Chia sẻ

Tre Làng

Tôi sợ một ngày sẽ bị chính học trò mình hành hung như ở Tuyên Quang

Ngoài việc sợ học sinh quay clip cắt xén để đưa thông tin một chiều lên mạng, tôi lại thêm nỗi sợ bị hành hung bởi chính những học trò ngày ngày mình dạy học.

Giáo viên là công việc mơ ước của tôi từ những ngày thơ bé. Suốt gần 3 thập kỷ gắn bó với nghề giáo, có những thăng trầm, buồn vui nhưng chưa bao giờ tôi lại sợ làm nghề của mình như lúc này.

Tôi cảm giác nghề giáo giờ đây không còn được xem trọng, từ xã hội, phụ huynh đến học sinh đều thi nhau "ném" về phía chúng tôi những hòn đá áp lực nặng nề.

Nỗi ám ảnh của nhà giáo thời 4.0

Sáng nay, khi vừa đến trường, một số đồng nghiệp của tôi truyền tay nhau đoạn video, tin tức nhóm học sinh ở Tuyên Quang có hành vi vô đạo đức, thiếu chuẩn mực với nữ giáo viên. Xem xong, chân tay tôi lạnh toát, trống ngực đánh lên liên hồi. Nếu tôi là cô giáo trong đoạn video chắc cũng chỉ có thể bất lực, đứng nhìn chứ chẳng dám làm điều gì khác.

Học sinh cấp 2 tại Tuyên Quang ném dép vào đầu khiến giáo viên ngất xỉu. (Ảnh cắt từ clip)

Cũng may video ghi lại đầy đủ câu chuyện, nếu chỉ có cảnh một học sinh nằm lăn ra đất ăn vạ và kêu lên bị đánh thì có khi cô giáo này từ người bị hại lại trở thành đề tài công kích của cả xã hội.

Đoạn video khiến nhiều người phẫn nộ, bình luận “phải là tôi, tôi đạp cho một trận/ học sinh mới nứt mắt mà láo/ cô giáo hiền thế sao không cho chúng một bạt tai…”. Thế nhưng, mấy ai hiểu, giáo viên bây giờ quyền lực không có, không được phê bình, không được dạy dỗ, động vào một sợi tóc của học sinh là phụ huynh sẽ lao ngay đến trường, coi chúng tôi như kẻ tội đồ, hành hạ con họ.

Nhìn thấy nữ đồng nghiệp của chúng tôi bị ép sát vào góc lớp, đứng trong bất lực không dám làm gì cũng là điều dễ hiểu. Những chiếc camera, những lời chửi mắng của phụ huynh và người dùng mạng xã hội khiến chúng tôi từ lâu học cách thu mình như con ốc trong vỏ để được an toàn.

“Muốn sang phải bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, mỗi lần nghe thấy ai đó nhắc về câu ca dao này lòng tôi lại ngậm ngùi chua xót. Xã hội hiện đại hình như người ta quên mất lễ nghĩa với những người dạy chữ, rèn người cho cho con em họ.

Ngoài việc sợ học sinh quay clip cắt xén để đưa thông tin một chiều lên mạng, tôi lại thêm nỗi sợ bị hành hung bởi chính những đứa học trò ngày ngày mình dạy học.

Cô giáo Mỹ Trân

Giờ đây đi dạy chúng tôi không chỉ phải lo chuyện chuyên môn, hồ sơ sổ sách mà còn lo cả phản ứng của học sinh và phụ huynh. Khi bất cứ một vụ việc gì diễn ra mà bị học sinh hoặc ai đó đăng tải lên trang mạng xã hội thì mọi mũi dìu đều hướng về phía chúng tôi.


Giáo viên đi làm đến quyền phê bình học sinh cũng bị tước mất, vì xã hội cho rằng việc làm nhằm bêu rếu, hành vi phi giáo dục và tạo nên sự hằn học, tâm lý chống đối. Tôi chẳng biết nó phi giáo dục ra sao nhưng bao nhiêu thế hệ học trò cũ của tôi từng “bị” như vậy nhưng chúng vẫn lớn lên, thành công và nhớ đến tôi bằng những câu chúc trong những dịp lễ tết.

Ngày xưa tôi phạt học sinh nhiều lắm, chúng rất sợ nhưng tuyệt nhiên chẳng ai ghét bỏ cô giáo của mình và tất nhiên không bao giờ có chuyện vô lễ với giáo viên như ngày nay. Phải chăng hành vi được cho là “phi giáo dục” không thực sự “phi giáo dục” và chiều ngược lại cũng đúng với một vài hành vi được xem là chuẩn giáo dục.

Phụ huynh thì bênh vực con cái vô điều kiện, từ vết xước ngoài da đến việc bị điểm thấp cũng là lỗi của giáo viên, là do giáo viên “trù”, giáo viên không sát sao, quan tâm… Tôi may mắn trong quá trình giảng dạy chưa gặp những trường hợp phụ huynh gây khó dễ nhưng đồng nghiệp của tôi không ít người dính phải.

Một thầy giáo cùng trường cũ của tôi trong lúc nóng giận đã không kiềm chế được mà có lời lẽ quá lời với một em học sinh. Phụ huynh của em ấy biết được lên trường làm ầm ĩ nơi phòng hiệu trưởng, kêu thầy chèn ép làm ảnh hưởng tâm lý con họ.

Cuối cùng thầy giáo bị viết bản kiểm điểm bởi hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo với học sinh. Ngoài thầy thì nhiều trường hợp khác tôi biết đã phải hạ thi đua, luân chuyển công tác, thậm chí là buộc thôi việc bởi những lỗi lầm tương tự.

Ai sẽ bảo vệ chúng tôi?

Hình ảnh nhóm học sinh dồn nữ giáo viên vào góc tường, liên tục xúc phạm. (Ảnh cắt từ clip)

Trong tâm thế của một nhà giáo, chúng tôi luôn tự rèn bản thân phải điều chỉnh hành vi cho chuẩn mực, thế nhưng càng rèn thì xã hội càng ép chúng tôi vào bước đường cùng. Có lẽ hình ảnh người giáo viên ở Tuyên Quang bị học sinh ép vào góc lớp kia sẽ trở thành nỗi ám ảnh mãi về sau.

Giáo viên chúng tôi cũng chỉ là con người, cũng nhọc nhằn những gánh nặng mưu sinh với áp lực cơm áo gạo tiền, áp lực công việc chẳng thể tránh đôi khi nặng lời, trách móc học sinh hư. Sự nóng giận nhất thời này sẽ hứng hậu quả bị xã hội lến án, khắt khe hơn. Còn với học sinh sai phạm thì những hành vi dù có khó chấp nhận ra sao vẫn luôn được tha thứ dễ dàng bởi lý do còn trẻ, chưa trưởng thành.

Như trong vụ việc những học sinh cấp hai ở Sơn Dương (Tuyên Quang) ai sẽ là người đứng ra bảo vệ giáo viên và chúng tôi được phép làm gì để tự vệ cho chính bản thân mình. Sau vụ việc này ngoài việc sợ học sinh quay clip cắt xén để đưa thông tin một chiều lên mạng, tôi lại thêm nỗi sợ bị hành hung bởi chính những đứa học trò ngày ngày mình dạy học.

“Tôn sư trọng đạo giờ đây xa vời lắm, cố gắng an phận chờ đến ngày về hưu thôi”, câu nói của người đồng nghiệp trước ngày bị luân chuyển công tác khi một lần không kiềm chế được trước hành vi hỗn hào của học sinh khiến tôi ngậm ngùi. Nghề giáo của chúng tôi giờ đáng sợ thế sao?

MỸ TRÂN (Giáo viên)

8 nhận xét:

  1. Vụ việc này rất đáng được quan tâm và xử lý. Tuy nhiên, vấn đề là nhà trường có dám kỷ luật thẳng tay để răn đe hay ko, hay lại sợ ảnh hưởng thi đua rồi im im cho qua chuyện. Đình chỉ nguyên nhóm, cho ở lại lớp hết xem chúng nó có sợ ko? Hay nhà trường lại sợ trước. Khẩn thiết kêu gọi có sự vào cuộc của các cấp nhanh chóng điều tra làm rõ , và có hình thức xử lý thích đáng . Để làm gương răn đe và đem lại môi trường trong sáng , lành mạnh , kỷ cương trong nhà trường .

    Trả lờiXóa
  2. Đây chắc chắn chỉ là một trong rất nhiều vụ liên quan đến vấn đề giáo viên bị học sinh xúc phạm, hành hung trên giảng đường. Đọc những bài báo này thấy rất đau lòng, tự hỏi thế hệ ngày nay tại sao lại trở nên như thế này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xưa làm giáo viên tùy ý rèn dũa học trò, cho dù có quạt nạt thậm chí đánh đòn thì học sinh ra trường đứa nào cũng ngoan ngoãn, thành đạt, đấy gọi là yêu cho roi cho vọt, còn thời đại giờ nhân quyền cao quá, thầy cô động vào con cái là bố mẹ làm um, tự dưng người giáo viên mất uy trước học trò, thế thì dạy dỗ làm sao được

      Xóa
  3. Do ảnh hưởng từ những nội dung bẩn trên mxh như khá bảnh, phú lê, các video từ anh em xã hội làm ảnh hưởng đến giới trẻ, thứ 2 là do nền giáo dục từ phía gia đình và nhà trường quá kém, k quan tâm nhiều đến giáo dục đạo đức. măng non mà đã hư hỏng như thế này rồi thì 10-20 năm nữa k biết nó sẽ phá xã hội như thế nào nữa

    Trả lờiXóa
  4. Học sinh láo lếu, văng tục chửi bậy trong khuôn viên trường thì đổ cho giáo viên?? Bảo giáo viên thì phải như thế này như thế kia, sao không nói phụ huynh ở nhà không biết dạy con cái phải biết tôn sư trọng đạo?? Các cháu mà ngoan ngoãn thì giáo viên sẽ mắng nhiếc à?? Cái nết như thế này thì có khi bố mẹ còn chẳng dậy nổi chứ ở đó mà đè đầu giáo viên quy đổ trách nhiệm

    Trả lờiXóa
  5. nhìn cô giáo ấy bị dồn vào chân tường mà xót xa, bất lực chẳng thể làm gì. Có thể làm gì đây? Nói to một tiếng, đẩy nhẹ một cái là cả tá phụ huynh, cả một bầy dư luận vào chửi bới rồi, lũ phản động cũng được dịp nói giáo viên việt nam đánh học sinh các thứ,... thử hỏi nếu hậu quả đi xa hơn thì cô giáo sẽ ra sao?

    Trả lờiXóa
  6. Đuổi học tất khỏi bàn!

    Trả lờiXóa
  7. Nếu không xử lý nghiêm số học sinh tấn công giáo viên thì chắc chắn sẽ còn rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra, tôi nói là chắc chắn chứ không phải là lo sợ như tác giả nói đâu, học sinh bây giờ nhận thức nhanh và nhiều hơn thời xưa rất nhiều nhờ có mạng xã hội, không quản nghiêm thì hậu quả khôn lường

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog