Nếu nói "hồn ai nấy giữ" trong việc uống rượu bia, nhậu nhẹt quá đà, thì sẽ không có mỗi ngày xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông và hàng chục, thậm chí cả trăm người chết oan, trong đó nguyên nhân từ bia rượu chiếm 40% và tốn đến 250 tỷ/ngày (theo thống kê của UBATGTQG năm 2022). Có "giữ hồn" được không khi đã ngồi vào bàn nhậu, bởi những tiếng thôi thúc, kích lệ "zô, zô, zô ..." làm át đi tất cả ? Có kẻ say rượu nào lúc đó tự nhận mình mất ý thức, hoặc rối loạn nhận thức hành vi hay không ?! Đang có luật và những quy tắc cộng đồng về việc sử dụng bia rượu, mà vụ việc tại nạn giao thông có liên quan đến bia rượu còn ở mức đó; thử hỏi nếu cứ "vô pháp vô thiên", thì hậu quả sẻ đến chừng nào !? Đó là chưa nói đến hậu quả phái sinh khác, của việc uống rượu bia quá đà gây ra.
Không có Luật, hay quy định nào cấm uống bia rượu, nhưng việc đó đến mức làm ảnh hưởng đến sự an toàn của cộng đồng và an ninh, trật tự xã hội, thì rõ ràng là không được. Tiêu chí đó không chỉ có ở của một xã hội văn minh, mà còn là biểu hiện của thuần phong, mỹ tục và đạo đức của một xã hội lành mạnh. Cho nên, đã đi nhậu cho thoải mái, thì phải tính đến việc sử dụng phương tiện nào để tham gia giao thông trước khi đến đó.
Việc "canh bắt" những người uống bia rượu quá đà ở các quán nhậu, cũng là một biện pháp ngăn chặn sớm hậu quả tiếp theo; nhưng thực tế không phải tất cả đều làm như vậy và không phải ai cũng được kiểm tra khi ra khỏi quán. Có biết bao người tham gia giao thông trên đường, có phải ai cũng được kiểm tra nồng độ cồn đâu, mà hành vi của người đó ra sao mới bị tuýt còi chứ.
Nói tuyên truyền, vận động là chính, điều đó rất đúng và việc đó vẫn đang được ráo riết làm hàng ngày đó thôi. Nhưng nếu không có chế tài, liệu có mấy người thực hiện đúng?
Karaoke cũng vậy, từ một hoạt động lành mạnh đâu đó đang biến thành "vấn nạn", gây ra sự bức xúc cho cộng đồng xung quanh. Đã có biết bao nhiêu vụ án đau lòng và làm mất trật tự, ô nhiễm tiếng ồn cho người khác đến mức không thể chấp nhận được từ dịch vụ và hoạt động này ở khu dân cư. Cũng như việc sử dụng bia rượu, không ai cấm hoạt động thú vị này; nhưng làm sao cho phù hợp với thời gian, điều kiện để hài hòa với cuộc sống, sinh hoạt chung của cộng đồng. Quy định 23 giờ đêm buộc phải "đóng cửa" hoạt động này là quá thoải mái rồi, thậm chí nên phải dừng trước đó. Nói rằng "đóng cửa" là hàm ý, dịch vụ và hoạt động đó chỉ trong phạm vi không gian nhất định và không làm ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh. Ở Hà Nội, Đà Nẵng, tp HCM có biết bao sàn nhảy, dịch vụ karaoke vẫn hoạt động suốt đêm đó sao; nhưng tuyệt đối không gây tiếng ồn ra bên ngoài, đó là cách thức, điều kiện hoạt động mà ngành VH phải quy định, kiểm tra, chế tài là thế. Cần thiết quá đi chứ!
Từ việc đó, phát biểu của ông Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện NQ của Đảng bộ TP Bạc Liêu là rất không ổn. Chắc tinh thần, chủ trương NQ của Đảng và luật pháp không phải như người đứng đầu Chính quyền địa phương này nói. Cách diễn giải, gần như chỉ thị của người này đối với ngành Công an, Văn hóa ở đó như một sự xúc phạm chức năng, nhiệm vụ của họ. Để thu hút khách du lịch có nhiều cách để tạo nên những sản phẩm hấp dẫn, nhưng không phải như cách của ông Chủ tịch này nêu ra.
Thường vụ tỉnh ủy Bạc Liêu, nên sớm làm rõ việc này, bởi vừa rồi ông Phạm Văn Thiều đã trả lời phỏng vấn báo chí, thì ông vẫn khẳng định quan điểm không thay đổi như những gì ông đã nói. Nếu không làm rõ chủ trương này, thì hậu quả phái sinh từ phát biểu của người đứng đầu Chính quyền là không đơn giản.
Nguồn: Nguyễn Ran
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét