Khi nhắc lại sự kiện này tuyệt đối không phải để gây hận thù. Nhưng phải nói rõ sự thật lịch sử để thấm thía, để gìn giữ và phát triển quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc Campuchia - Việt Nam ngày càng tốt đẹp.
Ngày 07/1/1979, cách đây 45 năm, Thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia được giải phóng. Trước đó, Tập đoàn phản động Pôn pốt - Iêng Xari đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên tuyến biên giới Tây Nam. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chúng ta đã đánh trả, đẩy quân thù ra khỏi bời cõi giang sơn. Nhìn lại sự kiện lịch sử này, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của cả dân tộc và hơn thế nữa, đó còn là một tinh thần quốc tế vô sản cao cả, chân chính. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng (07/1/1979 - 07/1/2024), phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Phóng viên: Thưa ông, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của chúng ta diễn ra trong gần 02 năm, mở đầu bằng sự kiện ngày 30/4/1977 khi lực lượng Pôn Pốt mở cuộc tiến công trên toàn biên giới tỉnh An Giang. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng Khmer Đỏ đã có những cuộc khiêu khích, lấn chiếm đất đai nước ta từ năm 1975, khi đó Đảng ta đã nhận định về vấn đề này như thế nào?
PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc: Ngày 01/5/1975, ta vừa giải phóng miền Nam xong thì quân đội của Tập đoàn Pôn Pốt đã đánh chiếm đảo Thổ Chu và từ đó đến năm 1976, 1977 thì họ tiếp tục lấn chiếm, gây xung đột biên giới. Lúc đầu, chúng ta cũng nghĩ đây chỉ là sự hiểu lầm, hai bên phải gặp gỡ nhau để dàn xếp. Thế nhưng, chính quyền Pôn Pốt ngày càng lộ rõ tính chất phản động. Đến năm 1977, họ đánh Việt Nam trên tuyến biên giới Tây Nam. Và đến cuối năm 1977 thì chính quyền Pôn Pốt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, rút Đại sứ quán ở Hà Nội về nước.
Những người dân Campuchia không chịu được chế độ Pôn Pốt, chạy sang Việt Nam, nương nhờ Việt Nam. Đảng ta lúc đó có chủ trương rất nhân văn, ra chỉ thị cho các địa phương xây nhà ở, cung cấp lương thực, thực phẩm giúp người dân Campuchia, thậm chí giúp con cái họ học hành. Chúng ta vẫn cố gắng gìn giữ mối quan hệ, thuyết phục Campuchia để không mở rộng chiến tranh nữa, mong gặp gỡ nhau, nhưng phía Pôn Pốt đều từ chối.
Phóng viên: Tháng 12 năm 1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã được thành lập và tổ chức này đã kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế giúp đỡ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia để hồi sinh đất nước. Trong bối cảnh đó thì Đảng ta có chủ trương như thế nào?
PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc: Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia, chúng ta đưa quân đội tiến sang nước bạn. Và lúc đó, các sư đoàn chủ lực của Pôn Pốt đã dàn ra tuyến biên giới. Họ chuẩn bị đánh Việt Nam, đánh lớn. Lúc đó chúng ta phản kích và phản kích tới tận sào huyệt của họ chứ không chỉ đánh tới biên giới. Trước tháng 4/1977, chúng ta vừa đánh vừa đuổi ra khỏi bờ cõi của mình. Nhưng đến cuối năm 1978, chúng ta phải phản kích. Chúng ta đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia phản kích để giúp bạn, giúp bạn cũng là tự giúp mình. Lúc bấy giờ chúng ta mới tiến quân sang và tiến theo hai đường, một đường đánh trên bộ, đường thứ hai đổ bộ đường biển. Trong 2 tuần lễ, Thủ đô Pnômpênh được giải phóng.
Phóng viên: Như vậy, chỉ khi Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia kêu gọi thì chúng ta mới đưa quân sang giúp bạn. Và thực tế, sau khi đánh đổ chế độ diệt chủng, chúng ta không bỏ bạn mà tiếp tục ở lại giúp bạn tái thiết đất nước. Vì sao lại có hành động này?
PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc: Dưới chế độ Pôn Pốt không có chợ, không trường học, thậm chí không gia đình, một mô hình xã hội quái gở. Khi ta tấn công, phản kích thì Pôn Pốt chạy. Chúng ta chủ trương đã giúp bạn thì giúp đến nơi đến chốn. Thế cho nên Quân đội nhân dân Việt Nam đã ở lại. Và bấy giờ, các lực lượng của ta cũng phải sang giúp bạn, gồm các chuyên gia của tất cả các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, công an, quân đội đều có mặt. Một đất nước bắt đầu từ con số 0. Chúng ta giúp bạn xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang. Lúc đó, Việt Nam mang cả gạo, lương thực, thực phẩm, tất cả nhu yếu phẩm mà dân mình cũng đang thiếu thốn để chia sẻ giúp bạn, thậm chí từng viên thuốc, từng hạt muối đều mang sang giúp bạn.
Phóng viên: Vâng, giả sử nếu lúc đó ta rút quân về mà không ở lại giúp bạn thì tình hình nước bạn sẽ như thế nào, thưa ông?
PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc: Nếu mình rút về ngay thì Pôn Pốt sẽ quay trở lại. Như vậy, chế độ diệt chủng quay lại, rất nguy hiểm. Nguy hiểm cho bạn cũng là nguy hiểm cho chúng ta. Thế nên chúng ta phải ở lại, trong suốt mười năm, từ 1979 đến 1989. Thời kỳ đầu, ta và bạn cùng làm, nhưng sau đó, bạn làm là chính, mình chỉ hỗ trợ. Đến năm 1989, khi tình hình quốc tế và mọi việc đã chín muồi, lực lượng của bạn cũng đã tự đứng vững, bấy giờ chúng ta mới rút quân đội về.
Phóng viên: Hành động chấp nhận gian khó, hiểm nguy, chấp nhận thiệt thòi, thậm chí là bị hiểu lầm để cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, đó chính là minh chứng cho tinh thần quốc tế vô sản cao cả của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam?
PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc: Đúng thế, bản thân sự thật lịch sử đã nói lên điều đó. Chúng ta không những cứu bạn đánh đổ chế độ tàn ác nhất trong lịch sử mà còn ở lại giúp họ hồi sinh đất nước. Mà hoàn toàn trong sáng, không mảy may một chút vụ lợi gì. Đó là điều phải tự hào. Xin thưa rằng, chưa có một Quân đội nào đi cứu một đất nước, một dân tộc, chịu đựng biết bao hy sinh gian khổ. Dân tộc mình, Đảng mình có quyền tự hào, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng có quyền tự hào. Đấy là chủ nghĩa nhân văn cao cả, chủ nghĩa nhân đạo cao cả của Việt Nam.
Phóng viên: Vâng, 45 năm đã đi qua, sự thực lịch sử đã được làm sáng tỏ và quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia cũng không ngừng được giữ gìn và phát triển. Song theo ông, khi nhắc lại sự kiện này, chúng ta cần có sự nhìn nhận như thế nào? Và đâu là bài học mà chúng ta cần rút ra từ sự kiện này?
Quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia tháng 9/1989 trong sự bịn rịn, lưu luyến của người dân nước bạn. Ảnh: Chip HIRES/Gamma-Rapho/Getty.
PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc: Nhớ lại cái sự kiện bi thương này cũng là một bài học lịch sử để chúng ta suy nghĩ cho hôm nay. Và khi nhắc lại sự kiện này tuyệt đối không phải để gây hận thù. Nhưng phải nói rõ sự thật lịch sử để thấm thía, để gìn giữ, để phát triển quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc Campuchia - Việt Nam tốt hơn. Từ sự kiện này cho ta bài học là luôn luôn phải cảnh giác để tự bảo vệ mình, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thứ ba là phải luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, bè bạn trên thế giới. Đây chính là phẩm chất của một Đảng cách mạng, Đảng anh hùng, quân đội cách mạng, quân đội anh hùng. Phẩm chất ấy cần phải giữ vững trong tình hình hiện nay- tình hình quốc tế phức tạp, vẫn phải nêu cao chủ nghĩa quốc tế vô sản chứ đừng bị tác động chi phối bởi các yếu tố bên ngoài. Các thế lực thù địch thường tìm cách xuyên tạc, chúng ta cần phải nói rõ để nhân dân trong nước, nhân dân thế giới và nhân dân Campuchia hiểu về một sự thật lịch sử.
Phóng viên: Vâng, một lần nữa xin cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc!
Trường Giang /Phát thanh QĐND
Mặc dù lịch sử của hai đất nước có mối quan hệ keo sơn bền chặt như vậy, những thật buồn khi trong thời điểm hiện nay có rất nhiều người Campuchia căm ghét Việt Nam, chính quyền Cam hiện tại cũng đang rất thân với Trung Quốc và hỗ trợ Trung Quốc trong nhiều hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, xã hội nước ta
Trả lờiXóaLúc đầu cứ tưởng pôn pốt là đại diện cho người dân CPC, họ xung đột với ta chắc là có hiểu nhầm, nhưng đâu biết sau đó chúng quay ra diệt chủng cả dân tộc của mình luôn, chúng ta tiến đánh Pôn pốt, giải phóng cho họ thì mới có CPC độc lập như ngày hôm nay chứ không giờ nước bạn cũng thành vùng tự trị của anh láng giềng như Tân Cương rồi
Trả lờiXóa