ĐBQH đề nghị không quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về lĩnh vực ngân hàng.
Chiều 10-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Một nội dung đáng chú ý, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung (đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) đề nghị dự thảo Luật không quy định Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về lĩnh vực ngân hàng.
Theo ông Trung, hoạt động điều tra thuộc hệ thống các cơ quan tư pháp được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong đó không quy định Ngân hàng Nhà nước thuộc cơ quan điều tra hay là cơ quan được giao một số hoạt động điều tra.
Đồng tình, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP.HCM) cũng đề nghị “cẩn trọng” khi quy định về thẩm quyền điều tra của Ngân hàng Nhà nước.
“Việc điều tra nên được giao cho một cơ quan chức năng độc lập có đủ bộ máy, nhân lực, nghiệp vụ hơn là giao cho cơ quan Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện công tác thanh tra, giám sát”- bà Tuyết cho rằng các thiết chế của bộ máy nhà nước hiện nay đã đủ công cụ và độc lập cho việc tổ chức điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng, cụ thể là cơ quan điều tra Bộ Công an.
“Qua thanh tra, giám sát, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự thì có thể chuyển sang cơ quan điều tra của Bộ Công an”- Bà Tuyết nói thêm.
Bí mật ngân hàng thuộc về “bí mật đời tư”
Góp ý tiếp cho dự thảo, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung đánh giá dự thảo Luật quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng, nhưng việc cung cấp thông tin, tài liệu “chưa đáp ứng yêu cầu” về mặt thời gian trong thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm.
Theo ông Trung, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng và công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khi tội phạm xảy ra, lực lượng công an phải nhanh chóng triển khai truy xét dòng tiền và phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên, với các quy định pháp luật hiện hành thì không đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn kịp thời việc chuyển tiền của các đối tượng.
“Sau khi lừa được tiền, các đối tượng liên tục chuyển tiền đi rất nhanh nên số tiền thu hồi được là rất ít so với số tiền của người dân bị lừa”- Giám đốc Công an Hà Nội nói đồng thời kiến nghị cần quy định rút ngắn thời gian cung cấp thông tin tài khoản khách hàng để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
“Có thể giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết về nội dung này sau khi luật được ban hành”- ông Trung đề nghị.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lại cho rằng, theo thông lệ quốc tế, một số ngành nghề bí mật thông tin khách hàng được bảo vệ rất nghiêm ngặt bằng Hiến pháp và luật, trong số này có ngân hàng; ngành y và luật sư.
Theo ông Nghĩa, bí mật ngân hàng thuộc về “bí mật đời tư” và bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân… là một trong những quyền con người được ghi nhận trong công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Dẫn lại điều 21 và điều 14 Hiến pháp, ông Nghĩa khẳng định việc cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng đã hạn chế quyền con người được bảo vệ thông tin.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 14 dự thảo (về bảo mật thông tin) quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền “theo quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của khách hàng"; còn khoản 2 nêu việc bảo đảm bí mật “theo quy định của Chính phủ”.
Đánh giá quy định như trên “không đầy đủ”, ông Nghĩa cho rằng “chúng ta hội nhập rất sâu rồi, cho nên quy định bảo vệ thông tin khách hàng càng chặt chẽ thì uy tín chúng ta càng cao và ngân hàng của chúng ta càng phát triển”…
Vị luật sư đến từ TP.HCM kiến nghị dự thảo luật nên quy định rõ những đối tượng nào được yêu cầu cung cấp thông tin. “Với cơ quan, thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng mới được ký công văn yêu cầu chứ không mở rộng xuống thành viên đoàn thanh tra, đoàn kiểm toán cũng được yêu cầu”- ông Nghĩa nói thêm.
Ngoài ra, ĐBQH đoàn TP.HCM đề nghị chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến vụ án đang được khởi tố, điều tra và những nội dung yêu cầu là cần thiết cho việc điều tra.
“Một vụ án đang khởi tố, điều tra, nếu cần một số thông tin để phục vụ cho việc điều tra, lúc đó mới yêu cầu”- ông Nghĩa nói và lo ngại việc “bỗng dưng” có công văn đến yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, dù hoàn toàn không liên quan đến vụ án.
Nguồn: ĐỨC MINH- TRỌNG PHÚ
Báo Pháp luật TPHCM
Ngân hàng thực hiện chức năng thanh tra giám sát là được rồi, quyền điều tra nên giao cho một cơ quan độc lập khác, để đảm bảo tính khách quan trong công tác giám sát lẫn nhau, chứ bố mẹ xuống điều tra con cái thì tính nghiêm minh của pháp luật dễ mà bị xâm phạm lắm.
Trả lờiXóaThực tế tội phạm công nghệ cao, đánh bạc, rửa tiền trên không gian mạng rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Sau các vụ việc, lực lượng công an ngay lập tức truy xét dòng tiền, phong tỏa tài khoản. "Nhưng với các quy định hiện hành, các đối tượng ngay lập tức chuyển tiền đi rất nhanh nên tỷ lệ thu hồi được tiền rất ít"
Trả lờiXóa