Chia sẻ

Tre Làng

"Lẩm cơm thiu" có phải là "nhặt, vét" cơm thiu?

Trong chương trình “Vua tiếng Việt”, thỉnh thoảng các vị Cố vấn xuất hiện để giải thích, bình luận để người chơi và khán giả hiểu thêm về cái hay, cái đẹp của một số từ ngữ hoặc các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao...

Với câu “Được mùa chê cơm hẩm, mất mùa lẩm cơm thiu”, Tiến sĩ ĐAV giải thích: “Khi đói kém thì cơm thiu cũng dùng thôi, cũng phải ăn thôi. Nó là câu khuyên mình cũng nên biết dè xẻn, tiết kiệm…”.

Nghệ sĩ hài Xuân Bắc góp lời: “Lẩm, như là nhặt, vét… đúng không ạ?”

Cách hiểu này được Cố vấn chương trình xác nhận.

Tuy nhiên, ở đây có hai điều cần trao đổi, đặc biệt là sự thú vị của từ LẨM:

1-Về cơ bản, cách giải thích của Tiến sĩ ĐAV không sai. Nhưng nếu gọi là chính xác, nêu bật được điều dân gian muốn nói, thì lại không phải. Bởi giải thích như vậy là giống với lời dặn dò, khuyên nhủ nhẹ nhàng trong câu “Được mùa chớ phụ ngô khoai/Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”.

Trong khi câu “Được mùa chê cơm hẩm, mất mùa lẩm cơm thiu”, mang một ý nghĩa khác, và cấp độ cao hơn. Đó là tính phê phán, đả kích, mỉa mai kẻ mới có chút dư dả đã ra bộ hợm mình, kén cá chọn canh, đến khi thiếu đói, sa sút thì không từ thứ gì không vơ vào mồm. Bởi thế, nghĩa bóng của câu này cũng rộng hơn, không chỉ dừng ở chuyện được mùa, mất mùa, chuyện “dè xẻn, tiết kiệm”, mà còn được áp dụng trong nhiều trường hợp khác.

2-Trong câu tục ngữ đang xét, có hai từ đáng để lưu ý, đó là “hẩm” và “lẩm”, đặc biệt là chữ “LẨM”.

Đáng khen cho Nghệ sĩ Xuân Bắc, khi anh đã chú ý tới từ LẨM rất đắt này. Nhưng tiếc rằng, anh lại võ đoán, và giải thích sai hoàn toàn.

Chữ “lẩm” ở đây không phải “nhặt, vét”, mà là ăn một cách lén lút, ăn nhưng không muốn cho ai biết.

Vì sao phải ăn “lẩm”? Vì xẩu hổ. Vì sao lại xấu hổ? Vì khi có chút dư dả, sung túc, thì ỏng eo “chê cơm hẩm” (cơm nấu từ gạo hẩm, hư, biến chất; lớp trẻ ngày nay hầu như không hiểu từ này), đến khi mất mùa đói kém, cơm hẩm cũng chẳng có mà ăn, phải ăn đến cả “cơm thiu” - thứ cơm để quá lâu, đã bị phân huỷ, mùi rất kinh khủng; người ta đổ bỏ, vì đến chó mèo cũng chẳng thèm đụng đến. Thế nên, kẻ từng “chê cơm hẩm” kia lấy làm xấu hổ, phải ăn cơm thiu theo kiểu "lẩm" là vậy.

Cái sự lén lút của từ “lẩm”, tương tự như từ “im ỉm” trong câu “Im ỉm như bà cốt uống thuốc” (Bà cốt thường khi trổ tài chữa bệnh không dùng thuốc, đến khi ốm đau chính bà phải dùng đến, thì uống một cách lén lút, không muốn cho ai biết); hay giống như câu “Im ỉm như gái đái gốc dâu” vậy…

Kiến thức không ở đâu xa. Chính trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên) mà Xuân Bắc hay cầm trong tay, mục “lẩm”, được giải thích là “Ăn lén lút”, và lấy ví dụ “Được mùa thì chê cơm hẩm, mất mùa thì lẩm cơm thiu”(*)

Cũng cẩn nói thêm, chữ “lẩm” hay “lủm” còn có một nghĩa nữa là ăn gọn, nuốt gọn, ăn không kịp nhai (tiếng Thanh Hoá là “lửm”, “lốm”), cũng rất đắt, rất hợp khi đặt vào ngữ cảnh câu tục ngữ này.

Như vậy, dù hiểu theo nghĩa nào, thì “lẩm” cũng không hề có nghĩa là “nhặt, vét”, như Xuân Bắc giải thích “kiểu kiểu như thế”!

*****

(*) Có 7 cuốn từ điển tôi có trong tay giải thích “lẩm” theo nghĩa này.

P/S: Bài viết có mục đích nhân đính chính sai sót mà tìm hiểu thêm về cái hay cái đẹp của tiếng Việt. Bởi vậy, đề nghị bà con bình luận nhẹ nhàng trên tinh thần góp ý, xây dựng.

Nguồn: 
Hoàng Tuấn Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog