(ĐCSVN) – Đây là nội dung được nêu rõ tại báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí về một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề sẽ được chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày mai (20/3).
Người đứng đầu các cấp kiểm sát phải chịu trách nhiệm toàn diện về các mặt công tác
Về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao cho biết: Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp về hình sự là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Theo đó, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo toàn Ngành thực hiện những giải pháp cụ thể, như: tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra; yêu cầu kiểm sát 100% trường hợp thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; tăng cường trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung bị can trước khi phê chuẩn, bảo đảm chống oan sai; bảo đảm việc thu thập chứng cứ và các hoạt động điều tra khách quan, toàn diện, đầy đủ đúng pháp luật; kiểm sát chặt chẽ án tạm đình chỉ điều tra; …
Bên cạnh đó, để nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị, của Kiểm sát viên, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Viện trưởng VKSND các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại sau đó phải đình chỉ bị can do không phạm tội; kiểm điểm xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể, lãnh đạo đơn vị và xem xét cả trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp trên nếu có hướng dẫn chỉ đạo đối với vụ việc; kiểm điểm trách nhiệm của Kiểm sát viên, lãnh đạo đối với các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội để từ đó hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đối với các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu VKSND các cấp phải xác định đúng bản chất, động cơ của tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ; áp dụng đúng các quy định pháp luật trong xác định tội danh và đánh giá chứng cứ, hành vi phạm tội; yêu cầu khởi tố và thay đổi tội danh khi có căn cứ; bảo đảm mọi hành vi tham nhũng phải được xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm; đồng thời, thông qua giải quyết các vụ án thực hiện tốt công tác kiến nghị các cơ quan hữu quan về phòng ngừa vi phạm, tội phạm; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngay từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để bảo đảm cho việc thu hồi tài sản đạt kết quả cao nhất.
Để tăng cường chất lượng tranh tụng cho Kiểm sát viên, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên; nhất là đối với những vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành KSND còn có tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số trường hợp Toà án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; bị can phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có trường hợp Viện kiểm sát phải rút quyết định truy tố.
Về công tác cán bộ, Viện trưởng VKSND tối cao luôn coi trọng công tác cán bộ; trong đó việc lựa chọn đúng và phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cấp Kiểm sát sẽ quyết định chất lượng công tác của toàn Ngành.
Trong Chỉ thị công tác hằng năm và chỉ đạo của Viện trưởng, nhiều năm qua luôn chỉ đạo phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, yêu cầu người đứng đầu các cấp kiểm sát phải chịu trách nhiệm toàn diện về các mặt công tác của đơn vị mình phụ trách, không chỉ công tác chuyên môn, thực thi pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của ngành mà đồng thời với vai trò là Bí thư Ban Cán sự Đảng (Viện trưởng tỉnh), Bí thư cấp uỷ (là thủ trưởng đơn vị) phải nắm vững và quán triệt triển khai đầy đủ các Nghị quyết, quy định của Đảng, nhất là trong lãnh đạo điều hành phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; coi trọng kiểm tra, giám sát. Nếu thông qua kiểm tra, thanh tra của cấp trên phát hiện vi phạm và xử lý thì sẽ xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm người phụ trách, người đứng đầu đơn vị đó.
Đề nghị tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù
Để đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Ngành, VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục. Hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi (cụ thể Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) nên trong chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục.
Đồng thời, đề nghị tăng cường sự chỉ đạo, giám sát của Quốc hội đối với các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng pháp luật, giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất những quy định pháp luật còn vướng mắc trong nhận thức giữa các cơ quan tư pháp. Tăng số lượng Kiểm sát viên trong biên chế được giao, đảm bảo cho ngành Kiểm sát có đủ cán bộ có chức danh tư pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao…/.
***
***
Chỉ tính riêng trong hai năm 2021, 2022, Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 292.915 nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đã thụ lý giải quyết 150.848 vụ/281.854 bị can, đã giải quyết 140.453 vụ/259.415 bị can (tỷ lệ trung bình đạt 93,1% số vụ và 96% số bị can); tỷ lệ truy tố đúng thời hạn 99,99% (vượt 4,99% chỉ tiêu Quốc hội giao); thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự đối với 165.065 vụ/309.707 bị cáo; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm đối với 32.596 vụ/55.297 bị cáo; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 794 vụ/1.104 bị cáo. Tỷ lệ oan, sai giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội.
Vy Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét