Trong vụ “chuyến bay giải cứu”, nhiều người quan tâm đến chứng cứ kết tội bị cáo Hoàng Văn Hưng và chiếc cặp khóa số. Vậy việc đánh giá chứng cứ này ra sao?
Trong vụ “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng Phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, khẳng định mình nhận chiếc cặp khóa số nhưng trong cặp không có 450.000 USD. Phía VKS đã chứng minh bằng cách đưa ra lời khai của các bị cáo là những người cho rằng đã chi tiền cho Hưng, clip bị cáo Hưng nhận chiếc cặp, nhật ký các cuộc gọi điện thoại…
Bị cáo Trần Hùng (vụ án sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả) cũng bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng. Bị cáo Hùng không thừa nhận hành vi này nhưng đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ xác định bị cáo Hùng đã nhận hối lộ...
Từ hai vụ này, nhiều người thắc mắc chứng cứ kết tội là gì, cơ quan tố tụng đánh giá những chứng cứ này ra sao?
Bị cáo Hoàng Văn Hưng khẳng định mình nhận chiếc cặp khóa số nhưng trong cặp không có 450.000 USD. Ảnh: PHI HÙNG
Đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện
Theo ThS Nguyễn Đức Hiếu, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), những gì không liên quan trực tiếp, không có ý nghĩa trong việc chứng minh hành vi phạm tội hay những thứ không có thật như tưởng tượng, suy nghĩ, những thứ phi thực tế… thì không thể gọi là chứng cứ.
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều áp dụng xác định tội phạm chủ yếu qua mặt khách quan, trong đó hành vi, hậu quả và mối liên hệ nhân quả là cốt lõi. Mặt khách quan là những cái diễn ra bên ngoài và phải gắn liền với hậu quả của người thực hiện hành vi phạm tội thông qua hành vi (hành động hoặc không hành động) nhưng phải để lại những chứng cứ như dấu vết, đồ vật, hình ảnh từ camera… Do đó, chứng cứ và tội phạm trong tố tụng hình sự là cặp phạm trù gắn liền với nhau.
Theo Điều 108 BLTTHS, mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự. Cạnh đó, mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án phải được kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện.
Hiện gần như không có hướng dẫn chi tiết nào về đánh giá chứng cứ trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, có thể áp dụng các điều luật khác trong chính BLTTHS để đánh giá chứng cứ như Điều 108 với ba nguyên tắc là khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Buộc hay gỡ đều phải xem xét toàn diện
ThS Nguyễn Đức Hiếu phân tích cụ thể: Khách quan được thể hiện là không thiên vị, thực tế như thế nào đánh giá vậy, không được dựa vào cảm quan, sở thích hay những suy nghĩ mang tính áp đặt.
Toàn diện là khi đánh giá chứng cứ phải phù hợp, phải xem xét toàn bộ chứng cứ, không thể xem lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất buộc tội. Theo khoản 2 Điều 98 BLTTHS, lời nhận tội chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.
Lấy ví dụ việc bị cáo Hoàng Văn Hưng không nhận tội và cho rằng mình chỉ nhận chiếc cặp khóa số chứa bốn chai rượu, không có 450.000 USD. Trường hợp này, không chỉ xem xét lời khai của bị cáo Hưng mà phải xem xét đến lời khai đó có phù hợp với lời khai của các bị cáo khác hay không, chứng cứ từ camera, cuộc gọi điện thoại…
Đầy đủ các chứng cứ, nghĩa là phải xem xét chứng cứ từ đầu đến cuối, đọc hết, xem hết và không bỏ sót; nếu có chứng cứ mới được nêu tại phiên tòa cũng phải đánh giá cả chứng cứ đó.
Theo ThS Hiếu, ngoài việc áp dụng điều luật khác trong chính BLTTHS còn có thể áp dụng tương tự pháp luật theo Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP về thu thập chứng cứ, lấy lời khai…
Nguyên tắc đánh giá chứng cứKhoản 1 Điều 87 BLTTHS cũng quy định: Các nguồn chứng cứ là vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử…Đánh giá chứng cứ để làm sáng tỏ giá trị chứng minh của từng chứng cứ đối với việc xác định bản chất của quan hệ pháp luật cần giải quyết. Do đó, việc đánh giá chứng cứ cần tuân thủ các nguyên tắc nhằm đảm bảo được các thuộc tính của chứng cứ gồm tính khách quan, tính hợp pháp và tính liên quan.
Trực tiếp có giá trị cao hơn gián tiếp
Theo một thẩm phán tại TP.HCM, chứng cứ có những thuộc tính như khách quan, có giá trị chứng minh và được thu thập theo trình tự pháp luật quy định. Phân loại chứng cứ gồm: trực tiếp, gián tiếp; gốc, thuật lại; vật chứng và nhân chứng; nói và viết.
Thông thường chứng cứ trực tiếp có giá trị cao hơn chứng cứ gián tiếp. Trong trường hợp không thu thập được chứng cứ trực tiếp thì mới thu thập, sử dụng chứng cứ gián tiếp. Thông qua các chứng cứ gián tiếp đi đến được kết luận có giá trị tương đương với chứng cứ trực tiếp thì chứng cứ gián tiếp mới có giá trị.
Chứng cứ gốc luôn có giá trị chứng minh chính xác hơn chứng cứ thuật lại. Vật chứng luôn có giá trị hơn nhân chứng, bởi vì vật chứng sau khi ra đời thì không thay đổi, còn nhân chứng thì có thể thay đổi. Chứng cứ thuật lại càng xa gốc càng giảm độ tin cậy và chứng cứ viết có giá trị hơn chứng cứ nói.
Cạnh đó, người xưa có câu “nhất nhân chứng vô giá trị” nên thường cần phải có từ hai chứng cứ độc lập với nhau để kiểm tra độ tin cậy của chứng cứ, để khẳng định độ chính xác của chứng cứ. Xem xét đến độ tin cậy của nguồn chứng cứ, độ tin cậy của người cung cấp chứng cứ, thời gian địa điểm xuất hiện chứng cứ, hoàn cảnh xuất trình chứng cứ.
Việc xem xét, đánh giá chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội là phải được chú trọng ngang nhau, không được chỉ quan tâm chú ý đến chứng cứ buộc tội và xem nhẹ chứng cứ gỡ tội. Các chứng cứ phải được xem xét trong mối liên hệ với nhau, không được có quan điểm siêu hình trong đánh giá chứng cứ. Các chứng cứ sinh ra từ một gốc không có giá trị kiểm tra lẫn nhau.
Phải đánh giá cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội
Một thẩm phán nhiều năm công tác tại TP.HCM nhìn nhận rằng việc đánh giá chứng cứ không chính xác rất có thể dẫn đến oan sai. Điển hình như vụ án oan của ông Bùi Minh Hải ở Đồng Nai. VKSND tỉnh Đồng Nai khi đó đã có sự nhìn nhận về các sai sót: Kiểm sát viên chưa làm tròn trách nhiệm, không phát hiện các mâu thuẫn trong hồ sơ.
Điều tra viên điều tra theo định hướng chủ quan, nhận định ông Hải là thủ phạm; lấy lời khai các nhân chứng tập trung theo hướng liên quan đến ông Hải, không đặt ra các giả thuyết khác.
Nguồn: Song Mai
báo Pháp Luật TP HCM
báo Pháp Luật TP HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét