Ngày 7/6, TASS đưa tin, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nói rằng, Mỹ, Anh và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải "chịu trách nhiệm" về sự cố vỡ đập thủy điện Kakhovka ở tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine.
Vụ vỡ đập Kakhovka đã gây ra tình trạng ngập lụt tại nhiều nơi ở Kherson, miền Nam Ukraine, có nguy cơ gây nên thảm họa sinh thái.
Theo ông Patrushev, những quốc gia này đã "điều phối các hoạt động của Ukraine" và do đó "đã đi đến sự nhất trí liên quan tới vụ nổ đập".
Về phía NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết, trong ngày 8/6, ông sẽ chủ trì cuộc họp của Ủy ban điều phối khẩn cấp về Ukraine sau “sự tàn phá quá mức” đối với đập thủy điện Kakhovka.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Stoltenberg đánh giá, vụ vỡ đập Kakhovka đã gây ngập lụt, “khiến hàng nghìn người phải di dời và gây ra thảm họa sinh thái ở Ukraine”.
Cũng theo người đứng đầu NATO, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba sẽ tham gia cuộc họp trên theo hình thức trực tuyến.
Trước đó, Ngoại trưởng Kuleba cho hay, cuộc họp được tổ chức theo yêu cầu của ông, đồng thời khẳng định ông Stoltenberg đã cam kết “các cơ chế của NATO sẽ được sử dụng để cung cấp viện trợ nhân đạo”.
Đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnipro ở Kherson bị vỡ ngày 6/6. Cả Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau về vụ việc.
Theo số liệu mới nhất của các cơ quan khẩn cấp, khoảng 2.700 ngôi nhà tại 15 khu định cư ở tỉnh Kherson đã bị ngập trong nước. Tổng cộng có khoảng 22.000 người sinh sống tại đây, trong đó đã sơ tán gần 1.300 người.
Chính quyền địa phương đã thu xếp 40 nơi trú ẩn tạm thời có sức chứa lên đến 5.500 người. Tình trạng khẩn cấp cũng đã được ban bố trên toàn tỉnh Kherson thay vì chỉ thành phố Nova Kakhovka như thông báo trước đó.
Theo báo Thế giới và Việt Nam
Theo báo Thế giới và Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét