Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội khóa XV về 4 dự án luật gồm: Luật Căn cước; Luật về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật về Công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh và động viên công nghiệp (ĐVCN).
Mới đây Cục Truyền thông CAND đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm trao đổi về 4 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và đề xuất trình Quốc hội khóa XV, cũng như thông tin liên quan đến việc đấu giá biển số xe.
Tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong cho biết, trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV, sẽ tiến hành ý kiến và thông qua các dự án: Luật về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; Luật Căn cước và xem xét, ý kiến về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật về CNQP, an ninh và ĐVCN. Đồng thời, đã triển khai việc đấu giá biển số xe ô tô, tạo điều kiện thuận lợi và cải cách thủ tục hành chính để gia tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời đáp ứng mong muốn của người dân.
Theo ông Phong, lãnh đạo Bộ Công an đã giao nhiệm vụ này cho Cục Truyền thông CAND, cơ quan đầu mối hợp tác với các cơ quan báo chí Trung ương để xây dựng kế hoạch tuyên truyền về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trình bày trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua nội dung và hình thức phong phú, thiết thực, chính xác, kịp thời, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Buổi tọa đàm tập trung vào việc trao đổi, làm rõ sự cần thiết của việc ban hành, quan điểm, hướng dẫn và các nội dung cơ bản của các chính sách, đặc biệt là các điểm mới, điều chỉnh trong các dự án luật và các thủ tục liên quan đến việc đấu giá biển số xe ô tô.
Sau buổi tọa đàm, Cục Truyền thông CAND sẽ tổ chức cho phóng viên đi thực tế tại các địa bàn cơ sở để phản ánh chân thực, khách quan và sinh động về công tác, nhiệm vụ của lực lượng Công an, từ đó làm nổi bật tính cần thiết khi ban hành các dự án luật và hưởng ứng sự đồng thuận, ủng hộ từ các tầng lớp nhân dân.
Tại buổi toạ đàm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp đã trình bày về sự cần thiết phải ban hành các bộ luật; giải đáp những vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến các dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ 6.
Đối với dự án Luật Căn cước, ông cho biết dự thảo luật đã bổ sung quy định về quản lý và cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng như cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền lợi và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Điều này cũng giúp phát huy giá trị và tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động số hóa của Chính phủ và xã hội. Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ tùy thuộc vào nhu cầu, còn đối với người từ 14 tuổi trở lên thì là bắt buộc.
Về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân vào thẻ căn cước. Thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước. Điều này giúp giảm giấy tờ cần mang theo, tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch dân sự, chuyển đổi số, cải thiện thủ tục hành chính như thông tin về bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, và nhiều loại giấy tờ khác.
Ngoài ra, những hạn chế của Luật Căn cước công dân năm 2014 như không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam đang sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, cũng được bổ sung, chỉnh lý tại dự án Luật Căn cước.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cũng nhấn mạnh về sự cần thiết của việc tách Luật Đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tập trung điều chỉnh yếu tố động liên quan đến an toàn giao thông đường bộ. Ông cũng đã đề cập đến cơ sở chính trị, thực tiễn và pháp lý để xây dựng dự án Luật về CNQP, an ninh và ĐVCN do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng soạn thảo.
Giải đáp câu hỏi mà dư luận quan tâm về Điều 33 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định "xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe", đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết: Với xe kinh doanh vận tải, pháp luật hiện hành đã quy định bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Còn với ô tô cá nhân, Bộ Công an chỉ đưa ra phương án khuyến khích, chưa bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình.
Nguồn: Minh Đức - Linh Chi
Tiền Phong Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét