Chia sẻ

Tre Làng

Chuyện đàm phán Paris qua hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình

Bà Bình cho biết để có những lý lẽ sắc bén trên bàn đàm phán bà và các đồng chí của mình thường tìm đọc các sách lịch sử trong nước, lịch sử thế giới.

Bà Nguyễn Thị Bình. Ảnh: T.L.

Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, là cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh. Bà từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên là Phó chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào hiệp định này.

Cuộc đàm phán kéo dài nhất lịch sử

Trong cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, bà Nguyễn Thị Bình đã kể về những năm “biền biệt” để phục vụ cho công tác trên mặt trận ngoại giao cam go của mình, trong đó có những chuyện ít biết xung quanh cuộc đàm phán lịch sử ở Paris.

Bà Bình cho biết, giữa tháng 7/1968, bà được lãnh đạo Ban Thống nhất mời lên phổ biến chủ trương của Đảng về “đánh và đàm”. Bà hiểu đây chưa phải là lúc giải quyết vấn đề giữa ta và Mỹ, mà là triển khai thêm một hình thức đấu tranh mới. Mặt trận này sẽ giúp ta tranh thủ thêm dư luận quốc tế, dư luận Mỹ, cô lập các phần tử hiếu chiến, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường.

Với gần 6 năm hoạt động cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, bà Bình đã tích lũy được một số kiến thức ngoại giao và kinh nghiệm đấu tranh chính trị, nhưng bà không nghĩ mình lại may mắn được chọn cho nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và quan trọng này: cuộc đàm phán lịch sử ở Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Khi rời Hà Nội lên đường cuối tháng 10/1968, bà cũng không ngờ nó kéo dài đến thế (11/1968 - 27/1/1973).

Trước ngày đi, bà Bình đã điện cho chồng mình là ông Khang từ Bắc Giang về gặp. Bà bối rối không biết nói thế nào với chồng và trước các con còn quá nhỏ mà phải xa mẹ biền biệt. Ông Khang hiểu bà phải đảm nhiệm một công việc rất quan trọng, nên không hỏi gì cụ thể, chỉ động viên: “Em có việc phải làm, cứ yên tâm đi, các con đã có anh lo”.

Sách Gia đình bạn bè và đất nước. Ảnh: M.C.

Ngày 27/11/1968, cuộc họp trù bị đầu tiên của Hội nghị được tiến hành, nhưng mãi đến ngày 25/1/1969, hội nghị bốn bên mới chính thức bắt đầu. Ông Trần Bửu Kiếm là trưởng đoàn, bà Bình và ông Trần Hoài Nam làm Phó đoàn. Việc có hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là điều đặc biệt chưa từng có trong lịch sử ngoại giao quốc tế. Đấy là sự hiện diện của hai thực thể, đại diện cho cuộc chiến đấu chung dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bước vào đàm phán, việc buộc phải công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên đàm phán là một thất bại lớn của Mỹ. Trên bàn hội nghị, cuộc đấu lý diễn ra rất dai dẳng. Hai đoàn của ta nhằm vào Mỹ phê phán. Còn Mỹ thì né tránh đẩy cho đoàn Sài Gòn đối đáp dài dòng.

Bà Bình cũng cho biết có một điều đáng chú ý trong các phái đoàn ở Hội nghị là ba đoàn không có thành viên nữ, chỉ đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có và bà Bình gọi đó là “Đội quân tóc dài” tại Paris.

Có một chi tiết cũng khá lý thú là tương quan thiết bị kỹ thuật giữa ta và đối phương là khá chênh lệch. Trên bàn của hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ có một máy magnétophone để thu phát biểu của mỗi đoàn, trong khi phía Mỹ thì đầy thiết bị hiện đại, có thể thông tin thẳng về Washington.

Để có những lý lẽ sắc bén trên bàn đàm phán

Bà Bình cho biết sau khi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập (6/6/1969), thành phần đoàn ngoại giao đại diện cho nhân dân miền Nam không có gì thay đổi lớn. Bà Bình thay ông Trần Bửu Kiếm làm Trưởng đoàn (sau bà được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao). Các ông Đinh Bá Thi và Nguyễn Văn Tiến làm Phó đoàn. Tại Paris, đoàn có trụ sở tại Verrières-le-Buisson. Đây là một biệt thự xinh xắn. Đoàn đã sống tại đây gần 5 năm và Đảng Cộng sản Pháp là tổ chức giúp đỡ đoàn nhiều nhất.

Hồi ký của bà Bình cũng cho biết để có những lý lẽ sắc bén trên bàn đàm phán và tranh thủ được dư luận rộng rãi, bà cùng các đồng chí của mình thường tìm đọc các sách lịch sử thế giới, và nhất là lịch sử trong nước.

Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đặt bút ký trực tiếp vào 32 văn bản của Hiệp định Paris. Ảnh: T.L.

Bà Bình đặc biệt thích đoạn nói về thời Lê Lợi - Nguyễn Trãi thế kỷ XV. Lý do là cách đây 500 năm tổ tiên ta đã tổ chức hiệp đồng đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao rất tài tình. Những bức thư ngoại giao của Nguyễn Trãi lúc mạnh mẽ, lúc mềm dẻo vừa gây sức ép, vừa thuyết phục đối phương rút quân về nước.

Ngoài công việc chuẩn bị cho các cuộc họp, bà Bình còn dành khá nhiều thời gian tiếp xúc với báo chí. Kỷ niệm mà bà Bình nhớ nhất là cuộc gặp mặt báo chí trên truyền hình trực tiếp ở Pháp năm 1971. Truyền hình Pháp có sáng kiến tổ chức cuộc họp báo ở hai đầu Paris và Washington. Có 20 nhà báo tham gia, 10 người phần lớn là Mỹ coi như bảo vệ lập trường của Mỹ, 10 người khác phần lớn là Pháp coi như trung lập, khách quan.

Gần hai tiếng đồng hồ căng thẳng dưới ánh đèn sáng chói của trường quay, tuy có hồi hộp nhưng bà Bình vẫn cố gắng đối đáp bình tĩnh, đàng hoàng, mạnh mẽ, nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí của chúng ta muốn tìm giải pháp chính trị, chấm dứt khổ đau của nhân dân, và kiên quyết vì tự do độc lập và thống nhất thiêng liêng của đất nước.

Sau cuộc họp báo, đồng chí Xuân Thủy đã gọi điện ngợi khen bà, nhiều người bạn Pháp đã gọi điện chúc mừng và coi đây là một thành công quan trọng. Nhiều ngày sau, báo chí còn tiếp tục nói đến sự kiện này.

Bên cạnh những chi tiết kể trên, trong cuốn sách, bà Bình còn kể những chuyện liên quan đến quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris, như việc bảo mật thông tin trong quá trình đàm phán, việc tranh thủ đi thăm các nước để kêu gọi sự ủng hộ cho cuộc đấu tranh của Việt Nam, các sự kiện và tình hình chiến trường tác động trực tiếp đến kết quả hội nghị Paris, cảm xúc của cá nhân bà khi được đặt bút ký trực tiếp vào 32 văn bản của Hiệp định…

Nguồn: Minh Châu

4 nhận xét:

  1. Hiệp định Paris là một thắng lợi mang tính quyết định đưa đến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là kết quả của gần 20 năm chiến tranh ác liệt, chiến đấu gian khổ của cả dân tộc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó là kết quả của sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của thế giới, đem lại sức mạnh cho Việt Nam trên chiến trường cũng như tại bàn đàm phán.

      Xóa
  2. Hiệp định Paris là thắng lợi của ngành ngoại giao Việt Nam, cũng là thắng lợi về mặt quân sự và chính trị đồng thời là thắng lợi của phong trào yêu hòa bình và tiến bộ của thế giới.

    Trả lờiXóa
  3. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học mãi mãi còn nguyên giá trị, trong đó có những bài học đã trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog