Chị Sâm choáng váng khi nhận ra trong bức ảnh nhóm thiếu nữ lột đồ, ăn mặc thiếu vải, hút thuốc phì phèo mà em gái gửi cho có con gái mình.
Con gái ngoan nổi loạn
Trong khi nhiều gia đình khổ sở khi con bước vào tuổi teen nổi loạn, chống đối thì chị Sâm, ở TPHCM, tự tin có hai con ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ răm rắp.
Hai con chị, cậu con trai 11 tuổi và con gái 15 tuổi luôn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bố mẹ. Từ học hành, vui chơi, bạn bè đến cách ăn mặc, hai cháu đều "bố mẹ là nhất", hiếm khi cãi lại hay làm trái.
Người mẹ choáng váng khi phát hiện sự thật về "con gái ngoan" trong nhóm kín (Ảnh minh họa: Pexels).
"Hai chị em ngoan lắm" là câu cửa miệng chị Sâm hay nói về con, như lời khẳng định về cách nuôi dạy con của mình.
Với cô con gái lớn, chị hay nói cháu cao tồng ngồng mà như con nít, ngây thơ, hiền lành, chẳng đua đòi, không dính chuyện yêu đương như những đứa trẻ mới lớn mà chị thường mang ra bêu "nứt mắt đã đú đởn", "trúng con mình thì mình xử tại chỗ".
Rồi một ngày, người mẹ choáng váng khi cô em gái đang là sinh viên một trường đại học gửi cho chị loạt ảnh chụp nhóm nữ sinh lột đồ, ăn mặc thiếu vải, khỏa thân và hút thuốc lá điện tử phì phèo. Cô em hỏi: "Chị nhìn kỹ xem, phải Hằng nhà mình không?".
Chị Sâm chết lặng khi nhận ra con gái mình trong những bức ảnh đó. Cô bé tự tay lột đồ, rồi chỉ khoác trên mình chiếc sơ mi trắng mỏng tanh đã cởi bung cúc, trang điểm mắt xanh, môi tím, trên miệng gắn điếu thuốc chờn vờn khói. Cả nhóm học sinh chụp ảnh trong những tư thế ngả ngốn, kích động, nổi loạn.
Em gái chị phát hiện những bức hình được chia sẻ trong một nhóm kín của giới trẻ.
Khi chị Sâm hỏi, con không chối, không cãi, không trả lời. Lần đầu tiên, người mẹ thấy con... dám im lặng, tỏ thái độ bất cần khi mẹ hỏi. Trong cơn cuồng nộ, chị lao vào giật tóc, xé áo và tát tới tấp vào mặt con gái.
Hình ảnh "con gái ngoan", niềm tự hào lâu nay của chị sụp đổ, kéo theo mối quan hệ mẹ con rơi vào khủng hoảng, bế tắc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ chia sẻ, trong quá trình làm việc, bà gặp không ít trường hợp đứa trẻ rất ngoan ngoãn, rất vâng lời, nghe lời trước phụ huynh như thế.
Trong âm thầm, một ngày, có thể là thông qua mạng xã hội, bố mẹ sốc khi phát hiện con mình "nổi loạn" trong một hình hài khác. Đó có thể là hành động khoe thân, đánh nhau, chửi thề, hút thuốc, nghiện ngập, yêu đương, quan hệ tình dục... Đó là những thứ không hề xuất hiện trong suy nghĩ của bố mẹ về con.
Con là ai khi bên cạnh bố mẹ?
Mới đây, clip quay lại cảnh nữ sinh cấp 2 ở TPHCM hút thuốc lá phì phèo, đánh bạn trong nhà vệ sinh được tung lên mạng gây sửng sốt. Cũng từ clip này, nhiều ông bố bà mẹ giật mình về "góc khuất" khác của con trẻ. Những đứa trẻ đó cũng như bao bạn bè, mỗi sáng mặc đồng phục đến trường, đeo khăn quàng đỏ, là con ngoan trò giỏi...
Một bác sĩ sản ở TPHCM kể, ông gặp nhiều ca phụ huynh đưa con gái tuổi vị thành niên đi phá thai trong sự ngỡ ngàng: "Con tôi ngoan lắm, sao lại có bầu?".
Họ kể đã kiểm soát con rất chặt, theo con mọi lúc mọi nơi, đưa con đi học, đón con về nhà không hở chút nào. Họ hài lòng vì con rất ngoan, rất vâng lời, không bao giờ dám làm trái ý bố mẹ.
Trong khi đứa trẻ mang bầu 5-6 tháng, bụng lớn vượt mặt bố mẹ mới hay con mình đã làm "chuyện người lớn". Và còn nhiều chuyện kinh khủng khác mà bố mẹ không tưởng tượng nổi về thế giới của con.
Theo ông, quan hệ gia đình đang đối mặt với thực tế, nhiều khi bố mẹ và con ở cạnh nhau nhưng như ở hai thế giới xa lạ. Hai bên thiếu hẳn sự chia sẻ, giao tiếp, trao đổi, lắng nghe....
Ông cảnh báo, những đứa con ngoan trong mắt bố mẹ có thể là những đứa trẻ gặp nhiều khó khăn, bất ổn, dễ nổi loạn nhất. Trong giao tiếp, tương tác hàng ngày, có thể chúng chịu đựng sự kiểm soát, áp đặt từ bố mẹ, không có cơ hội được đối thoại, giãi bày, lên tiếng.
Bề ngoài, trẻ tạo ra một vỏ bọc ngoan ngoãn như bố mẹ muốn để được yên thân. Nhưng phía sau, khi gặp một không gian tự do chúng sẽ "buông", để xả những uất ức, dồn nén...
Chưa nói đến việc những đứa trẻ ngoan, nghe lời theo tiêu chuẩn của bố mẹ thường mất khả năng nhận diện đúng sai, phản kháng nên rất dễ sa ngã.
Về nhà chỉ thèm nghe hỏi "Con ổn không"?
Trong nhiều tệ nạn liên quan đến con trẻ, chúng ta thường nghe bố mẹ nói vớt vát: "Con tôi ở nhà ngoan lắm!". Họ nói không sai, khi mục tiêu cao nhất của nhiều bố mẹ Việt trong dạy con là con ngoan ngoãn, nghe lời.
Băn khoăn của bố mẹ phần nào được giải đáp qua chia sẻ của Kim Ngân - cô gái trẻ từ một học sinh xuất sắc nhiều năm liền trượt dài trong game, bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, từng nghĩ đến việc giết người - trong một chương trình về nạn nghiện game với người trẻ ở TPHCM.
Ngân nói, nhiều bạn bè ở lứa tuổi mình bề ngoài rất ngoan, chăm chỉ, học tốt nhưng phía sau là cả một "thế giới bí mật". Chúng chơi game, hút thuốc, có hành vi bạo lực, quan hệ tình dục bữa bãi, nạo phá thai...
Cô gái nhận ra mình và nhiều bạn bè có một điểm chung, bước vào nhà là đối diện nỗi cô đơn. Bố mẹ chỉ toàn la mắng, đe nẹt, phán xét đủ kiểu.
Câu nói những đứa con nghe nhiều nhất từ bố mẹ là lời hối thúc lo học đi, rồi là chê bai, so sánh với "con nhà người ta"... Chúng không thể chia sẻ, kể lể những khó khăn, sai lầm gặp phải với bố mẹ.
Kim Ngân chia sẻ về hành trình trượt dài trong game của mình, trong đó có sự mất kết nối với chính bố mẹ (Ảnh: Lê Đăng Đạt).
"Đôi khi em thèm được nghe bố mẹ hỏi con có ổn không, con có chuyện buồn gì không, bố mẹ có thể hỗ trợ gì cho con không?", cô gái nói trong nước mắt.
Nhiều đứa trẻ như Ngân, cô đơn ngay trong nhà mình, ngay bên cạnh bố mẹ. Còn bố mẹ, họ lo cho con thật nhiều, yêu thương con thật nhiều nhưng hóa ra, có khi họ không hay biết gì về con hoặc luôn là người cuối cùng biết về các vấn đề của con.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
đôi khi cách giáo dục của gia đình cũng chỉ là một phần, môi trường xã hội mới là một phần đóng góp quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ em bây giờ, mặc dù ở nhà cha mẹ có thể quản lý con cái họ vô cùng nghiêm khắc, nhưng họ vẫn không thể kiểm soát được hoàn toàn con cái của họ khi chúng bước ra ngoài xã hội
Trả lờiXóacon trai ăn chơi đã đành, con gái ăn chơi thì đúng là cũng ác chiến đấy chứ không đùa, tôi nghĩ phần nhiều là do môi trường sống xung quanh bé, nó ảnh hưởng khá nhiều, chỉ cần xuất hiện một vài phần tử tiêu cực nhỏ, cũng có thể tác động vào tâm lí và nhân cách của một cô bé mới ở độ tuổi teen này
Trả lờiXóaCon gái mà đã ăn chơi thì hơn con trai nhiều, hậu quả để lại cũng lớn hơn con trai nhiều, thế nên các bậc phụ huynh nên học cách thích nghi với suy nghĩ lứa tuổi teen để có thể hiểu những thứ con trẻ tiếp xúc, xu hướng hành động từ đố mới chủ động phòng ngừa cái xấu cho chúng nó được
XóaXã hội trước lứa tuổi học trò chỉ nhận thức được mọi thứ thông qua những thứ gần gũi xung quanh họ, giơi hạn bởi địa lý nên những điều cha mẹ thấy là điều con trẻ thấy, nhưng vì sự phát triển của các thể loại mạng xã hội làm cho một đứa trẻ ngồi ở nhà cũng có thể du nhập hàng tỷ thứ văn hóa, tốt có xấu có, nhưng tựu chung là xấu, vì chả ai cầm máy để nghe văn mẫu cả.
Trả lờiXóaPhải nói rằng, thời đại bây giờ không chỉ có ba mẹ dạy trẻ, nhà trường dạy trẻ, mà còn có vô vàn nhân tố khác tác động đến sự phát triển tâm lý của trẻ, Internet dạy trẻ, MXH dạy trẻ, rồi rất nhiều những con người cả tốt lẫn xấu trên mạng ảnh hưởng đến trẻ. Vì vậy, việc, ba mẹ sẽ không thể nào bao bọc cho từ đầu đến chân được, mà việc cần thiết nhất là trang bị cho trẻ kiến thức về việc phân biệt tốt xấu trong cuộc sống.
Trả lờiXóaDo cuộc sống kinh tế đầy đủ, nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ đời mình đã khổ nhiều nên muốn con cái được sống trong đủ đầy. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ ít khi nghĩ chính điều này đã làm cho con họ có cơ hội tham gia vào các cuộc vui, cuộc chơi mà từ đó, mắc phải các tệ nạn xã hội lúc nào không hay biết.
Trả lờiXóaNgày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn nhiều mặt tiêu cực nếu không có sự quản lý chặt chẽ. Nhiều kẻ đã lợi dụng mạng xã hội, hack những tài khoản facebook, zalo để lừa đảo mà người bị nạn không chỉ có người lớn mà còn có cả những đứa trẻ. Bên cạnh đó, với sự xâm nhập của các loại hình văn hóa độc hại, game online, phim ảnh bạo lực, đồi trụy... đã làm cho một bộ phận thanh, thiếu niên thiếu sự quản lý của gia đình bị tiêm nhiễm, mê muội, học đòi dẫn đến lối sống sa ngã.
Trả lờiXóaGia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội cần nâng cao trách nhiệm giáo dục, cảnh báo và tuyên truyền giúp các cháu hiểu được tác hại của tệ nạn xã hội. Từ đó kiểm soát hành vi của mình đồng thời tác động đến bạn bè, người thân để phòng, tránh tệ nạn xã hội .
Trả lờiXóaViệc tạo ra một môi trường sống và phát triển lành mạnh cho trẻ là trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đồng thời, mỗi công dân trẻ tuổi cũng phải nâng cao nhận thức và tự ý thức được bản thân để không sa vào tệ nạn xã hội.
Trả lờiXóaBảo vệ, giữ gìn sự an toàn cho trẻ là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhưng lá chắn hữu hiệu nhất trước sự tấn công của các tệ nạn xã hội không ai khác hơn chính là cha mẹ.
Trả lờiXóaNhiệm vụ của cha mẹ là chuẩn bị cho đứa con khả năng thích ứng với xã hội, và có đầy đủ sức đề kháng trước sự tấn công của các tệ nạn xã hội. Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là cha mẹ phải giáo dục con ngay từ khi còn nhỏ lối sống lành mạnh, tích cực, tránh xa các thói hư tật xấu...
Trả lờiXóaCha mẹ phải thông tin cho trẻ biết những hiểm họa tiềm ẩn trong xã hội đương đại để đứa con biết cách tự bảo vệ. Cần làm cho trẻ hiểu rằng, trong xã hội nào cũng có những kẻ xấu chuyên tìm cách dụ dỗ, lừa gạt để bắt cóc trẻ em, hoặc lôi kéo các em vào con đường mua bán, sử dụng ma túy, trộm cắp, quan hệ tình dục...
Trả lờiXóa