Khoai@
Liên quan đến vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng, do không có tài liệu và không nắm chắc những thông tin và tình tiết của vụ án, nên tôi đăng lại 2 bài viết của báo Tiền Phong và Tuổi trẻ được xuất bản từ năm 2015 để anh em đọc tham khảo.
Cá nhân tôi không khẳng định được Chưởng có bị oan hay không và tôi nghĩ, chỉ bằng cách tham khảo các bài viết dưới đây của báo chí chính thống cũng không thể khẳng định được. Và kết luận cuối cùng thuộc về các cơ quan tố tụng.
***
Liên quan đến vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng, do không có tài liệu và không nắm chắc những thông tin và tình tiết của vụ án, nên tôi đăng lại 2 bài viết của báo Tiền Phong và Tuổi trẻ được xuất bản từ năm 2015 để anh em đọc tham khảo.
Cá nhân tôi không khẳng định được Chưởng có bị oan hay không và tôi nghĩ, chỉ bằng cách tham khảo các bài viết dưới đây của báo chí chính thống cũng không thể khẳng định được. Và kết luận cuối cùng thuộc về các cơ quan tố tụng.
***
Bài 1: Bản án tử hình và lời kêu oan của hai anh em bị cáo
“Khi xét hỏi các bị cáo, không được quên một nguyên tắc: có thể họ không phạm tội. Chúng ta phải chú ý đến các chứng cứ cởi tội cho họ, trước khi đi sâu làm rõ các chứng cứ cột tội”.
Câu nói của một lãnh đạo ngành Toà án không chỉ đúng với các thẩm phán, mà đúng với cả các nhà báo, khi họ viết bài về những vụ án có nhiều uẩn khúc, có dấu hiệu oan sai.
Bài viết này không ngoài mong muốn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có thêm nguồn chứng cứ và sự thận trọng để làm rõ các uẩn khúc của vụ án, tránh làm oan cho người vô tội.
Vụ án mạng trong đêm
Người dân dọc tuyến đường từ cảng Hải Phòng ra bán đảo Đình Vũ chưa quên buổi tối 14/7/2007.
Khoảng 21 giờ, đúng lúc trời đổ cơn mưa nặng hạt, nhiều tiếng súng bỗng vang lên trong màn mưa. Vài bảo vệ nhà máy thép gần đó vội chạy đến, họ thấy một người đàn ông bị nhiều vết chém nằm ngất lịm trên mặt đường. Nạn nhân nhanh chóng được đưa tới bệnh viện, nhưng đã qua đời vào sáng hôm sau, do các vết thương quá nặng.
Vụ án mạng gây xôn xao dư luận TP cảng, bởi người bị hại là một sỹ quan công an - Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, Công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng. Bốn vỏ đạn trên hiện trường được xác định văng ra từ khẩu súng do Thiếu tá Sinh bắn.
Hung thủ để lại hai vết chém vào đầu và bốn vết chém vào lưng nạn nhân, trong đó nặng nhất là vết chém vào vùng thái dương gây vỡ hộp sọ dẫn đến tử vong.
Pháp y xác định các vết thương cùng do vật sắc gây nên, tuy nhiên không thể khẳng định có nhiều hung khí khác nhau hay duy chỉ một hung khí.
Nhiều đơn vị Công an Hải Phòng đồng loạt được huy động phá án. Sau khoảng nửa tháng, báo chí dẫn nguồn tin từ Công an TP cho biết ba đối tượng gây ra cái chết cho Thiếu tá Sinh đã bị bắt.
Đó là Vũ Toàn Trung, sinh 1984; Đỗ Văn Hoàng, sinh 1985, cùng quê Kiến Thụy, Hải Phòng; đối tượng thứ ba là Nguyễn Văn Chưởng, sinh năm 1983, quê Kim Thành, Hải Dương. Cả ba được xác định đều là con nghiện, trong một cơn đói thuốc đã tổ chức đi cướp để lấy tiền mua ma túy.
Nguyễn Văn Chưởng nguyên là chủ quán cà phê đèn mờ Thiên Thần nằm ngay mặt đường từ cảng Hải Phòng ra bán đảo Đình Vũ. Quán này đóng cửa ngay sau khi vụ án xảy ra, khiến các trinh sát công an chú ý, và theo hướng điều tra đó, vụ án nhanh chóng được khám phá.
Sau khi gây án, cả Trung, Hoàng trốn về quê ở Kiến Thụy, còn vợ chồng Chưởng đi thuê nhà nơi khác trong TP.
Mở rộng điều tra, công an Hải Phòng bắt thêm Nguyễn Thị Lan Phương tức Hằng “Tây”. Phương là “bồ” của Trung, bị bắt về hành vi che giấu tội phạm. Một đối tượng nữa cũng bị bắt về hành vi che giấu tội phạm là Nguyễn Trọng Đoàn, em trai Chưởng.
Dư luận và công luận hoan nghênh việc khám phá nhanh vụ án. Các đơn vị tham gia phá án được khen thưởng kịp thời. Hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, Thiếu tá Sinh đã được truy tặng danh hiệu liệt sỹ.
3/5 bị cáo thay đổi lời khai!
Ngày 12/6/2008, TAND TP Hải Phòng đã mở phiên toà sơ thẩm vụ án “Nguyễn Văn Chưởng và đồng bọn giết người, cướp tài sản”.
Theo Cáo trạng của Viện KSND TP Hải Phòng thì tại CQĐT, cả ba bị cáo Chưởng, Trung, Hoàng đều đã khai nhận trực tiếp tham gia giết Thiếu tá Sinh. Tại phiên toà sơ thẩm, HĐXX đã cách ly các bị cáo để thẩm vấn.
Bị cáo đầu tiên được xét hỏi là Vũ Toàn Trung. Trung trả lời phù hợp Cáo trạng, ngoại trừ nguyên nhân giết Thiếu tá Sinh, Trung cho rằng “không phải để cướp của, mà anh Chưởng nhờ”, “do anh Chưởng bán quán có mâu thuẫn”.
Sau khi gây án, Trung có kể với Phương “anh Chưởng vừa nhờ bọn anh đi chém người”. Tuy nhiên, lời khai này của Trung không được HĐXX đi sâu làm rõ.
Người tiếp theo bị thẩm vấn là bị cáo Nguyễn Thị Lan Phương tức Hằng “Tây”. Phương trình bày phù hợp với lời khai của Trung.
Tiếp đến bị cáo Nguyễn Văn Chưởng. Câu đầu tiên của Chưởng: “Toàn bộ Cáo trạng hoàn toàn sai sự thật”. Chưởng phủ nhận đã tham gia cùng Trung, Hoàng giết người tối 14/7/2007.
Trước toà, Chưởng khẳng định tối ấy, Chưởng đi cùng người bạn tên là Trường về quê. HĐXX hỏi “Tại sao trong hồ sơ, bị cáo lại khai cùng Trung, Hoàng đi cướp?”, Chưởng đáp “Vì bị bức cung, nhục hình”.
Về diễn biến tối 14/7/2007, Chưởng khai: Chưởng đi cùng Trường đến nhà Tuất chơi, ngồi một lát thì ra xem thiếu nhi sinh hoạt hè, sau đó trên đường về gặp chị Mến, do trời đổ mưa nên vào nhà chị Mến ngồi chơi tránh mưa...
HĐXX trích dẫn nhiều bút lục có trong hồ sơ để khẳng định việc Chưởng khai bị bức cung, nhục hình là không có cơ sở.
Bị cáo tiếp theo được thẩm vấn là Nguyễn Trọng Đoàn. Theo Cáo trạng, tại CQĐT Đoàn khai biết việc anh mình tham gia giết người do báo chí đưa tin. Vì thương anh, Đoàn đã vận động một số người trong làng khai Chưởng có đến nhà họ tối 14/7/2007, nhằm trốn tội cho anh.
Trước toà, Đoàn đã thay đổi lời khai, khẳng định do nghe được bạn của Chưởng là anh Trường nhắc cho biết hôm đó Chưởng đi cùng Trường về quê, nên Đoàn đã tìm gặp một số người làng nhờ xác minh chứng cứ ngoại phạm cho anh. Đoàn cũng trình bày tại CQĐT Đoàn đã bị bức cung nên đã khai không đúng sự thật.
Bị cáo cuối cùng được thẩm vấn là Đỗ Văn Hoàng. Khá bất ngờ, trước toà Hoàng cũng thay đổi lời khai, phủ nhận việc đã cùng Chưởng, Trung tham gia giết Thiếu tá Sinh tối 14/7/2007. “Bị cáo không đi cùng Trung, Chưởng, bị cáo khai như vậy là vì bị nhiều áp lực tại CQĐT”.
Các nhân chứng trình bày những gì?
Ngay trong phần xét hỏi bị cáo Chưởng, HĐXX đã hỏi thêm nhân chứng Nguyễn Thị Bảy (vợ Chưởng), người đã khai tại CQĐT rằng tối 14/7/2007, Chưởng có mặt tại Hải Phòng chứ không phải về quê.
Trước toà, chị Bảy thay đổi lời khai, khẳng định tối đó chồng mình không có mặt tại Hải Phòng, chị Bảy khai tại CQĐT như vậy là do đang mang thai, sợ bị bắt giam.
HĐXX tham khảo ý kiến luật sư Chu Văn Chiến, người có mặt tại buổi đối chất giữa Chưởng với Trung, Hoàng. Luật sư Chiến nhận xét: “Thái độ hỏi, cách hỏi không khách quan”. Quan điểm của luật sư Chiến không được HĐXX chấp nhận, với lý do trong biên bản đối chất luật sư Chiến không ghi như vậy.
Những người được thẩm vấn tiếp theo là Lục Thị Nhiễu, Trần Quang Tuất, Vũ Thị Mến. Theo hồ sơ, đây là những nhân chứng đã viết đơn tạo chứng cứ ngoại phạm cho Chưởng. Trước toà, chị Nhiễu, chị Mến không phủ nhận Chưởng có đến quán hoặc đến nhà họ vào buổi tối, nhưng cụ thể là ngày nào thì họ không nhớ.
Do là người cùng làng, lại có họ xa, nên khi Đoàn đến nhờ xác nhận rằng Chưởng đã gặp họ đúng vào tối 14/7/2007, họ nể nên đã xác nhận. Tuy nhiên, khi được CQĐT gọi hỏi, họ đã khai lại...
Nhân chứng Tuất trước toà vẫn trình bày đúng những gì Tuất đã trình bày với các PV Tiền phong: Tối 14/7/2007, Chưởng đi cùng một người bạn đến nhà Tuất. Tuất nhớ chính xác ngày tháng, vì hôm đó nhà Tuất thu hoạch dưa hấu, lại trùng vào ngày mùng Một âm lịch.
HĐXX hỏi: “Vì sao tại CQĐT anh đã rút lại lời khai này?”, Tuất đáp: “Do tôi bị đấm, bị còng tay vào ghế, bị giữ suốt cả ngày và dọa bắt, nên tôi sợ”.
Mức án cao nhất: Tử hình
Công tố viên hoàn toàn bác bỏ lời khai tại toà của các bị cáo Chưởng, Hoàng, Đoàn, cũng như lời trình bày của các nhân chứng Tuất, Bảy, đồng thời nhận định lời khai của Trung, Phương tại toà là thành khẩn, các tình tiết, chứng cứ đã được làm rõ, có căn cứ để khẳng định các bị cáo đã có hành vi như trong Cáo trạng. Công tố viên đánh giá Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu, đồng thời trực tiếp tham gia giết người.
Hoàng là người chém vào đầu, gây ra vết thương dẫn đến cái chết cho nạn nhân. Trung chém vào lưng nạn nhân, giữ vai trò thấp nhất trong ba bị cáo. Công tố viên đề xuất các mức hình phạt rất nặng cho các bị cáo, trong đó Chưởng bị đề xuất mức án cao nhất.
Luật sư Chu Thanh Nhân (Đoàn luật sư Hải Dương) bào chữa cho bị cáo Đoàn đưa ra ý kiến: Các nhân chứng Nhiễu, Tuất, Mến đều khai khi họ gặp Chưởng, trong nhà họ còn có nhiều người khác; nếu coi lời khai của họ là không khách quan, CQĐT cần lấy thêm lời khai của các nhân chứng khác, ví dụ vợ của Tuất hoặc bố mẹ của Mến.
Luật sư Nhân nhấn mạnh trong hồ sơ chưa thấy CQĐT thực hiện việc này. Luật sư Nhân cho rằng bị cáo Đoàn có lỗi, tuy nhiên trong lỗi của Đoàn cũng có cả lỗi của các nhân chứng, họ đã thiếu cương quyết, cả nể, nên đã xác nhận cho Đoàn sự việc mà họ không nhớ chính xác.
Được nói lời cuối cùng, Chưởng kêu oan và nói “không muốn mình là kẻ thế chân cho người khác”; Trung “đã nhận ra lỗi lầm” và “xin lỗi gia đình người bị hại”; Hoàng tiếp tục khẳng định không có hành vi tham gia giết người; Đoàn thì xin HĐXX “đừng nhìn vào bản cung mà đánh giá tội”.
Vào cuối giờ chiều ngày 12/6/2008, HĐXX phiên toà sơ thẩm đã tuyên đọc bản án. Theo đó, Chưởng bị tuyên mức án tử hình, Hoàng tù chung thân, Trung 23 năm tù giam, cho cả hai tội giết người và cướp tài sản. Đoàn 2 năm tù giam cho tội “che giấu tội phạm”. Phương 24 tháng tù treo cho tội “không tố giác tội phạm”, và được trả tự do tại toà.
Vẫn ngổn ngang những uẩn khúc!
Trước hết là động cơ của việc giết người. Trung khai “do Chưởng nhờ”. Chưởng, Hoàng phủ nhận hành vi phạm tội. Tiếp đến là vết thương vùng đầu của nạn nhân còn thiếu chứng cứ chắc chắn để nhận định do Hoàng gây nên.
Nhưng diễn biến đáng chú ý nhất tại phiên tòa chính là lời khai của bị cáo Chưởng. Nó cho phép các PV khẳng định lại vấn đề trước đây Tiền phong đã nêu: tối 14/7/2007, rất có thể Chưởng không có mặt tại Hải Phòng, mà có mặt tại quê, xã Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương.
Trong hồ sơ không thể hiện trước khi bị bắt, Chưởng đã bàn bạc với Đoàn về việc sẽ khai báo gian dối ra sao nhằm trốn tội cho Chưởng. Nói cách khác, nếu Đoàn vận động một số người khai báo sai sự thật, những lời khai đó đương nhiên chỉ là “tác phẩm” do trí tưởng tượng của Đoàn dựng nên. Quá trình bị tạm giam, Chưởng và Đoàn bị cách ly, đương nhiên CQĐT không thể cho Chưởng đọc lời khai của em trai mình.
Vì vậy, lời khai trước toà của Chưởng chính là bài “test” đáng tin cậy để kiểm chứng các lời khai của Đoàn, và của các nhân chứng như anh Tuất, bà Bích, chị Bảy.
Tại phiên tòa Chưởng khai phù hợp với lời khai của Đoàn (Chưởng được thẩm vấn trước Đoàn), cũng như phù hợp với lời khai của các nhân chứng Tuất, Bảy. Đây là căn cứ để các PV đưa ra nhận định đã nêu ở trên: Chưởng rất có thể đã có mặt tại xã Bình Dân, rất có thể đã đến nhà Tuất, đã ra xem thiếu nhi sinh hoạt hè, rồi qua nhà chị Mến, vào đúng buổi tối 14/7/2007. Bởi đơn giản, nếu đây là lời khai gian dối của Đoàn thì Chưởng không thể nào khai phù hợp với Đoàn được!
Cần nói rõ, quan điểm của những người viết bài này là Cho dù Chưởng có về quê tối 14/7/2007, điều đó không đồng nghĩa Chưởng hoàn toàn vô can trong vụ giết Thiếu tá Sinh. Nếu chú ý đến lời khai của Trung tại toà, người ta có quyền nghi vấn về việc có thể Chưởng đã “nhờ” Trung ra tay hãm hại Thiếu tá Sinh vì một mâu thuẫn nào đó.
Nhấn mạnh lời khai tại toà của Chưởng, các PV muốn được lưu ý các cơ quan tiến hành tố tụng của vụ án cần chú ý đến lời kêu oan của bị cáo Đoàn. Qua diễn biến của phiên toà sơ thẩm, đã có thể nhận thấy lời kêu oan của Đoàn là có căn cứ.
Những người viết bài này hy vọng vào sự sáng suốt của phiên toà phúc thẩm. Với một vụ án còn quá nhiều uẩn khúc, với mức án cao nhất cho bị cáo đang có lời kêu oan, thì việc hủy bản án sơ thẩm để điều tra và xét xử lại là hết sức cần thiết, đấy chính là mong đợi của đông đảo những người đã dự phiên tòa sơ thẩm.
Tổ PV Pháp luật
Bài 2: Thêm một tử tù kêu oan
Ðó là tử tù Nguyễn Văn Chưởng (31 tuổi, quê Hải Dương) đang chờ thi hành án tử hình tại trại tạm giam Trần Phú, TP Hải Phòng.
Tám năm kể từ khi xảy ra vụ án mạng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình vẫn đang có nhiều đơn kêu oan đề nghị các cấp xem xét lại bản án.
Một số tình tiết chưa được làm rõ
Theo bản án sơ thẩm ngày 12-6-2008 của Tòa án nhân dân TP Hải Phòng, ngày 14-7-2007 Vũ Toàn Trung và Ðỗ Văn Hoàng đi xe máy đến quán cà phê của Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng để vay tiền mua heroin.
Chưởng hẹn với Trung và Hoàng buổi tối quay lại để cùng nhau đi cướp. 8g cùng ngày, cả ba chuẩn bị dao, kiếm đi theo hướng cảng nước sâu Ðình Vũ (Hải An, Hải Phòng).
Trên đường đi, cả nhóm gặp anh Nguyễn Văn Sinh là cán bộ Công an phường Ðông Hải. Khi anh Sinh dừng xe nghe điện thoại, Chưởng và đồng bọn dùng dao chém nhiều nhát làm anh Sinh tử vong.
Xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP Hải Phòng tuyên phạt năm bị cáo: Nguyễn Văn Chưởng tử hình về tội giết người, 4 năm tù về tội cướp tài sản.
Ðỗ Văn Hoàng tù chung thân về tội giết người, 3 năm tù về tội cướp tài sản. Vũ Toàn Trung 20 năm tù về tội giết người, 3 năm tù về tội cướp tài sản.
Nguyễn Thị Lan Phương 12 tháng tù (án treo) về tội không tố giác tội phạm. Em trai của Chưởng là Nguyễn Trọng Ðoàn (27 tuổi) cũng phải lãnh 2 năm tù về tội che giấu tội phạm.
Sau phiên tòa, Nguyễn Văn Chưởng, Ðỗ Văn Hoàng và Nguyễn Trọng Ðoàn kháng cáo. Tại hai phiên tòa, cả ba bị cáo này đều kêu oan, không nhận tội. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo, y án sơ thẩm.
Năm 2011, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm.
Quyết định kháng nghị nêu rõ vụ án có một số vấn đề cần phải làm rõ, đề nghị xem xét về phần hình phạt theo hướng giảm nhẹ cho Nguyễn Văn Chưởng từ tử hình xuống chung thân.
Tuy nhiên tháng 12-2011, Tòa án nhân dân tối cao có quyết định giám đốc thẩm, không chấp nhận kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao, giữ nguyên án phúc thẩm.
Lời kêu oan trải dài 8 năm
Tám năm qua, tử tù Nguyễn Văn Chưởng, bố mẹ Chưởng là ông Nguyễn Trường Chinh, bà Nguyễn Thị Bích và một số luật sư có rất nhiều đơn kêu oan gửi các cấp đề nghị xem xét lại bản án.
Thời gian gần đây, biết con sắp bị thi hành án, vợ chồng ông Chinh càng thêm lo lắng. Ông Chinh - bà Bích phải cầm cố nhà cửa và lang thang ở TP Hà Nội nhiều tháng nay kêu oan cho con.
Luật sư Hoàng Văn Quánh (Ðoàn luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ cho Nguyễn Văn Chưởng ở phiên phúc thẩm, cho biết tại tòa cả hai anh em Chưởng khai bị đánh đập nên phải nhận tội. Các bản cung phía dưới chữ ký Chưởng đều viết chữ “EC” (tức bị ép cung).
Hồ sơ vụ án có một số tài liệu bị mất, biên bản xác định thương tích trên người bị cáo Chưởng khi Chưởng về trại tạm giam Trần Phú do giám thị trại giam lập, có y sĩ trại giam chứng kiến nhưng không có trong hồ sơ.
Khi bị bắt, Chưởng bị tịch thu điện thoại. Bị cáo và luật sư đề nghị cơ quan điều tra khôi phục cuộc gọi và xác định xem Chưởng có mặt tại Hải Phòng vào tối 14-7 hay không nhưng yêu cầu này cũng không được thực hiện.
Ðôi dép, khẩu trang màu xanh và thanh đoản kiếm thu giữ tại hiện trường thì cơ quan điều tra không làm rõ của ai. Quần dài và áo lót của nạn nhân là tang vật thu giữ, sau đó bị hủy mà không hiểu vì lý do gì.
Quá trình tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra, các luật sư bị Công an TP Hải Phòng gây khó dễ, kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận bào chữa, không cho tiếp xúc với bị can. Họ phải gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công an, Viện KSND tối cao và phó thủ tướng Chính phủ.
“Bài bào chữa của tôi dành cho Chưởng dài 23 trang với gần 20 vấn đề đặt ra đề nghị tòa và viện xem xét không được chấp nhận. Tôi cho rằng việc kết tội Chưởng giết người là chưa có cơ sở” - luật sư Quánh nhấn mạnh.
Bị án có chứng cứ ngoại phạm?
Theo cáo trạng và các bản án thì sau khi gây án, sáng 15-7 Chưởng từ Hải Phòng về Hải Dương, tuy nhiên nhiều nhân chứng lại nói Chưởng có mặt tại Hải Dương vào đêm 14-7.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Trọng Ðoàn (em trai Chưởng, chấp hành xong hình phạt tù) tại xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Ðoàn cho biết năm 2007, hai anh em đi làm tại Hải Phòng, cứ cuối tuần lại đi xe máy về quê thăm bố mẹ. Theo anh Ðoàn, chiều 14-7, anh từ Hải Phòng về quê trước. Chưởng và bạn là Trịnh Xuân Trường về sau.
Khoảng 7g tối 14-7, Ðoàn ra quán Internet và đợi Chưởng về để lấy xe máy đi chơi. Sau khi Chưởng về thì ghé quán Internet đưa xe cho em trai, về nhà ăn cơm với bố mẹ, ra nhà văn hóa xem văn nghệ, rồi đến một số nhà bạn bè chơi.
Khi anh trai bị bắt, Ðoàn đi xin xác nhận của những người làm chứng để nộp cho công an thì bị bắt luôn. Sau khi Ðoàn bị bắt, tất cả các nhân chứng này đều thay đổi lời khai, nói rằng có gặp Chưởng tại Hải Dương nhưng không nhớ rõ có phải đêm 14-7 hay không.
Trong số các nhân chứng có anh Trần Quang Tuất (32 tuổi). Lời khai của anh Tuất ở cơ quan điều tra thể hiện không nhớ rõ đêm Chưởng về quê.
Sau đó anh Tuất có đơn xác nhận lại và tại tòa sơ thẩm, anh đều khai rõ: đêm 14-7, Chưởng ghé nhà anh chơi.
Khi bị triệu tập đến cơ quan điều tra, anh bị đánh đập nên mới phải khai không nhớ rõ ngày. Sau đó về suy nghĩ lại thấy áy náy, anh và vợ làm đơn khẳng định tối 14-7 có gặp Chưởng tại Hải Dương.
Anh Trịnh Xuân Trường (28 tuổi) cũng có đơn xác nhận nêu rõ tối 14-7, anh cùng Chưởng về Hải Dương chơi và đến nhà một số bạn bè. Nhưng khi được triệu tập lên Công an TP Hải Phòng, bị nhục hình anh phải xác nhận theo công an là sáng 15-7 mới cùng Chưởng về quê.
Cần xem xét lại
Ông Lê Đình Khanh, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết: “Tôi đọc qua hồ sơ vụ án và thấy còn có nhiều vấn đề. Vụ án có năm bị cáo thì ba bị cáo kêu oan.
Tôi cũng phân vân, đây là vụ giết thiếu tá công an phường, liệu Công an TP Hải Phòng có vì điều đó mà làm không khách quan hay không?
Mọi việc phải được xem xét cẩn trọng. Tôi xem lại vụ việc và sẽ báo cáo lên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Có thể đưa vụ án này vào những vụ án cần thiết phải xem xét, rà soát lại”.
Được biết, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được hồ sơ do gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng và các luật sư gửi đến. Theo ông Lê Đình Khanh, trong cuộc họp sáng nay (23-12) tại Hà Nội, ông sẽ báo cáo vụ việc cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét