Theo nhận định của giới chuyên môn, với tiến độ và diễn biến các bên tố tụng như hiện nay, phiên tòa xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu” sẽ rút ngắn thời gian hơn dự kiến.
Theo kế hoạch, phiên tòa sơ thẩm vụ “Chuyến bay giải cứu” dự kiến xét xử trong 1 tháng.
Tuy nhiên, sau 4 ngày diễn ra, phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận.
Theo nhận định của giới chuyên môn, với tiến độ và diễn biến các bên tố tụng như hiện nay, phiên tòa sẽ rút ngắn thời gian hơn dự kiến.
Mặc dù tiến độ xét xử vụ án được đẩy nhanh nhưng chất lượng thẩm vấn, điều hành phiên tòa của Hội đồng Xét xử được đánh giá cao bởi sự dân chủ, minh bạch và thượng tôn pháp luật.
Tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo được Hội đồng Xét xử và đại diện Viện Kiểm sát lắng nghe, giải đáp kịp thời đề nghị của bị cáo.
Bên cạnh đó, các bị cáo được trình bày đầy đủ, rành mạch những nội dung liên quan đến vụ án.
Nhiều bị cáo được đặt câu hỏi với các bị cáo khác cũng như đối với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) cho rằng mình bị oan và đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo đặt 2 câu hỏi đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky).
Đề nghị này đã được Hội đồng xét xử chấp thuận. Tuy nhiên, sau khi Hưng hỏi Hằng, 2 bị cáo vẫn không làm rõ được các mối liên hệ liên quan.
Bị cáo Hằng khẳng định đã đưa 2,6 triệu USD cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) để đưa Hưng "chạy án" cho bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) và Nguyễn Thị Thanh Hằng. Còn bị cáo Hưng phủ nhận việc nhận tiền để “chạy án.”
Trong những ngày qua, nhiều người tham dự phiên tòa đều có chung cảm nhận về một phiên tòa khách quan và khoa học.
Những nội dung dàn trải, không liên quan trực tiếp đến vụ án đều được Hội đồng xét xử yêu cầu tập trung vào nội dung chính của vụ án.
Những câu hỏi về đời tư cá nhân do các luật sư đưa ra, Hội đồng Xét xử chấp thuận quyền từ chối trả lời của các bị cáo.
Các nhóm luật sư bào chữa cho từng bị cáo được trình bày theo nhóm hành vi: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... để làm rõ nội dung vụ án một cách khoa học và logic.
Một số luật sư đặt câu hỏi mang tính chất “mớm cung,” áp đặt câu trả lời ngay trong câu hỏi đã được chủ tọa phiên tòa nhắc nhở kịp thời, đảm bảo quyền và lợi tích hợp pháp cho các bị cáo trong tranh tụng.
Những câu hỏi của các luật sư đưa ra trùng với câu hỏi của Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, hoặc đã được các bị cáo trình bày trước đó... đều được Hội đồng xét xử yêu cầu chuyển sang câu hỏi khác để tránh mất thời gian của phiên tòa.
Tuy vậy, trong phiên tòa xét xử “đại án” này, một số luật sư chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, không chuẩn bị câu hỏi chu đáo, được thẩm phán chủ tọa tạo điều kiện cho thêm thời gian nghiên cứu, nắm chắc lại nội dung có trong hồ sơ và chuẩn bị câu hỏi chu đáo trước khi tham gia xét hỏi.
Trong phần trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đã nhiều lần đề nghị vị luật sư này nghiên cứu kỹ, đọc lại tài liệu, lời khai có trong hồ sơ vụ án... trước khi đặt câu hỏi với bị cáo.
Quá trình xét hỏi, Hội đồng Xét xử đã tiến hành cách ly 3 bị cáo: Hoàng Văn Hưng, Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa) và Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) nhằm đảo bảo cho việc khai báo được khách quan. Đây là 3 bị cáo không thừa nhận hành vi từ giai đoạn điều tra vụ án.
Tuy nhiên, quá trình xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đã thừa nhận hành vi nhận hối lộ và nội dung cáo trạng truy tố là đúng. Đó là kết quả của việc Hội đồng Xét xử tiến hành xét hỏi khoa học, bám sát chứng cứ của vụ án một cách thuyết phục.
Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến tháng 7/2021, Nguyễn Thị Hương Lan là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, đến tháng 7/2021 được bổ nhiệm làm Cục trưởng, thực hiện quản lý, phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay.
Bị cáo cũng trực tiếp báo cáo Tô Anh Dũng (khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) duyệt, ký công văn gửi Tổ 4 Bộ/5 Bộ về việc đề xuất cho doanh nghiệp tham gia tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.
Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, 8 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ và được Nguyễn Thị Hương Lan đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ trong việc cấp phép chuyến bay nhanh chóng.
Trong quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, Nguyễn Thị Hương Lan đã nhiều lần nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp.
Viện Kiểm sát xác định bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ 33 lần, tổng cộng hơn 25 tỷ đồng.
Trước đó, trong giai đoạn điều tra, bị cáo Hương Lan không thừa nhận số tiền 25 tỷ đồng mà chỉ khai nhận 900 triệu đồng và một số quà cáp.
Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.
Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.
Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.
Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”
54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố:
21 bị cáo về tội “Nhận hối lộ.”
23 bị cáo về tội “Đưa hối lộ."
4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."
4 bị cáo về tội “Môi giới hối lộ."
1 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."
1 bị cáo về cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ."
Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)
đây là vụ án trong đó có rất nhiều những đối tượng từng nắm giữ những vị trí cốt cán trong các cơ quan bộ máy nhà nước, mang tính nghiêm trọng trong mức độ nguy hiểm của tội phạm mà các đối tượng này gây ra, vì vậy phải có những hình thức xử lí thật nghiêm minh đối với những trường hợp này
Trả lờiXóa