"Vinh hoa bõ lúc phong trần
Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày"
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc đến hai câu thơ trong truyện Kiều khi đáp từ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong tiệc chiêu đãi cấp nhà nước hôm qua (11/9). Nhà lãnh đạo nước Mỹ nói thêm "đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước mắt"…
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, từ ngày 10-11/9, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc tốt đẹp, mở ra "một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững", như lời văn của Tuyên bố chung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phủ Chủ tịch, chiều 10/9 (Ảnh: Mạnh Quân).
Giữa mùa thu Hà Nội, cuộc gặp lại trực tiếp của hai nhà lãnh đạo là "duyên lành" theo góc nhìn văn hóa truyền thống của người Việt Nam, vì cuộc gặp ấy mang đến nhiều điều tốt đẹp cho hai đất nước vốn đã có nhiều thăng trầm trong lịch sử.
Nói là gặp lại trực tiếp bởi đây là lần thứ hai, ông Joe Biden gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau lần trên cương vị Phó Tổng thống, ông chủ trì cuộc chiêu đãi người đứng đầu Đảng ta thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama năm 2015.
Nhớ lại, cuộc chiêu đãi mà Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden năm ấy dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo tường thuật của báo chí, đã diễn ra hết sức cởi mở, chân thành và để lại ấn tượng sâu sắc khi ông Biden dùng hai câu Kiều để nói về mối quan hệ Mỹ - Việt:
"Trời còn để có hôm nay
an sương đầu ngõ vén mây giữa trời"
Đúng là sương đã tan nơi đầu ngõ, hãy cùng nhau vén mây để cho bầu trời quang đãng, để quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, bền vững. Dù với quốc gia nào, hướng đến hạnh phúc của người dân luôn là nền tảng văn hóa để khỏa lấp những khác biệt, tạo nên một thế giới yên bình, hợp tác và phát triển trong tương lai!
Lẩy hai câu Kiều, nhà lãnh đạo Mỹ đã dùng văn hóa để diễn đạt một cách sinh động quan hệ ngoại giao cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước. Nếu nói chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 là chuyến thăm lịch sử thì cuộc chiêu đãi, trao đổi kể trên cũng đã trở thành một phần của lịch sử, tạo nên sự kết nối tốt đẹp ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo.
Phát biểu với báo chí sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden chiều tối 10/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ: "Tôi luôn lưu giữ những kỷ niệm tốt đẹp về sự đón tiếp trọng thị của Chính phủ Hoa Kỳ và tình cảm của nhân dân Hoa Kỳ trong chuyến thăm của tôi vào tháng 7 năm 2015, đặc biệt là cuộc trao đổi chân tình, thú vị của tôi và Ngài Joe Biden trong chuyến thăm"…
"Duyên lành" nối tiếp. Tháng 11/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi điện mừng Tổng thống Joe Biden đắc cử. Đến tháng 1 năm sau, khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức, Tổng Bí thư Đảng ta tiếp tục gửi điện mừng. Cả hai bức điện đều bày tỏ tin tưởng quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển.
Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng thống Joe Biden cũng đã gửi thư chúc mừng, bày tỏ trân trọng những cam kết của Tổng Bí thư trong thúc đẩy hợp tác và quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ, mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ giữa hai nước. Ông Biden khẳng định luôn tự hào ủng hộ mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời nhấn mạnh, quan hệ hai bên được xây dựng "dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, tháng 5/2016, Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam. Rồi chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump tháng 11/2017 và giờ là Tổng thống Joe Biden. Có thể thấy, dù có sự thay đổi lãnh đạo ở Nhà trắng, thì mối quan hệ với Việt Nam vẫn luôn tiếp nối và được nước Mỹ coi trọng.
Từ dấu ấn chuyến thăm Mỹ năm 2015, đến các bức điện, thư chúc mừng, nhất là cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Đảng ta và Tổng thống nước Mỹ hôm 29/3 năm nay và kết quả chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden, 8 năm là một chặng đường không phải dài trong lịch sử nhưng hai nước đã đạt nhiều bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Những kết quả quan trọng từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam đã được đề cập cụ thể trong Tuyên bố chung , tôi xin không nhắc lại ở đây. Chỉ xin nêu một vài con số trong lĩnh vực kinh tế. Từ mức 450 triệu USD năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ đã nâng lên gần 140 tỷ USD năm 2022, tăng hơn 300 lần.
Trong 10 năm là "Đối tác toàn diện", kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã tăng hơn 5,5 lần (từ 25 tỷ USD năm 2012 lên gần 139 tỷ USD vào năm 2022). Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD của Việt Nam. Và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ; quốc gia thành viên ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ…
Về đoàn cấp cao, lần đầu tiên trong một nhiệm kỳ, cả Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ đều đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, tiếp tục cho thấy phía Mỹ luôn xác định "Việt Nam là một quốc gia quan trọng trên thế giới và trong khu vực", và chắc chắn rằng sẽ mở ra chương mới, đưa quan hệ hai quốc gia lên tầm cao mới.
Từ hai nước đối đầu trong quá khứ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững". Thành quả này được xây đắp và thử thách qua quá trình bền bỉ, lâu dài của nhân dân cũng như các nhà lãnh đạo hai nước. Đây cũng chính là hiện thực hóa niềm mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi ngay từ những ngày đầu lập nước, Người đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman, khẳng định "mục tiêu của Việt Nam là độc lập hoàn toàn và hợp tác đầy đủ với Mỹ".
"Vinh hoa bõ lúc phong trần. Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày". Chúng ta không thể nào quên những nỗ lực vượt qua khổ đau trong quá khứ để nắm bắt cơ hội ở hiện tại và tiềm năng trong tương lai, đưa đến những triển vọng lớn lao về sự thịnh vượng cho người dân hai nước.
Đó cũng chính là một trong những lý do sâu xa hai nước Việt - Mỹ xác lập mối quan hệ "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững"; cùng nhau vượt qua thách thức, cùng nhau đón nhận tương lai tươi sáng và năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nguồn: Dân trí
Nguồn: Dân trí
Với việc Tổng thống Mỹ sang thăm nước ta để khẳng định việc nâng tầm quan hệ giưa hai nước là điều rất tích cực trong dài hạn cho kinh tế của nước nhà, đây cũng là điều mà hàng chục năm trước không ai dám nghĩ đến, những hệ quả của chiến tranh sẽ được đẩy mạnh hàn gắn hơn, Việt Nam sẽ dần có vị thế hơn trên trường quốc tế
Trả lờiXóa