Chia sẻ

Tre Làng

Bốn lưu ý quan trọng về Luật Căn cước

Luật Căn cước chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, người dân cần nắm bắt thông tin cũng như lưu ý những điểm mới quan trọng.

Công an TP.HCM chỉ ra một số điểm mới, thay đổi liên quan đến Luật Căn cước năm 2023, số 26/2023/QH15, có hiệu lực từ ngày 1-7. Trong đó, nghĩa vụ của công dân, lợi ích của thẻ căn cước và các hành vi cấm được đặc biệt lưu ý.

Bốn lưu ý về Luật Căn cước. Ảnh: CA TP.HCM

7 điểm mới của Luật Căn cước

1. Bỏ “đặc điểm nhận dạng” và “vân tay”

Hai đặc điểm này sẽ không được hiển thị trên mặt sau của thẻ căn cước mà sẽ được số hóa và lưu vào thẻ chip.

2. Thu thập dữ liệu sinh trắc mống mắt

Người từ đủ sáu tuổi trở lên phải lấy sinh trắc mống mắt. Dữ liệu sẽ được lưu vào thẻ chip.

3. Rút gọn tên thẻ

“CCCD” thành “Căn cước”.

4. Thay đổi trường thông tin

“Quê quán” thành “Nơi đăng ký khai sinh”.

“Nơi thường trú” thành “Nơi cư trú”.

5. Từ ngày 1-7-2024, mỗi công dân sẽ có một căn cước điện tử, được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử (ứng dụng VNeID).

6. Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

7. Giấy tờ mới: “Giấy chứng nhận căn cước”

Là giấy tờ tùy thân chứa thông tin căn cước. Dành cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch. Do cơ quan quản lý căn cước cấp.

4 điểm lưu ý quan trọng

Thứ nhất, người dân không bắt buộc phải đổi thẻ CCCD sang thẻ căn cước.

Từ ngày 1-1-2025, tất cả CMND sẽ hết giá trị sử dụng.

Thẻ CCCD/CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024 (khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước).

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND/CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng.

Thứ hai, lợi ích của thẻ căn cước:

Có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.

Được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

Thứ ba, nghĩa vụ của người dân:

Công dân Việt Nam làm thủ tục cấp thẻ căn cước.

Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước.

Bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp.

Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử.

Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi thực hiện giao dịch có liên quan và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, tài liệu.

Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra.

Nộp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.

Thứ tư, các hành vi bị nghiêm cấm:

Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.

Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo độ tuổi quy định.

Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.

Khai thác, chia sẻ, mua bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

***

Những người cần đổi sang thẻ căn cước từ ngày 1-7

Theo quy định tại Luật Căn cước, kể từ ngày 1-7 một số trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước gồm:

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

Thẻ CCCD gắn chip hết hạn sau ngày 1-7 (thời hạn in trên mặt trước, góc dưới cùng bên trái của thẻ) thì phải đổi sang thẻ căn cước.

Luật Căn cước quy định các loại CMND sẽ có giá trị đến hết ngày 31-12-2024. Sau thời điểm này, người dân bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước.

Ngoài ra, người dân có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước (theo nhu cầu) trong một số trường hợp sau: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước lần đầu, thông qua người đại diện. Đây là quy định mới tại Luật Căn cước so với Luật CCCD, nhằm mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước; công dân đã có thẻ CCCD gắn chip nhưng muốn đổi sang thẻ căn cước; công dân có thay đổi thông tin về nhân thân, thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính…

Nguồn: Huỳnh Thơ/Báo Pháp Luật TPHCM

7 nhận xét:

  1. những điểm mới của luật căn cước góp phần hoàn thiện loại giấy tờ tùy thân được coi là quan trọng nhất của công dân Việt Nam, tạo ra sự thuận tiện đối với người dân trong việc xử lý các thủ tục hành chính, xuất nhập cảnh, hay rút tiền,... đồng thời cũng tạo thuận cho chính quyền trong công tác quản lý dân cư và xã hội

    Trả lờiXóa
  2. Hoa Co May14:15 29/2/24

    Việc hoàn thiện số hóa thông tin người dân vào hệ thống vừa tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, cũng như thuận tiện cho người dân khi sinh hoạt, làm việc, mọi thông tin lưu trữ co đọng trong một chiếc thẻ, không phải tay xách nách mang một đống giấy tờ để đi làm thủ tục hành chính, dân sự nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là tiện lợi hơn thật. Giờ còn có thêm ứng dụng VNeID tích hợp hết cả thông tin về bằng lái xe cũng như cả bảo hiểm y tế vào trong một căn cước công dân cho nhân dân, nên đi đâu giờ không cần phải lằng nhằng mang theo nhiều giấy tờ nữa. Rất tiện

      Xóa
  3. Đúng là luật càng ngày càng hoàn thiện. Hoàn thiện theo hướng ủng hộ người dân ấy chứ. Điều này sẽ tạo ra nhiều điều kiện cho người dân cũng như phía cơ quan chức năng. Cụ thể là dễ dàng và nhanh chóng hơn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và quản lý thông tin của dân cư

    Trả lờiXóa
  4. Những hoạt động đang làm để hoàn thiện căn cước công dân bây giờ là một nước đi phù hợp với sự phát triển của công nghệ số toàn thế giới hiện nay, khi chỉ với căn cước công dân có thể tích hợp nhiều loại phúc lợi xã hội, và cũng để tiện lợi, dễ dàng quản lý dân cư.

    Trả lờiXóa
  5. Bộ công an đã có những quyết sách rất đúng đắn khi hoàn chỉnh lại căn cước công dân , tương lai người dân đi làm giấy tờ hay lực lượng điều tra vụ án sẽ rất tiện lợi vì đã được tích hợp, số hóa trên hệ thống, đẩy nhanh việc quyết các thủ tục công dân cũng như làm tốt nhiệm vụ đối với cơ quan nhà nước.

    Trả lờiXóa
  6. Hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều người phàn nàn với Bộ Công an rằng việc làm lại căn cước công dân bị diễn ra nhiều lần, lằng nhằng, nhưng tôi tin rằng lần làm lại này là cần thiết vì suy cho cùng, để theo kịp thế giới và tiện lợi thì ta không thể bỏ qua căn cước công dân gắn chip, tích hợp và đã được số hóa trên hệ thống

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog