Chia sẻ

Tre Làng

CNN: Nga chuyển giao vũ khí phương Tây thu được trên chiến trường cho Iran

VOV.VN - CNN dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Nga đã thu giữ một số vũ khí, thiết bị do Mỹ và NATO cung cấp cho Ukraine trên chiến trường sau đó gửi chúng đến Iran. Tại đây, Mỹ cho rằng, Tehran sẽ cố gắng thiết kế ngược các hệ thống theo cách của riêng họ.

Theo nguồn tin trên, trong năm 2022, Mỹ, NATO và nhiều quan chức phương Tây khác đã chứng kiến một số trường hợp Nga thu giữ các loại vũ khí vác vai nhỏ gồm tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger của các lực lượng Ukraine bị bỏ lại trên chiến trường. Nga đã chuyển những vũ khí này tới Iran để tháo dỡ và phân tích. Dựa vào đó, quân đội Iran có thể cố gắng tạo ra phiên bản vũ khí riêng. Moscow tin rằng, việc cung cấp những vũ khí thu được của phương Tây cho Iran sẽ khuyến khích Tehran tiếp tục ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Một binh sĩ Ukraine đặt tên lửa Javelin do Mỹ sản xuất vào vị trí chiến đấu trên tiền tuyến vào ngày 20/5/2022, tại Kharkov, Ukraine. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, những trường hợp như vậy rất hiếm. Một số quan chức Mỹ cho biết, kể từ khi xung đột nổ ra, quân đội Ukraine thường xuyên báo cáo cho Lầu Năm Góc những thiệt hại về vũ khí do nước này cung cấp cũng như những loại vũ khí nào đã rơi vào tay Nga. Song giới chức Mỹ thừa nhận vấn đề này rất khó theo dõi.

Vẫn chưa rõ liệu Iran có thiết kế ngược thành công vũ khí của Mỹ lấy từ chiến trường Ukraine hay không, nhưng Tehran được cho là rất có kinh nghiệm trong việc phát triển những hệ thống vũ khí mới dựa trên trang thiết bị của Mỹ mà nước này từng tiếp cận được.

Theo CNN, tên lửa dẫn đường chống tăng Toophan - một vũ khí quan trọng trong kho dự trữ của Iran, là thiết kế ngược của tên lửa Mỹ BGM-71 TOW ra đời vào những năm 1970. Iran cũng đánh chặn một máy bay không người lái RQ-170 “Sentinel” do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất vào năm 2011 và thiết kế ngược để tạo ra một loại máy bay không người lái mới. UAV này từng bay vào không phận Israel năm 2018 và bị bắn hạ.

Ông Jonathan Lord, giám đốc chương trình an ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết: “Iran đã chứng minh khả năng thiết kế ngược vũ khí của Mỹ một cách thành công trong quá khứ. Họ đã chế tạo lại tên lửa dẫn đường chống tăng TOW, tạo ra một bản sao gần như hoàn hảo của nó với tên gọi Toophan. Iran cũng có thể làm điều tương tự với tên lửa Stinger – tạo ra loại vũ khí có thể đe dọa hàng không quân sự trong khu vực. Còn thiết kế ngược của tên lửa Javenlin có thể được Hamas hoặc Hezbollah sử dụng để đe dọa xe tăng Merkava của Israel. Trong tay các lực lượng do Iran hậu thuẫn, những vũ khí này tạo ra mối nguy hiểm thực sự đối với các lực lượng quân sự thông thường của Israel”.

Việc cung cấp vũ khí thu được từ chiến trường là một ví dụ khác cho thấy quan hệ hợp tác quốc phòng ngày càng gia tăng giữa Nga và Iran – vốn đã được tăng cường vào năm 2022 khi Nga tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ bên ngoài cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Mỹ cảnh báo về mối đe dọa từ Iran

Lầu Năm Góc cho biết, các quan chức cấp cao của Mỹ gồm Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley đều có mặt tại Trung Đông trong tháng 3 để thảo luận với những người đồng cấp về cái mà Washington cho là mối đe dọa từ Iran.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tại Tel Aviv ngày 10/3, ông Austin nói: “Trong năm 2022, hợp tác quân sự giữa Nga và Iran ngày càng sâu rộng. Điều này đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho khu vực và sự an toàn của chính công dân Israel”.

Ông Austin cho biết: “Iran đang thu được kiến thức và kinh nghiệm chiến trường quan trọng thông qua cuộc xung đột tại Ukraine, những kinh nghiệm này có thể được chuyển giao cho các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Trung Đông. Nga đã cung cấp cho Iran sự hợp tác quốc phòng lớn chưa từng có, trong đó có cả hợp tác về tên lửa và phòng không để đổi lấy sự hỗ trợ của Tehran trong cuộc xung đột tại Ukraine".

Phương Tây cho rằng, tổn thất lớn về khí tài quân sự trong các cuộc giao tranh kéo dài hơn 1 năm qua, cùng những biện pháp trừng phạt mạnh tay của Mỹ và EU đã khiến Nga gặp khó khăn trong việc tiếp tục sản xuất vũ khí, đạn dược cần thiết để duy trì cuộc tấn công ở Ukraine. Do đó, Nga đã yêu cầu Iran cung cấp hàng trăm máy bay không người lái, các loại tên lửa và đạn pháo xe tăng. Đổi lại Iran đã mua các thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD từ Nga, gồm máy bay chiến đấu, hệ thống radar và máy bay trực thăng.

Vào cuối năm 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng cường nỗ lực theo dõi các loại vũ khí mà Washington cung cấp cho Ukraine, trong đó có cả những đợt kiểm tra trực tiếp do binh sỹ Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev tiến hành. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl, cho biết, đã có một số trường hợp Nga thu giữ được những vũ khí do Washington chuyển giao cho Ukraine trên chiến trường, nhưng con số này rất ít.

“Chúng tôi không nhận thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy Nga đã thu giữ những vũ khí của Mỹ và NATO trên chiến trường với số lượng lớn và cũng không có bằng chứng cho thấy Ukraine đã đưa vũ khí ra thị trường chợ đen”, ông Colin Kahl lưu ý.

Tuy vậy, tại Quốc hội Mỹ đã có những lời kêu gọi về việc phải giám sát chặt chẽ hơn đối với các loại vũ khí và trang thiết bị trị giá hàng tỷ USD mà phương Tây đưa vào Ukraine./.

2 nhận xét:

  1. Quan Nguyen23:12 11/3/23

    Trong quá trình chiến tranh thì việc lộ lọt vũ khí là chuyện bình thường, các quốc gia đối địch nhau nghiên cứu về vũ khí của nhau là bình thường, CNN mới chỉ đưa tin một chiều chứ phía UK thu được vũ khí của Nga mắc i không chuyển giao cho NATO để nghiên cứu phát triển chắc.

    Trả lờiXóa
  2. Mùa Xuân23:04 12/3/23

    Có thể Mỹ sẽ lấy lý do này để hạn chế chuyển giao vũ khí cho UK trong tương lai và EU cũng sẽ làm tương tự, có vẻ như phương tây đang muốn rút dần ra khỏi cuộc chiến giữa Nga và UK, nếu thế thì phần thắng thuộc về ai có lẽ người đọc cũng đã đoán được.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog