Chia sẻ

Tre Làng

Bắt giữ người trái pháp luật

Khoai@

Tôi mới đọc được bài "Bắt khẩn cấp đối tượng nổ súng bắt giữ người trái pháp luật" trên VTV. Theo đó, ngày 28/10, Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương, phối hợp Công an huyện Bắc Tân Uyên truy xét, bắt giữ nhanh Lê Hùng Minh để điều tra, làm rõ hành vi nổ súng, bắt giữ người trái pháp luật trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên.

Lê Hùng Minh bị bắt giữ vì bắt giữ người trái pháp luật.

Tình tiết vụ việc như sau: 10h đêm ngày 25/10, Lê Hùng Minh cùng một người bạn điều khiển xe ô-tô đến một nhà nghỉ trên địa bản xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên tìm gặp chị Y để nói chuyện. Tại nhà nghỉ, Minh yêu cầu chị Y lên xe ô-tô ngồi nói chuyện nhưng chị Y không đồng ý nên Minh đã kéo, ép chị Y phải lên xe.

Chứng kiến cảnh này, anh D đi từ trong nhà nghỉ ra đấm vào mặt của Minh. Sau khi bị đấm, Minh rút ra một cây súng màu bạc và nổ hai phát súng làm anh D bỏ chạy. Sau đó, Minh ôm chị Y lôi lên xe và rời khỏi hiện trường.

Qua truy xét, lực lượng Công an đã bắt giữ được đối tượng Lê Hùng Minh cùng khẩu súng tang vật.

Minh bị bắt vì có hành vi nổ súng, bắt giữ người trái pháp luật.

Đọc báo thấy chuyện bắt giữ người trái pháp luật diễn ra khá phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ việc kém hiểu biết pháp luật. Đôi khi người có hành vi bắt giữ người trái pháp luật lại không biết hành vi của họ là phạm tội.

Vậy, thế nào là bắt giữ người trái pháp luật?

Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, được hiểu là hành vi thực hiện bắt, tạm giữ, tạm giam người không đúng với qui định của pháp luật. Trái pháp luật có thể là không đúng thẩm quyển nhưng đúng thủ tục mà pháp luật quy định.

Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật:

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, điều luật quy định ba tội gồm: Tội bắt người trái pháp luật; Tội bắt giữ người trái pháp luật; và Tội giam người trái pháp luật.

Đối với tội bắt người trái pháp luật: Được thể hiện ở hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc tạm giam họ; Việc khống chế này có thể dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác nhau như trói, còng tay… (sau đó thường là người bị hại bị dẫn về nơi nhất định để tạm giữ hoặc tạm giam);

Đối với tội giữ (tạm giữ) người trái pháp luật: Được thể hiện ở hành vi không cho người bị bắt đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của người phạm tội (như bắt ở trong nhà, bắt ngồi tại chỗ…) trong một thời gian ngắn (thường là dưới 24 giờ).

Đối với tội giam người trái pháp luật: Được thể hiện qua hành vi nhốt người bị bắt vào một nơi trong một thời gian nhất định (như nhốt ở trong buồng, trong trại giam..).

Hành vi bắt giữ, hoặc giam người nói trên phải trái với pháp luật, đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản. Dấu hiệu trái pháp luật được thể hiện: Người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc bắt, giữ, giam người khác; Người có thẩm quyền trong việc bắt, giữ hoặc giam người nhưng thực hiện việc bắt, giữ, giam người không đúng quy định của pháp luật như: Không có lệnh bắt, hoặc khi có lệnh bắt nhưng lai không lập biên bản theo đúng quy định không có người chứng kiến, tạm giam quá thời hạn hoặc bắt sai đối tượng…

Ngoài ra, nếu việc bắt, giữ, giam người trái pháp luật mà có dùng vũ lực dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người bị hại thì người có hành vi nêu trên còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác.

Lưu ý rằng, trường hợp bắt người trái pháp luật nhưng nhằm để chiếm đoạt tài sản (đưa ra yêu sách về tài sản đối với thân nhân của người bị bắt) thì hành vi này cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân mà không cấu thành tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật.

Mục đích của tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng nếu có tương ứng với dấu hiệu cấu thành cơ bản của một tội khác, thì người có hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng đó. Chẳng hạn như: bắt phụ nữ nhằm mục đích bán sang Trung Quốc kiếm tiền thì phạm tội mua bán người; hoặc bắt người trái pháp luật nhưng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì hành vi đó cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp bắt, giữ, giam người trái pháp luật do thiếu trách nhiệm hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém thì người có hành vi đó không phạm lỗi cố ý và đương nhiên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm này.

Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm đến việc bắt, giữ, giam người trái pháp luật. Trong trường hợp chuẩn bị công cụ phương tiện, địa điểm, thời gian, lực lượng để thực hiện tội phạm, nhưng nếu chưa bắt, giữ, giam được người bị hại thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này ở giai đoạn chuẩn vị, hoặc phạm tội chưa đạt.

P/s: Bài tổng hợp từ báo chí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog