Xoay quanh câu chuyện đề xuất nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương tiến sĩ đang gây xôn xao dư luận, các chuyên gia, nghệ sĩ, giảng viên trao đổi với Tiền Phong để làm rõ hơn đề xuất của ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Sáng 6/3, đại diện Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Nhà trường đề xuất xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp với quy trình giảng dạy. Đề xuất này lập tức gây xôn xao dư luận.
NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tại buổi làm việc sáng 6/3. Ảnh: CMH.
Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS.NGƯT Phan Trọng Thành - Nguyên Trưởng khoa Sân khấu Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khẳng định không có chuyện NSND được coi là tiến sĩ.
"Một bên là danh hiệu, một bên là học vị, không có chuyện đổi ngang bằng. Một số ý kiến trên mạng xã hội đang hiểu sai đề xuất của nhà trường", PGS.TS Phan Trọng Thành nói.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi ngành phải có 5 tiến sĩ với một trường đào tạo. Tuy nhiên, ngành nghề mang tính đặc thù như đào tạo nghệ thuật khó đáp ứng tiêu chí này.
"Hiện nay, cán bộ cơ hữu của nhà trường rất ít. Nếu làm đúng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, trường gặp khó trong việc đào tạo nghệ sĩ. Vì vậy, nhà trường đề xuất không nhất thiết phải có đủ 5 tiến sĩ với một ngành. Nếu trong trường có đủ số lượng NSND thì có thể được tính như đủ số lượng tiến sĩ để mở ngành đào tạo", PGS.TS Phan Trọng Thành lý giải.
Ông cho rằng nhà trường mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo linh động, không đặt chỉ tiêu 5 tiến sĩ cho một ngành nghề đào tạo như các đại học khác. Nghệ sĩ nhân dân chỉ được coi như một tiến sĩ trong trường hợp xét điều kiện mở ngành nghề đào tạo.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng đề xuất NSND được tính tương đương với tiến sĩ xuất phát từ thực trạng đào tạo của ngành nghệ thuật. Ông nhận định để khai thác tài năng của NSND, NSƯT các trường nên mời họ tham gia vào quá trình đào tạo đại học ở bậc học cử nhân. Bởi ở bậc học cử nhân những kiến thức thiên về kỹ năng biểu diễn rất phù hợp với những sinh viên thiếu kinh nghiệm.
“Bối cảnh nghệ thuật nước nhà với nhiều loại hình nghệ thuật, liên quan đến diễn xuất nhất là nghệ thuật truyền thống, hiếm nơi có nhiều NSND, NSUT có thể có những đóng góp nhất định đối với việc đào tạo đội ngũ kế cận”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ với Tiền Phong.
Tuy nhiên đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất chưa nên áp dụng. Ông phân tích trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là bậc học trình độ cao, đòi hỏi chuyên sâu về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu khoa học, rất khác so với kỹ năng biểu diễn của NSND, NSƯT.
NGƯT Phan Trọng Thành (thứ hai từ trái sang) làm rõ đề xuất của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: FBNV.
“Chính vì thế cần có sự phân biệt rạch ròi, tránh để tính hàn lâm, lý thuyết của bậc học tiến sĩ chịu sự ảnh hưởng từ tính kinh nghiệm, kiến thức thực tế của nghệ thuật biểu diễn. Điều này tạo ra sự nghiêm cẩn trong học thuật giống mặt bằng chung của thế giới”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn lý giải.
NSND Trung Anh chia sẻ với Tiền Phong không biết đến đề xuất này của nhà trường. Anh cho biết nhà trường luôn có đội ngũ giảng viên cơ hữu, còn các nghệ sĩ đứng lớp đều ở diện thỉnh giảng.
“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện phải tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ”, NSND Trung Anh nói. Từ sau khi nghỉ chế độ ở Nhà hát Kịch Việt Nam vào năm 2021, NSND Trung Anh dành thời gian nhiều hơn cho công việc giảng dạy tại ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Anh nhận chủ nhiệm một lớp diễn viên, mong muốn truyền thụ tình yêu sân khấu, kỹ năng biểu diễn cho lớp trẻ như cách các nghệ sĩ gạo cội đi trước từng dạy bảo.
NGUYÊN KHÁNH
mình cũng nghĩ vậy, danh hiệu NSND là danh hiệu cho những sự cố gắng và cống hiến của người nghệ sĩ đó trong cuộc đời sự nghiệp, còn bên kia là bằng cấp học vị, có những nghiên cứu của mình về một chuyên môn hoặc lĩnh vực khoa học giáo dục nào đó, không thể chuyển ngang dễ dàng như vậy
Trả lờiXóaViệc quy đổi như vậy cũng chẳng có ý nghĩa thực tế hay tính cấp thiết gì cả, đây cũng chỉ là phát biểu mang tính cá nhân chứ các cơ quan Nhà nước đã có ý kiến gì đâu, Quốc hội cũng có đưa nội dung này ra để thảo luận đâu mà rần rần thế nhỉ, hóng quá dễ mà bị dư luận dắt mũi lắm
XóaĐề xuất này chủ yếu để khắc phục khó khăn mà cơ chế giáo dục đại học đang đặt ra cho các trường, đó là phải có bao nhiêu đó tiến sĩ để đào tạo đại học. Tuy nhiên, quy chế này khá bất cập vì có những ngành nghề thì kinh nghiệm thực tiễn quan trọng hơn bằng cấp học thuật, và không đào đâu ra đủ tiến sĩ để giảng dạy. Báo chí giật tít gây hiểu nhầm cho người đọc quá rồi đó
Trả lờiXóaKhông đủ tiêu chuẩn thì có thể tạo cơ chế mở để đạt được học vị cũng như danh hiệu theo mong muốn chứ không phải đổi ngang như thế, làm như vậy khi quy đổi xong thì một ông nghệ sỹ chả biết chữ nghĩa gì thành ông tiến sỹ, khác gì bôi bác cái học vị tiến sỹ ra.
XóaThật ra đây là đề xuất khá ổn, nhưng bị giật tít làm trở nên thành ra méo mó. Mọi người nên đọc hoặc xem kỹ. Theo tôi thấy Nhà trường đang đề xuất tính NSND như tiến sĩ trong công thức quy đổi để tuyển sinh. Cái này đúng quá, trường đào tạo nghệ sỹ thì sẽ cần nhiều nghệ sỹ thực thụ dạy chứ không cần nhiều nhà lý luận nghệ thuật dạy.
Trả lờiXóatôi cũng hoàn toàn đồng ý, việc phong tặng NSUT hay NSND đều là sự nỗ lực cống hiến cũng như những đóng góp vì nghệ thuật của nghệ sỹ đó được nhà nước phong tặng danh hiệu. còn học hàm học vị Tiến sỹ hay thậm chí Thạc sỹ đều là sự nỗ lực học tập, đào tạo. hoàn toàn khác
Trả lờiXóa