Chia sẻ

Tre Làng

Vụ tai nạn thảm khốc trên “Cao tốc”

Bài chép của Fb Viet Binh Nguyen

Mấy ngày nay làn sóng chỉ trích vụ tai nạn thảm khốc trên “Cao tốc” rất mạnh, đó là biểu hiện tốt khi người dân biểu đạt thái độ mạnh mẽ, tuy nhiên trên quan điểm cá nhân tôi cho rằng nhiều chỉ trích chưa thực sự trúng. Mong các bạn hãy gạt bỏ các thành kiến và đọc kỹ những gì tôi viết.






Là người đã từng chỉ huy thi công đường giao thông từ giai đoạn thiết kế chi tiết, học và lái xe nhiều năm ở Việt Nam, học và lái xe nhiều năm ở Canada tôi có một số ý kiến sau:

1. Chỉ trích tên “cao tốc” và so sánh với tiêu chuẩn luật giao thông: Tên gọi “cao tốc” là tên của toàn tuyến, trong giai đoạn này quả thực nó chưa đủ chuẩn “cao tốc” nhưng thực ra cơ quan quản lý đường đã hạn chế tốc độ dưới 80km/h thì có nghĩa là nó chỉ vận hành như quốc lộ thông thường. Nên việc xoáy vào tên gọi “cao tốc” nó không phải là bản chất về yếu tố kỹ thuật.

2. Chỉ trích đoạn vuốt nối ngắn, làn đường 3m: Về thiết kế chắc chắn không một kỹ sư nào bóp tiêu chuẩn thiết đâu. Và nhìn trên ảnh chụp đoạn vuốt nối có thể khoảng 150m, tương đương với tiêu chuẩn chung. Ảnh đoạn vuốt nối vào đường 90km/h, gần nhà tôi ở Canada cũng 140m. Làn đường 3m là không nhỏ, tương đương ở Canada. Về tiêu chuẩn của 1 làn đường là từ 2,7m đến 4,6m tuỳ thuộc vào mật độ và tốc độ xe.

Trên thực tế, nhìn vào thiết kế và chất lượng đường hiện nay là tốt hơn đường quốc lộ 100km/h ở Canada, do ở Canada đường cũ, mặt đường lồi lõm vá víu nhiều. Đường cấp phối, rải sỏi ở Canada cũng cho chạy 80km/h, đường lộ 90km/h thì rất nhỏ và xấu, vài năm trước tôi đã đưa 1 video về đường 90km/h, tôi quay khi đưa các con đi hướng đạo sinh. Vì vậy với thiết kế và chất lượng đường hiện tại cho chạy 80km/h là rất an toàn.

3. Chỉ trích việc 3 làn gom 1: Đúng, việc này là dở về thiết kế. Tuy nhiên nó dở ở giải pháp giao thông, do dễ gây ùn ứ chứ không phải dễ gây tai nạn, nếu người tham gia giao thông có văn hóa và tuân thủ luật như người tham gia giao thông ở Canada. Tôi sẽ giải thích điều này dưới đây.

Đọc đến đây chắc chắn sẽ có nhiều bạn hỏi “Thế thì mọi lỗi đều thuộc về người dân à? Lỗi của cơ quan quản lý của nhà nước ở đâu?”

Thực ra lỗi của nhà nước là rất lớn, lớn hơn nhiều những yếu tố kỹ thuật mà mọi người vẫn xoáy vào. Lỗi của nhà nước ở đây là lỗi làm hỏng con người, cụ thể ở đây là làm hỏng “văn hoá giao thông”.

Tại sao tôi dám nói như vậy vì tôi đã học lái xe ở Việt Nam, rồi lại học lái xe ở Canada.

Học lái xe ở Việt Nam là như thế nào? Thực tế Việt Nam không dạy lái xe có văn hoá mà là dạy các mánh khoé để vượt qua bài kiểm tra sa hình. Khi tôi mới tập lái xe, bằng bản năng tôi hay ngoái lại phía sau khi lùi hay chuyển làn thì thường bị chê như một sự yếu kém về kỹ năng, một người lái xe điệu nghệ là chỉ cần liếc gương chiếu hậu. Rồi những lời nhắc kiểu “dí vào, chèn vào, còi đi, còi nhiều vào” là không có gì lạ. Tất cả những cái đó tạo thành văn hoá giao thông đặc trưng của Việt Nam.

Khi tôi qua Canada vì tôi có bằng lái rồi nên chỉ cần tự học rồi thi lý thuyết sau đó đăng ký thi Road test, tức là lái thực trên phố mà không cần phải có 6 giờ học lái với thầy như người chưa có bằng. Tôi dễ dàng qua phần thi lý thuyết nhưng thi road test tôi phải thi 5 lần. Lần đầu người giám thị gần như hoảng sợ và tôi không hiểu nổi sao ông ấy lại sợ đến như vậy. Đó là vì tôi lái theo kiểu Việt Nam dù bản thân thấy rất cẩn thận và an toàn.

Các lần sau họ đều nói với tôi rằng: Kỹ năng lái của anh rất tốt nhưng thói quen của anh cần phải sửa.” Sự thật là môi trường lái xe ở Việt Nam khó khăn hơn ở đây nhiều, nên kỹ năng của mình tốt là hiển nhiên. Nhưng văn hoá lái xe thì rất khác biệt.

Việc tôi bị chê vì ngoái đầu ở Việt Nam thì ở đây là bắt buộc rất nghiêm khắc, đó là thủ tục Shoulder check. Khi khởi hành, khi chuyển làn đều bắt buộc phải ngoái cổ nhìn về phía sau (Việt Nam hồi tôi học không hề dạy điều vô cùng quan trọng này) vì thủ tục này giúp tránh điểm mù. Lái xe ở đây mà quên shoulder check thì khả năng tai nạn là cực cao, tôi đã vài lần suýt va chạm vì lơ đãng, quên shoulder check, may giật mình tỉnh ra mà kịp trả lái về làn của mình.

Điểm thứ 2 họ dạy tôi đó là nhường nhịn. Hãy nhường đường và chỉ lăn bánh khi cảm thấy thực sự an toàn. Nếu nghi ngại cứ dừng hẳn xe lại.

Vì thế nếu bạn lái xe nhập làn vào cao tốc bạn phải shoulder check và nếu xe quá đông thì bạn cứ dừng lại, chờ khi nào ngớt xe thì nhập làn. Trong trường hợp này bạn sẽ thấy nổi lên văn hoá nhường nhịn. Đó là nếu bạn chờ có vẻ hơi lâu thì chắc chắn sẽ có người đi chậm lại và ra hiệu nhường đường để bạn nhập làn.

Văn hoá này và kỹ thuật này là hiển nhiên trong việc tham gia giao thông. Việc bạn chuyển làn mà xảy ra va chạm là lỗi hoàn toàn thuộc về bạn không bàn cãi.

Ở đây ai chạy trên làn của người đấy, đường không ưu tiên phải nhường đường ưu tiên. Cứ đứng đấy mà chờ, đừng sốt ruột.

Quay lại ảnh vụ tai nạn, có thể thấy khi công an, xe cẩu đến hiện trường, tức là đã sau khoảng thời gian khá dài nhưng xe bị tắc vẫn rất ít. Tức là khoảng thời gian trước và sau vụ tai nạn, mật độ giao thông rất thấp. Không có gì phải vội vàng vượt vào đường cao tốc. Đi chậm lại chút là có nhiều không gian để nhập làn an toàn.

Có thể có bạn thắc mắc là đường vậy, nếu đi sau xe tải nặng, chạy chậm thì làm thế nào? Ở Canada thì cứ yên tâm mà chạy sau, đến đoạn nào có làn vượt hoặc vạch sơn cho vượt thì vượt.

Cái may ở Canada là không có “chim mồi”, người đi chậm tự giác đi làn trong nhường làn ngoài cho người chạy nhanh hoặc nép vào nhường người vượt, không chèn ép.

Để có được văn hoá giao thông, đó là trách nhiệm của nhà nước. Khi có văn hoá giao thông tốt thì tai nạn sẽ giảm xuống, đồng thời sẽ tận dụng được hết công suất của hệ thống hạ tầng, chính là tiết kiệm rất lớn cho nguồn lực quốc gia.

PS: Mình quên không viết một yếu tố rất quan trọng nữa là đoạn đường trước và trong khoảng này tốc độ cho phép trên đường là 60km/h. Có video quay biển này, tốc độ 60km/h với xe hơi là chậm. Chỉ sau khi nhập làn xong thì mới nâng lên biển 80km/h.

4 nhận xét:

  1. nói chung là nước ta vẫn còn cần đầu tư thêm về nhiều mặt để có thể đạt được tiêu chuẩn đường cao tốc như các nước phát triển hiện đại ngày nay, họ đã đi trước chúng ta hàng thập kỷ nên chắc chắn trình độ của họ sẽ phát triển cao cấp hơn, điều kiện cũng rộng mở hơn

    Trả lờiXóa
  2. là do văn hoá lái xe của mỗi quốc gia, không thể đánh giá tất cả là do lỗi của bên đường cao tốc được, đúng là đường cao tốc thì chất lượng chưa thể đạt được yêu cầu nhưng dù là tình huống như nào thì người lái xe vẫn nên có được sự tỉnh táo nhất định để xử lí một cách kịp thời và an toàn

    Trả lờiXóa
  3. bản thân mình cũng như đa phần những người mình quen khi học lái xe trong phần sa hình thì thầy chủ yếu chỉ mẹo để qua bài thuận lợi (bởi mình đi làm nên không có nhiều thời gian học), còn đường trường thì đường thường rất vắng, nên khi có bằng và lái xe ngoài thực tế vẫn gặp khá nhiều khó khăn

    Trả lờiXóa
  4. Thực sự thì tiêu chuẩn đường cao tốc của nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cũng không thể so sánh với các nước khác được. Còn về việc xử lý tình huống trên đường cao tốc thì thực sự vẫn còn một số thành phần "non tay", luống cuống. Vậy nên cần phải cực kỳ bình tĩnh, tỉnh táo để xử lý tình huống một cách tốt nhất

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog