Mấu chốt của “lá phiếu tín nhiệm” cán bộ là trao niềm tin, chọn lựa người tài, tăng trách nhiệm cho người lãnh đạo chứ không phải làm vừa lòng người bỏ phiếu.
Hôm nay, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 6, dự kiến làm việc trong 22 ngày để thông qua nhiều quyết sách quan trọng quản trị quốc gia và phát triển đất nước trước yêu cầu mới.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được tiến hành ngay đầu kỳ họp. Kết quả lấy phiếu được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết để nhân dân biết, theo dõi, giám sát. Qua đó, làm cơ sở để người được lấy phiếu phấn đấu, rèn luyện, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác của mình. Đây cũng là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Công tác cán bộ là vấn đề hệ trọng của mọi tổ chức, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thành bại. Cán bộ cũng là con người với những điểm mạnh, điểm yếu cần được tổ chức, nhân dân giám sát để luôn rèn luyện, nâng cao năng lực.
Đánh giá cán bộ là khâu then chốt trong công tác cán bộ. Các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là cán bộ cao cấp của Đảng đề cử, phân công công tác tại các vị trí chủ chốt của bộ máy Nhà nước, đồng thời cũng là một "chính khách" mà kết quả hoạt động của họ tác động đến quốc kế, dân sinh.
Vì vậy, ngoài cơ chế giám sát trong Đảng, họ phải chịu sự giám sát của Quốc hội thông qua lá phiếu trách nhiệm của đại biểu.
Tất nhiên, công việc liên quan con người sẽ khó khăn và phức tạp. Chất lượng giám sát, đánh giá cán bộ chịu sự tác động từ nhiều yếu tố như chủ thể, tiêu chí, thời điểm, mục đích, phương pháp, công cụ và quy trình đánh giá. Biện pháp "dùng phiếu" là công cụ đắc lực để cơ quan dân cử làm tốt hơn vai trò giám sát, nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý điều hành của các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước, có tác dụng kiểm soát quyền lực, kiềm chế lạm dụng quyền lực, góp phần phòng ngừa và chống tham nhũng.
Song, nếu lá phiếu được dùng bằng cảm quan, không có tiêu chí đánh giá rõ ràng cho từng chức danh, công việc quản lý, thì chẳng những không đáp ứng được kỳ vọng của người dân mà còn cổ súy cho căn bệnh hình thức.
Lâu nay, việc lãnh đạo, điều hành của nhiều cán bộ bị cho là chạy theo thành tích ngắn hạn với tư duy nhiệm kỳ, dễ trở thành "tư duy niên kỳ" theo các đợt lấy phiếu tín nhiệm hằng năm. Mấu chốt của "lá phiếu tín nhiệm" cán bộ là trao niềm tin, chọn lựa người tài, tạo động lực làm việc, tăng trách nhiệm cho người lãnh đạo chứ không phải làm vừa lòng người bỏ phiếu. Một cơ chế giám sát rõ ràng, thường xuyên, minh bạch sẽ chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh việc lấy phiếu tín nhiệm, cần khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa cán bộ có tư duy sáng tạo, có cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong thực thi công vụ. Không chỉ là sự kêu gọi trách nhiệm chung chung, mà phải tạo ra sức ép trách nhiệm, buộc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm kỷ luật đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy và cán bộ dưới quyền mình.
Người dân đang kỳ vọng những quyết sách quan trọng của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành năng động của Chính phủ, lá phiếu trách nhiệm và tâm huyết của đại biểu Quốc hội. Chữ tín cán bộ lãnh đạo được thể hiện qua từng lá phiếu đại biểu tại kỳ họp lần này.
Bài viết của TS. Trần Hữu Hiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét