Ghi nhận những kết quả đạt được của quá trình xã hội hóa, tuy nhiên qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy vẫn rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc xây dựng những nội dung, chương trình, sách giáo khoa.
Nghị quyết 88 là “Nghị quyết gốc”
Chủ trương Bộ GD&ĐT làm một bộ sách giáo khoa (SGK) luôn là vấn đề nóng, đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội cũng như các đại biểu tại diễn đàn Quốc hội. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có quan điểm cho rằng, việc này không phù hợp với tinh thần nghị quyết 122/2020 của Quốc hội, có thể sẽ làm triệt tiêu chủ trương xã hội hóa và dễ quay lại tình trạng độc quyền, đi ngược lại xu hướng quốc tế.
Lý giải điều này tại phiên họp Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, báo cáo của Đoàn giám sát đánh giá rất cao, ghi nhận về những kết quả của quá trình xã hội hóa biên soạn SGK, với sự tham gia của 5 bộ sách lớp 1 và 3 bộ sách bắt đầu từ lớp 2, cho đến thời điểm này đang tồn tại 3 bộ sách.
"Nghị quyết 88 giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách là để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước về việc này". Ảnh minh họa
Bà Hoa khẳng định, Nghị quyết 88 là “Nghị quyết gốc” và yêu cầu Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK. Tuy nhiên, đến năm 2020 trong Kỳ họp thứ 9, do sắp vào năm học mới, lớp 1 chưa có bộ sách của Bộ, nên cho phép có một sách giáo khoa cho một môn bằng xã hội hóa không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
“Tuy nhiên, qua giám sát Đoàn giám sát nhận thấy rằng vẫn rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc xây dựng những nội dung, chương trình, SGK”, bà Hoa nhấn mạnh rằng, Bộ GD&ĐT cần có một bộ sách để “chủ động trong mọi tình huống”. Nghĩa là, khi cần thiết chúng ta vẫn có thể đảm bảo được đến đầu năm học mới có SGK và trách nhiệm của Nhà nước đối với việc biên soạn sách.
Vai trò của Bộ nhìn từ Nghị quyết 88
Bên cạnh những ưu điểm của chính sách xã hội hóa biên soạn SGK, tại các phiên họp, đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, như sách chưa phù hợp với thu nhập của phần lớn các gia đình có con học phổ thông; hay các bộ SGK có nhiều “hạt sạn” mà các nhóm làm sách tư nhân chưa sàng lọc kỹ, ví dụ như bộ sách Cánh Diều.
Một nguy cơ khác là thị trường xuất hiện tình trạng loạn xuất bản, rối các loại SGK với mức giá quá cao và có thể dẫn tới hậu quả biến chủ trương "xã hội hóa thành thương mại hóa", gây mất công bằng trong việc tiếp cận sách với nhóm người dân nghèo tại nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi.
Tại phiên giám sát về đổi mới chương trình, SGK vừa qua, lãnh đạo Quốc hội đề nghị phải đánh giá kỹ hơn chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách. Trong đó, chương trình chỉ là khung, còn nội dung giáo dục phải được thể hiện trong SGK.
Nhắc đến trách nhiệm biên soạn bộ SGK nhà nước thuộc phạm vi Bộ GD&ĐT, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc Hội Nguyễn Đắc Vinh nói: Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK nhà nước.
Đến năm 2020, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 122, quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo phân tích của ông Nguyễn Đắc Vinh, chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh và chỉ quy định khung kiến thức, còn nội dung kiến thức phổ thông sẽ được thể hiện trong SGK.
Trao đổi thêm với phóng viên bên lề kỳ họp, ông Nguyễn Đắc Vinh lý giải: Xã hội hóa là để các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, nhưng trong phát triển sự nghiệp giáo dục, nguyên tắc là Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo, vì giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Ông cũng nhắc lại quan điểm Đoàn giám sát là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể là việc phát triển SGK. Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách là để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước về việc này.
Hoàn thiện bằng nguồn lực sẵn có
Theo chuyên gia giáo dục Phạm Hiệp, kinh nghiệm của thế giới về biên soạn bộ SGK quốc gia là trách nhiệm và vai trò của cơ quan quản lý giáo dục. Một số nước như Nhật Bản và Hàn Quốc quy định rõ ràng rằng, phát hành SGK là thẩm quyền cao nhất của Bộ GD&ĐT. Hai nước này liên tục cho rà soát và hoàn thiện các bộ SGK Nhà nước của họ.
Tại nước ta thì sao? Cần nhìn nhận thẳng thắn, đây là một thực trạng còn tồn đọng từ nhiều nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Năm 2014, khi còn đương chức Bộ trưởng, ông Phạm Vũ Luận từng gây sóng gió lớn với phát ngôn “để đời”: “Tôi coi thực hiện đề án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn”, cũng như việc đổi mới chương trình, SGK với kinh phí dự toán rất lớn, lên tới 34.000 tỷ đồng vào tháng 4/2014.
Nhưng sau đó, việc đổi mới chương trình phổ thông và SGK tiếp tục chìm vào im lặng cho đến bây giờ. Thời điểm đó, ông Luận đã hứng chịu nhiều chỉ trích. Trên thực tế, nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông Luận cũng không có dấu ấn rõ nét về đổi mới SGK.
Nguồn lực để đổi mới bộ SGK Nhà nước có lẽ nên huy động từ các nguồn sẵn có, đặc biệt khi chúng ta có một NXB quốc gia là NXB Giáo dục. Cũng cần hiểu rõ, bộ SGK của Nhà nước thì Bộ GD&ĐT cũng chỉ là nơi biên soạn còn khi phát hành đều tuân thủ luật chung và cạnh tranh công bằng, thông qua các đơn vị xuất bản và kinh doanh, mà các đơn vị đó hiện nay đều là các doanh nghiệp.
Theo Luật Giá sắp tới, giá SGK chịu sự ràng buộc của kiểm soát giá cho nên không cần lo lắng về chuyện khai man trợ giá.
Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung là: “Đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK”; “Thực hiện kiểm tra, thanh tra việc xã hội hóa biên soạn SGK; quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn SGK trên phạm vi toàn quốc”…
Nguồn: Báo Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét