Thất bại với ông Philippe Troussier là lời nhắc nhở về việc giám sát, kiểm soát huấn luyện viên, ngay từ vấn đề ngoài chuyên môn như chuyện phát ngôn.
Không chỉ thất bại trên sân cỏ, cuộc khủng hoảng của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier đã bắt đầu ngay từ phòng họp báo, từ mâu thuẫn giữa ông và giới truyền thông.
Không phải tự nhiên mà tiêu chí phù hợp về “văn hoá, sự cầu thị và chấp nhận khác biệt” là yếu tố được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đặt lên hàng đầu trong cuộc tìm kiếm người thay thế HLV Troussier. Thất bại của ông thầy người Pháp ở Việt Nam phải được nhìn nhận rộng ra ngoài phạm vi sân cỏ.
HLV Troussier chia tay đội tuyển Việt Nam chỉ sau hơn một năm làm việc, dù hợp đồng ban đầu có thời hạn đến năm 2026.
Vấn đề thành tích chỉ là một phần trong cơn khủng hoảng mà đội tuyển Việt Nam và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phải giải quyết sau khi chia tay HLV Troussier. Đó là cuộc khủng hoảng về truyền thông. Rất lâu rồi đội tuyển Việt Nam mới rơi vào trạng thái như hiện tại, khi những luồng ý kiến hướng về đội bóng và liên đoàn hầu như là tiêu cực.
Bầu không khí nặng nề ấy được tạo ra một phần lớn là do HLV Troussier, không chỉ là chuyện thành tích. Ông Troussier không chỉ mang tới những kết quả không tốt trên mặt cỏ. Ngoài sân, ông còn tạo ra một bầu không khí ngột ngạt, có nhiều phát biểu sốc, gây ngỡ ngàng từ các học trò tới cả giới truyền thông, người hâm mộ.
Trải nghiệm dưới thời ông Troussier cho thấy một phong cách hoàn toàn khác HLV Park Hang Seo và rộng hơn là mọi HLV châu Á khác. Ông thầy người Pháp sở hữu cá tính quyết liệt, thẳng thắn, không ngại đối thoại về các vấn đề tế nhị như lúc ông nói rằng 80% người hâm mộ không ủng hộ mình, như lúc ông bảo nhiều người đang chờ VFF sa thải ông, như lúc ông công khai bảo Hoàng Đức có thể giành Quả bóng vàng nhưng vẫn chưa phù hợp với đội tuyển...
Những phát biểu của HLV Troussier trong nửa năm gần đây luôn khiến ông ở thế... đối đầu với dư luận.
Những phát biểu kiểu ấy có thể tìm thấy rất nhiều dưới thời HLV Troussier và biến mỗi cuộc họp báo trở thành một cuộc chiến và tạo ra hàng loạt tranh cãi không đáng có, tác động xấu tới chính ông, các học trò, giới truyền thông và cả người hâm mộ.
Có thể đó là cách để HLV Troussier kéo sự chỉ trích ra khỏi các học trò và câu chuyện chuyên môn. Tuy nhiên, khi thành tích trên sân không tốt, sự tranh cãi ấy trở thành xúc tác khiến những chỉ trích trở nên dữ dội hơn.
Những người tinh ý sẽ nhận ra tuyển Việt Nam từ lâu đã không còn chuộng những HLV tới từ châu Âu. Trước ông Troussier, ông thầy châu Âu gần nhất là Falko Goetz từ hơn 10 năm trước. Ông Goetz cũng ra đi trong thất bại sau hơn nửa năm.
Khác biệt quá lớn về văn hóa dường như là mẫu số chung của những HLV này. Điều đó không chỉ diễn ra tại Việt Nam. Ở quê nhà của ông Park Hang Seo, HLV Jurgen Klinsmann cũng hứng vô số chỉ trích trước khi bị sa thải. Dày dạn như Carlos Queiroz cũng bị chỉ trích vì “dành quá nhiều thời gian ở châu Âu hơn là tập trung làm việc tại Iran”.
Đó có lẽ là lý do cho sự trở lại của những HLV bản địa trên toàn châu Á. Trong nhóm 6 đội tuyển hàng đầu châu lục, có tới 5 đội dùng HLV ngoại. Roberto Mancini ở Ả Rập Xê Út là HLV nước ngoài duy nhất thuộc nhóm này.
Khác với cấp CLB, đội tuyển là tập hợp của nhiều tài năng tới từ nhiều đội bóng trong thời gian ngắn, hầu hết có cá tính mạnh, được quan tâm đặc biệt bởi cộng đồng người hâm mộ đông đảo. Huấn luyện đội tuyển vì thế cần đề cao yếu tố gắn kết bên cạnh việc huấn luyện thông thường. So với HLV ngoại, đây là điểm thầy nội có thể làm tốt hơn.
Đương nhiên, điều đó không đồng nghĩa tuyển Việt Nam cũng cần tân HLV nội. Điều đó chỉ cho thấy những khác biệt về văn hóa, vấn đề phát ngôn phải được đặc biệt xem trong trên hành trình tìm thuyền trưởng mới của VFF.
Các quy định cụ thể về phát ngôn, những điều phải nói, điều nên nói hay điều không được nói vốn chẳng còn xa lạ trong thể thao, điển hình là nguyên tắc bảo mật thông tin, con số trong các hợp đồng.
"Có lẽ cần xem lại cách hành xử với HLV. Chúng ta là chủ, ông ấy là người làm thuê, chúng ta phải điều chỉnh được ông ấy chứ. Chọn ông ấy có lẽ không sai, nhưng có vẻ chúng ta không kiểm soát được ông ấy. Ông ấy có nhược điểm nhưng chúng ta không bổ sung kịp", ông Lê Huy Khoa, từng làm việc ở đội tuyển Việt Nam trong vai trợ lý - cầu nối giao tiếp - của HLV Park Hang Seo nêu quan điểm.
Đương nhiên vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia cần có quyền chủ động trong những quyết định và VFF không nên can thiệp sâu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là VFF để cho HLV hoàn toàn tự do theo ý muốn. Cần có biện pháp "mềm" để kiểm soát, ví dụ ngay từ chuyện phát ngôn.
Định hướng phát ngôn cũng là điều cần thiết trong bối cảnh mạng xã hội và báo chí ngày càng phát triển, mỗi phát biểu thiếu thận trọng đều sẽ thành miếng mồi cho mạng xã hội, khơi dậy những mâu thuẫn không đáng có. Điều này đã diễn ra rất nhiều dưới thời ông Troussier.
VFF chắc chắn đã “trả học phí” khá đắt cho bài học này dưới thời HLV Troussier. Giờ là lúc họ phải cho thấy sự rút kinh nghiệm từ bài học này.
Nguồn: Thanh Hà/VTC News
Công nhận là ông HLV người Pháp này có những phát ngôn không thể hiểu nổi! Ông đã dùng lứa cầu thủ non hơn lứa cầu thủ trước, những lại bắt họ chơi lối chơi đòi hỏi đẳng cấp bằng hoặc cao hơn lứa trước. Đã vậy còn bảo thủ, né tránh!
Trả lờiXóaTrong hoàn cảnh này tôi nghĩ tốt nhất là ông nên im lặng, vì ông không nhận thấy cái sai từ mình và luôn tìm cách giải thích, biện minh và né tránh. Định hướng ngôn luận là điều rất cần thiết trong thời đại 4.0 như hiện nay. VFF nên lấy trường hợp của ông Troussier để rút kinh nghiệm hơn cho sau này
Trả lờiXóaTôi thấy VFF quá nhiều quyền trong việc lựa chọn huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia, đồng ý là thời kỳ của ông Park rất huy hoàng nhưng trừ thời của ông này ra thì không có gì để kể, chưa tính đến cái trò thuê huấn luyện viên về nhưng đá không ra gì là thanh lý hợp đồng, nhưng chẳng ai bàn đến cái ông thẩm định để đưa HLV về
Trả lờiXóa