Khoai@
Theo tôi, biển số xe ô tô được cho là đẹp hoặc siêu đẹp nên được đấu giá. Tiền thu được từ các buổi đấu giá này dĩ nhiên là nộp về ngân sách nhà nước. Nhưng câu chuyện đấu giá cũng nảy sinh nhiều vấn đề.
Mới đây, dư luận đặt câu hỏi, trường hợp trúng đấu giá biển số đẹp, nhưng người mua không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì xử lý thế nào?
Theo thông tin từ báo chí, được xác nhận bởi Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, phiên đấu giá hôm 15/9 diễn ra suôn sẻ. Tính đến chiều 20/9, đã có 3 người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nhưng vẫn còn 8 người trúng biển số siêu đẹp vẫn chưa đến nộp tiền, trong đó có người đấu giá thành công với giá hơn 32 tỷ đồng cho biển số 51K-888.88.
Tìm hiểu quy định của pháp luật về vấn đề này được biết, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô vào ngày 26/6/2023. Theo đó, đối tượng tham gia đấu giá sẽ phải nộp tiền đặt cọc cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 3, Nghị quyết 73/2022/QH15 và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực việc kê khai thông tin để đăng ký tham gia đấu giá.
Tiền đặt cọc được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng kể từ khi đăng ký tham gia cho đến trước thời điểm tổ chức đấu giá 3 ngày. Trường hợp trúng đấu giá, tiền đặt trước được chuyển vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Việc xử lý tiền đặt cọc trong các trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định tại điểm đ, khoản 6 Điều 39. Theo đó, người tham gia đấu giá sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc nếu từ chối kết quả trúng đấu giá.
Điều 16, Nghị định 39 quy định, trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đầy đủ số tiền nộp trúng đấu giá sau khi đã trừ đi số tiền đã đặt trước. Nếu người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì kết quả trúng đấu giá bị hủy theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 19, Nghị định 39. Số tiền đặt cọc này được nộp vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, trường hợp không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thời hạn quy định, người tham gia đấu giá sẽ mất số tiền đặt cọc là 40 triệu đồng.
Mất tiền là một chuyện, nhưng việc bỏ cọc sau khi đấu giá thành công sẽ có thể trở thành tiền lệ xấu, và hệ lụy vẫn chưa thể tưởng tượng hết.
Thiết nghĩ cần bổ sung thêm một số quy định chặt chẽ để ngăn ngừa những câu chuyện bỏ kèo sau khi đấu giá thành công.
Theo tôi, nên có quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua với số tiền ít nhất là 50% số tiền đấu giá thành công. Nếu có quy định này, tôi tin sẽ ngăn chặn được tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ kèo, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến những người đấu giá khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét