tham gia trận đánh này, nhớ lại: Đây là một mục tiêu quan trọng, nằm trong nội đô và được bảo vệ nghiêm ngặt. Rạng sáng mùng 2 Tết, các chiến sỹ biệt động đi trên 3 xe tải nhỏ và 2 xe máy tiến vào cổng sau Dinh Độc Lập. Chiếc xe tải đi đầu nhanh chóng tiêu diệt chốt gác, tạo điều kiện đặt thuốc nổ phá cổng. Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, lực lượng biệt động bị mắc kẹt ở cổng, 5 chiến sỹ hy sinh ngay khi trèo qua tường rào...
Theo bà Nghĩa, không thể tiến công vào trong, các chiến sỹ biệt động chiến đấu ngay bên ngoài cổng. Cả Đội 5 dồn lực quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trận đánh đó mãi là một ký ức không thể nào quên, bởi hôm đó bà chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống, trong đó người đội trưởng Tô Hoài Thanh hy sinh ngay trên cánh tay bà. “Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 15 chiến sĩ biệt động với hàng trăm tên địch diễn ra trong 2 đêm 1 ngày Tết Mậu Thân”, bà Nghĩa nhớ lại.
Tại mục tiêu Bộ Tổng tham mưu, 25 chiến sỹ biệt động đã tấn công vào cổng số 4, ngã ba đường Trương Quốc Dung - Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ). Dù quân địch đông, nhưng các chiến sỹ biệt động đã chiến đấu ngoan cường, giằng co với địch đến sáng ngày mùng ba Tết, tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên địch. Tại mục tiêu Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, 17 chiến sỹ biệt động đã anh dũng chiến đấu với một hỏa lực rất lớn của địch. Tuy không cân sức nhưng các chiến sỹ biệt động đã chiến đấu, cầm cự hơn 4 tiếng đồng hồ, tiêu diệt được 12 tên địch và phá hủy nhiều phương tiện chiến đấu.
Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, Đội 4 biệt động Thành gồm 14 chiến sỹ đã đánh chiếm mục tiêu một cách ngoạn mục, chỉ sau 5 phút nổ súng. Đáng tiếc, bộ phận kỹ thuật của ta không vào được để phát Tuyên ngôn của Mặt trận Dân tộc giải phóng nên hạn chế tác động của chiến thắng. Sau 4 giờ 31 phút chiếm giữ mục tiêu, vượt xa kế hoạch Bộ Chỉ huy Phân khu 6 giao. Ông Nghiêm Xuân Hoàng, biệt danh Tám Tiến, nguyên Bí thư Quận ủy Quận 1, tham gia trận đánh tại Đài phát thanh Sài Gòn chia sẻ: Trong trận chiến ấy, biết bao đồng đội của tôi đã ngã xuống, chúng tôi tự hào khi được đóng góp sức lực và xương máu của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Lực lượng vũ trang Biệt động Sài Gòn được giao đánh vào những mục tiêu đặc biệt quan trọng của địch. Đó là một nhiệm vụ đặc biệt, được giao cho lực lượng đặc biệt. Thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã chứng minh khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt được giao của Biệt động Sài Gòn.
Ký ức không phai
Các trận đánh đã tạo ra cơn địa trấn, phủ đầu các cơ quan đầu não của địch. Bà Vũ Minh Nghĩa cho biết: Khi mới tập trung lực lượng, chúng tôi được giao nhiệm vụ lấy một khu quân sự ở quận 5 là điểm chiến đấu, nhưng lệnh cuối được thủ trưởng truyền đạt lệnh cấp trên điểm đánh là Dinh Độc Lập. Tất cả toàn đội 15 người đều ngỡ ngàng vì được Đảng, Nhà nước giao một điểm đánh rất quan trọng. Không ai nói với ai trước nhưng đều đồng thanh báo cáo thủ trưởng rằng dù nơi đó có gấp mấy ngàn lần so với lực lượng của mình nhưng chúng tôi rất vinh dự, tự hào và hứa với lòng mình, hứa với thủ trưởng sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng dù phải hy sinh.
Là người trực tiếp tham gia điểm đánh Dinh Độc Lập, ông Phan Văn Hôn (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) chia sẻ: Là người lính trước khi vào trận, lại là trận đánh đặc biệt lớn như thế này là cảm thấy vinh dự, tự hào không phải ai trong đời cũng có được. Chúng tôi không ai bảo ai, 15 cánh tay cùng đồng loạt giơ cao. Tôi liếc nhìn khắp lượt, 15 cánh tay thẳng, không một ánh mắt chần chừ, không cánh tay nào không dứt khoát.
“Tôi chắc mọi người cũng như tôi, đều hiểu được sự quan trọng của trận đánh này sẽ ác liệt, hy sinh là không tránh khỏi, ra đi là không hẹn trở về. Các anh mãi mãi không được chứng kiến đất nước thống nhất, hòa bình. Đó là nỗi đau day dứt chưa bao giờ tôi quên, nhất là vào dịp Giao thừa khi Tết đến, Xuân về. Tôi vẫn nhớ như in từng gương mặt, tiếng nói, nụ cười những người đồng đội tuổi 19, đôi mươi ngày ấy”, ông Phan Văn Hôn xúc động nhớ lại.
Trong trận đánh vào Dinh Độc Lập của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang), nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo quân sự H63 có nhiệm vụ quan sát, đánh giá việc quân ta tấn công Dinh Độc Lập để báo cáo cấp trên xử trí.
“Tôi theo dõi trận đánh Dinh độc lập từ ngôi nhà 136B đường Gia Long. Cách mặt trận khoảng 100 mét, thấy anh em đánh đến viên đạn cuối cùng, thương đồng đội quá. Vốn là một xạ thủ, tôi cùng cô Tám Thảo hé cửa sổ ngó qua rút súng lên đạn bắn phụ mấy viên, mở đường cho đội rút lui. Về không dám báo cáo vì vi phạm kỷ luật của tình báo. Tới khi hòa bình, gặp lại cô Chín Nghĩa trong một lần họp mặt, cô mới nói cảm ơn tôi về việc làm năm xưa và sự việc này mới được mọi người biết đến. Giờ phút đó thấy thương đồng đội quá nên dù có nguy hiểm, dù có hy sinh tôi vẫn làm”, Anh hùng Tư Cang nhớ lại.
Tham gia đánh vào Dinh Độc Lập, ngoài nhiệm vụ cầm súng trực tiếp chiến đấu, bà Vũ Minh Nghĩa còn có nhiệm vụ cứu thương cho đồng đội. “Trong giây phút đó, thủ trưởng tôi bị địch bắn thương nặng. Khi thủ trưởng bị thương, trên tay tôi không còn thuốc cầm máu, không còn cuộn băng, chỉ có chiếc khăn rằn đang quàng trên cổ mình, tôi dùng để băng cho thủ trưởng. Nhưng vết thương quá nặng, tay tôi đè vết thương nhưng máu vẫn trào ra, tôi rất đau lòng, thủ trưởng bị thương nhưng mình không làm gì được”, bà Vũ Minh Nghĩa nghẹn ngào nhớ lại.
“Anh không cùng các em đi trọn con đường được, các em phải bám trận địa chờ lực lượng tới tiếp viện, không rút lui. Đây cũng là mệnh lệnh”, bà Vũ Minh Nghĩa kể lại lời nói cuối cùng của người Thủ trưởng trước khi gục xuống trên vai mình. “Chứng kiến thủ trưởng ra đi mãi mãi, đó là nỗi đau tột cùng, nỗi đau đó, mệnh lệnh đó đã thôi thúc toàn đội quyết tâm thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng”, nữ biệt động Chín Nghĩa chia sẻ.
Sa vào tay địch, vết thương bị nhiễm trùng, bà Chín Nghĩa tưởng chừng đã chết, được bệnh viện chuẩn bị đưa vào nhà xác nhưng bất ngờ cô mở mắt nên được cứu về. Được cứu sống nhưng cô Chín Nghĩa bị đưa ra các nhà giam Tổng nha cảnh sát, Thủ Đức, Tân Hiệp và cuối cùng là Côn Đảo. Bà Chín Nghĩa tâm sự: Trước khi đi chúng tôi xác định sẽ hy sinh hoặc bị thương và con đường cùng là bị bắt. Từ ngày đầu tiên vào biệt động tôi chỉ có nguyện vọng là được trực tiếp cầm súng chiến đấu và lần này tôi đã được toại nguyện. Khi sa vào tay giặc hay trong nhà giam lúc nào tôi cũng tin tưởng rằng cuộc cách mạng của mình sẽ thắng lợi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ... những vị trí tưởng chừng bất khả xâm phạm đều bị tập kích và uy hiếp nặng nề, có nơi lực lượng vũ trang cách mạng đã giành được quyền làm chủ. Phối hợp cùng Biệt động Thành, các tiểu đoàn mũi nhọn thuộc các Phân khu cũng nhanh chóng cơ động lực lượng tiếp cận địa bàn được phân công đảm trách.
Trong bài các bài nghiên cứu của mình về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tiến sỹ Lê Hữu Phước (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, xét về tương quan lực lượng, phía Mỹ và quân đội Sài Gòn hoàn toàn áp đảo về quân số, chưa kể ưu thế vượt trội về trang bị vũ khí và hệ thống bố phòng tại các cơ quan đầu não, các vị trí trọng yếu. Chính vì vậy, những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của khối Biệt động Thành tiến công 6/9 mục tiêu đầu não, trong đó có 5 mục tiêu trọng yếu nhất tại trung tâm thành phố Sài Gòn mở đầu đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã gây kinh hoàng cho chế độ Mỹ - Thiệu và làm chấn động dư luận trong cũng như ngoài nước.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động đã mở đầu xuất sắc cuộc tổng tiến công ở Sài Gòn và các đô thị. Với tinh thần dũng cảm vô song, lối đánh táo bạo và thông minh, và sự hy sinh to lớn của lực lượng biệt động đã đóng góp xứng đáng trong việc tạo nên hiệu quả chiến lược lớn của cuộc tổng tiến công, đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị, xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng trong nhiều năm trước đó, trong đó có kết quả xây dựng cơ sở chính trị và cơ sở vũ trang ở các đô thị theo phương châm của Đảng: Đánh địch trên ba vùng chiến lược.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các trận đánh vào cơ quan đầu não của bộ máy chiến tranh của địch đã gây tiếng vang lớn, làm rúng động cả thế giới, tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt, cổ vũ, thôi thúc khí thế chiến đấu của quân và dân ta, xứng đáng là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta - quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Tiến Lực - Thu Hương (TTXVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét