Chia sẻ

Tre Làng

Nhân chuyện học sinh nữ bị đánh hội đồng nói về nguyên nhân bạo lực học đường

LâmTrực@

Ngày 19/5, trên mạng xã hội xuất hiện clip một nữ sinh lớp 8 của trường THCS Minh Đức, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội bị 4-5 học sinh đánh hội đồng ngay tại lớp. Gia đình em chỉ biết sự việc khi xuất hiện những clip đăng lên Facebook.

Ảnh minh họa (internet)

Sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường, phụ huynh, thậm chí cả cơ quan công an đã phải vào cuộc. Nguyên nhân được xác định là có mâu thuẫn từ việc nói xấu nhau trên mạng xã hội.

Trước đó, ngày 12/4 một vụ việc tương tự cũng xảy ra đối với nữ sinh lớp 8 ở Đông Anh, TP Hà Nội và nguyên nhân vẫn là từ nói xấu nhau.

Thực tế, hiện tượng bạo lực học đường là câu chuyện không mới, song thời gian gần đây, hiện tượng này xảy ra liên tục hơn, ngày càng gia tăng về tính chất nguy hiểm, và mức độ nghiêm trọng. Nhiều học sinh đã bị sốc, hoảng loạn, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thậm chí có học sinh đã chết. Bạo lực học đường đương nhiên có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống và chất lượng giáo dục

Nói đến bạo lực học người ta thường nghĩ đó là hành vi bạo lực thể chất do học sinh gây ra trong nhà trường. Nhưng chừng ấy là chưa đủ. Bạo lực học đường còn là bất cứ điều gì có liên quan đến một mối đe dọa thực sự hoặc mối đe dọa ngầm diễn ra trong hoặc ngoài trường học và không chỉ là giữa học sinh với nhau. Bạo lực học đường có thể là lời nói, thái độ, hành động xâm hại kinh tế, danh dự, thể chất, xâm hại tình dục, được thực hiện có hoặc không có vũ khí đi kèm. Bạo lực học đường có thể do chính các học sinh gây ra với nhau hoặc do các phụ huynh hoặc thầy cô gây ra, thậm chí có cả trường hợp học sinh gây ra với các thầy cô giáo.

Thống kê mới nhất hồi tháng 2/2023 của Bộ GD & ĐT chỉ ra rằng, cứ mỗi năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Cứ 11.000 học sinh sẽ có một em bị đình chỉ học tập do đánh nhau và con số  này có chiều hướng gia tăng.

Báo chí, truyền thông và đặc biệt là các thống kê, công trình nghiên cứu đã chỉ ra các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực học đường. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Theo nhiều bài báo, bạo lực học đường có nguyên nhân từ: (1) Truyền thông, giải trí, đặc biệt là trò chơi điện tử; (2) vấn đề tâm lý, tâm thần ở học sinh, trong đó có chứng rối loạn tâm lý và sức khỏe tâm thần; (3) công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật chưa hiệu quả, khiến học sinh không nhận thức được hành vi và không có khả năng phòng vệ; (4) Kỷ luật của nhà trường chưa nghiêm, nhất là đối với học sinh cá biệt; (4) thiếu tổ chức các hoạt động gắn kết học sinh; (5) phụ huynh chưa hoặc không quan tâm đến giáo dục đạo đức, luân lý cho con em mình, mà khoán trắng cho nhà trường; (6) Cha mẹ không/chưa làm gương tốt cho con cái noi theo; (7) Thầy cô thiếu trách nhiệm, không lường hết được khả năng sẽ có bạo lực chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ.

Những nguyên nhân nói trên là không sai, nhưng chưa đủ. 

Thực tế là khi bạo lực học đường đã xảy ra, thì nhà trường, phụ huynh, cơ quan công an mới biết và mới vào cuộc xử lý. Cách giải quyết ấy là chạy theo sự vụ và mới chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Ở đây nói thẳng ra, chúng ta chưa chú trọng đến phòng ngừa, chưa chú ý đến nắm tình hình để chủ động ngăn ngừa trước khi vụ việc xảy ra.

Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta còn khiếm khuyết trong giáo dục nhân cách đạo đức cho học sinh, bao gồm cả sinh viên đại học. Trong cấu trúc chương trình môn học mới chỉ dừng lại ở các môn học nặng về kiến thức chuyên môn mà chưa có môn học về kỹ năng ứng xử với nhau và ứng xử với truyền thông và mạng xã hội theo các chuẩn mực văn hóa, đạo đức. Thực tế, kỹ năng ứng xử của học sinh, sinh viên vẫn bị coi là kỹ năng mềm và học sinh phải tự tìm, tự học qua mạng xã hội. Tất yếu là trong khi thiếu sự hướng dẫn của thầy cô thì học sinh tự tìm đến những cách ứng xử của "Giang hồ mõm" hoặc các hội nhóm bất hảo. Điều này trực tiếp kích thích bạo lực học đường.

Một nguyên nhân rất quan trọng khiến bạo lực học đường vẫn xảy ra và có xu hướng tăng trong những năm gần đây như báo cáo của Bộ GD&ĐT, là do việc xử lý các vụ việc còn lúng túng, thiếu nhất quán, có phần dân túy... khiến đối tượng gây ra bạo lực học đường và những đối tượng khác không chùn tay. Nói nôm na là "mức án" không đủ răn đe.

Hầu hết các vụ việc phụ huynh hoặc thầy cô đánh đập học sinh, học sinh đánh thầy cô giáo mới chỉ bị xử lý hành chính mà không xử lý hình sự. Tương tự như thế, các nhóm học sinh đánh hội đồng bạn mình cũng chỉ bị tạm đình chỉ vài ngày rồi quay trở lại học tập bình thường. Mức xử lý như thế là chưa đủ sức răn đe, giáo dục, thậm chí còn kích thích đối tượng tiếp tục gây ra bạo lực và làm các em khác sợ hãi.

Tôi đã đọc và thấy rất nhiều trường hợp đã xử lý mạnh tay với thầy cô giáo bằng các hình thức, như "xin lỗi công khai", "kỷ luật" hoặc "buộc thôi việc",.. trong khi đó lại nương tay với học sinh, khiến việc giáo dục các em trở nên khó khăn, bởi các giáo viên khác sẽ phải "tự bảo vệ mình" trước các nguy cơ "mất dạy". Sẽ rất nguy hiểm nếu như thầy cô chỉ chú ý đến làm tròn nhiệm vụ trang bị kiến thức trong sách giáo khoa cho học sinh mà lờ đi việc dạy bảo đạo đức, kỹ năng ứng xử cho các em. Và cũng rất đáng lo ngại nếu như vì sức ép mà không thể thu hút được nhân tài vào ngành giáo dục.

Một tình trạng khác cũng cần phải nói cho rõ là, khi các clip bạo lực, đặc biệt là bạo lực thể chất có yếu tố giới tính hoặc tình dục... vẫn còn tồn tại và lan truyền trên mạng thì vụ việc bạo lực vẫn chưa chấm dứt, nạn nhân vẫn còn chịu đau đớn, tủi hổ, nhiều trường hợp đã lựa chọn các hành vi tiêu cực. Do đó, Bộ TT&TT cần phải có giải pháp gỡ bỏ các clip và thậm chí chấm sứt hoạt động của các trang mạng, kênh hình ảnh... đã đăng tải vụ việc. Chi khi đó, hành vi bạo lực học đường trong vụ việc ấy mới được coi là chấm dứt.

Cuối cùng, một trong các nguyên nhân khiến bạo lực học đường không giảm đi là do cách xử lý của nhà trường, phụ huynh học sinh và các cơ quan chức năng chưa tốt, thiếu tính thống nhất (nhất là khi phát ngôn), bị động, lúng túng và chạy theo dư luận. Tôi không có dữ liệu để chứng minh việc xử lý chạy theo dư luận, nhưng xét trên khía cạnh lý thuyết thì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế đó, có lẽ là lời gợi ý cho các nhà trường cần được đào tạo lỹ năng xử lý các vụ bạo lực học đường, cũng giống như kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông và ứng xử với báo chí theo đúng quy định của pháp luật.

Bạo lực học đường đang là vấn đề rất nhức nhối và làm sao để ngăn chặn vấn nạn này là bài toán khó đòi hỏi cả nhà trường, phụ huynh và cộng đồng chung tay giải quyết. Những giải pháp chủ yếu sẽ được trình bày trong phần sau của bài viết.

15 nhận xét:

  1. Những năm gần đây, nhiều học sinh bị bạn học tấn công một cách tàn nhẫn bằng hành động và lời nói trong thời gian dài khiến cuộc sống trở nên u tối, thậm chí không lối thoát...

    Trả lờiXóa
  2. Tình trạng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Vấn nạn bạo lực học đường đã trở thành tinh tức gây nhức nhối của ngành giáo dục và toàn xã hội. Bạo lực học đường hiện nay đang trở thành điểm nóng đáng được quan tâm của nhiều phụ huynh, thầy cô và nhà trường, là nỗi trăn trở của toàn xã hội.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoa Co May21:35 21/5/23

      Sự việc xảy ra dấy lên báo động về trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh trong việc theo dõi đời sống hàng ngày của con trẻ chứ không đơn thuần việc dạy học, cần có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa hai phía, nếu không thì mỗi bên chỉ hoàn thành nửa trách nhiệm mà thôi

      Xóa
  3. Hiện tượng bạo lực không hải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xẩy ra liên tục hơn trong các trường học bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội,…

    Trả lờiXóa
  4. hoạt động phòng chống bạo lực học đường được thực hiện theo phong trào và nặng bệnh thành tích thì khó có thể đẩy lùi. Lãnh đạo nhiều trường chưa làm thấu đáo việc giáo dục cho học sinh biết cách sống yêu thương, khoan dung, nhường nhịn do họ còn nhiều kế hoạch, báo cáo tranh đua thành tích.

    Trả lờiXóa
  5. Cần tập huấn cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán về giáo dục kỹ năng, công tác tư vấn tâm lý học đường, phương pháp đứng lớp, gắn với phòng chống bạo lực học đường. Đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường phải là giáo viên có kinh nghiệm giáo dục, có uy tín, có chế độ đãi ngộ cao.

    Trả lờiXóa
  6. giáo viên, lãnh đạo trường học phải biết lắng nghe học sinh (trực tiếp hoặc qua mạng xã hội), cùng phụ huynh, nhất là đối với học sinh cần trợ giúp, để các em luôn thấy yên tâm, tự tin khi đến trường hay ở nhà, trong giao tiếp với bè bạn và mọi người.

    Trả lờiXóa
  7. Nói chung là vẫn chưa có quy định hay giải pháp cho vấn đề này, khi ở trên thì ko muốn mạnh tay, ở dưới muốn mạnh tay lại sợ phạm luật.Nên chăng phải quy trách nhiệm trực tiếp cho phụ huynh? Nếu con vi phạm thì phạt phụ huynh theo khung hình phạt riêng?Nếu gia đình ko có khả năng quản thúc con em thì buộc vào trường giáo dưỡng.

    Trả lờiXóa
  8. Các hình thức kỷ luật gần như để cho có vì nó không giải quyết được vấn đề của bắt nạt, bạo lực học đường. Những cá nhân có hành vi bắt nạt, bạo lực cần được giáo dục riêng trong một môi trường, cho đến khi chắc chắn hành vi không tái phạm mới được phép tiếp tục học tại trường. Nếu cần thiết thì chuyển trường vĩnh viễn luôn, như thế mới hạn chế được tối đa vấn nạn này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giải pháp đuổi học là hình thức kỷ luật 'chẳng đặng đừng' vì đơn giản loại bỏ học sinh đó ra khỏi môi trường học đường (được xem là lành mạnh nhất) thì sẽ gia tăng nguy cơ sa vào những môi trường xấu và khả năng thực hiện hành vi xấu của em nhiều hơn.

      Xóa
  9. theo tôi, nguyên nhân bạo lực học đường xuất phát từ nhiều phía: học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, lối sống, do gia đình, nhà trường và xã hội. "Một trong những nguyên nhân quan trọng là từ giáo dục trong nhà trường.

    Trả lờiXóa
  10. tôi nhận thấy nội dung chương trình giáo dục đạo đức công dân có phần còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và việc ứng xử với những tình huống cụ thể, phương pháp giảng dạy còn chậm được đổi mới, chưa cuốn hút học sinh

    Trả lờiXóa
  11. điều đáng buồn nhất là có vô số bạn học chứng kiến cảnh bạo lực tàn bạo hơn cả đòn thù, nhưng lại chỉ đứng nhìn. Chỉ thế thôi. Tất cả đều không can ngăn, không tìm cách bảo vệ nạn nhân, không tìm cách dừng lại những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức và phẩm giá con người. Tất cả đều sợ hãi? Tất cả thờ ơ, vô cảm?

    Trả lờiXóa
  12. Thật kinh khủng. Đến giờ bộ GD&ĐT vẫn im lặng trước vấn nạn bạo lực học đường. Cách để chấm dứt bạo lực học đường nhanh nhất chính là các phụ huynh chúng ta cần phải mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ con em mình và phải mạnh mẽ hành động.

    Trả lờiXóa
  13. Đã đến lúc ngành giáo dục nên có trường giáo dưỡng giành riêng cho các đối tượng đặc biệt này, không thể cứ lấy lý do là các cháu còn nhỏ cần được giáo dục thì sao đủ răn đe, làm thế nào đó để đảm bảo trường học là nơi chốn an toàn có tính giáo dục nhất - ươm mầm phẩm giá con người.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog