Chia sẻ

Tre Làng

Biệt khu Thủ đô ngày tận thế

Biệt khu Thủ đô, trước ngày giải phóng 30-4-1975 là cơ quan chỉ huy “Phòng thủ nội đô” của quân đội và ngụy quyền Sài Gòn – Trụ sở 291 đường Lê Văn Duyệt (còn gọi là Trại Lê Văn Duyệt. Sau giải phóng được đổi tên là đường Cách mạng Tháng Tám, thuộc phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh).

Ngược dòng lịch sử, qua tài liệu, lời kể của nhiều nhân chứng, trước năm 1954, khi quân đội Pháp còn chiếm đóng Sài Gòn, nơi đây lúc đầu chỉ là trại nuôi ngựa, dần dần được xây dựng, trở thành nơi đồn trú của quân Pháp.

Để đàn áp phong trào cách mạng, từng bước thanh trừ, tiêu diệt các lực lượng vũ trang thân Pháp, ngay từ khi tiếp quản Trại Lê Văn Duyệt từ tay người Pháp, Mỹ-Diệm đã tập trung xây dựng nơi đây thành cơ quan Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô (tên gọi ban đầu của Biệt khu Thủ đô), có nhiệm vụ xuyên suốt là chỉ huy, tổ chức độc lập hoặc phối hợp với các đơn vị quân đội, cảnh sát, bảo an thực hiện các cuộc hành quân càn quét, tảo thanh để “Phòng thủ nội đô” Sài Gòn, ngăn chặn sự xâm nhập, tiến công của lực lượng cách mạng.

Được Mỹ hậu thuẫn thông qua phái đoàn cố vấn và viện trợ Mỹ, cùng với việc “chỉnh đốn”, “cải tổ” ngành cảnh sát và công an, chính quyền Diệm đã từng bước xây dựng phát triển lực lượng quân đội, trong đó có Quân khu – Biệt khu Thủ đô.

Trại Lê Văn Duyệt 1969. Ảnh tư liệu.

Theo Sắc lệnh số 147/b/QP ngày 24-10-1956, ngụy quyền đã quyết định điều chỉnh, sửa đổi lại 9 tỉnh thuộc Đệ nhất quân khu gồm: “Gia Định, Phước Long, Bình Tuy, Bình Dương, Biên Hòa, Tây Ninh, Phước Tuy, Long Khánh, Bình Long”. Hai quân khu mới được thành lập và được mệnh danh là: 1. Quân khu Thủ đô (Thủ đô Sài Gòn), 2. Đệ ngũ quân khu gồm 13 tỉnh là Long An, Kiến Tường, Kiến Phong, Định Tường, Kiến Hòa, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, An Giang, Phong Dinh, Ba Xuyên, Kiên Giang, An Xuyên và Côn Sơn” (Tài liệu: Tham mưu biệt bộ – Phủ tổng thống – Trung tâm lưu trữ quốc gia II TP Hồ Chí Minh).

Ngày 14-2-1957, Đại tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã ký Công vụ lệnh số 146/TTM/VP chỉ định Chỉ huy trưởng 3 quân khu kể trên, gồm: “Trung tướng Dương Văn Minh, Chỉ huy trưởng Quân khu Thủ đô; Đại tá Nguyễn Văn Y , Chỉ huy trưởng Đệ nhất quân khu; Đại tá Nguyễn Văn Là, Chỉ huy trưởng Đệ ngũ quân khu. Trung tướng Dương Văn Minh “đã một thời xứng danh là người hùng Rừng Sác… có công dẹp loạn Bình Xuyên”, từng theo học khóa chỉ huy và tham mưu ở Mỹ được phong Trung tướng lúc 43 tuổi, đồng thời kiêm nhiệm chức Tư lệnh 3 quân khu trên.

Theo tài liệu “Bản đồ đồn trú của Quân đội Việt Nam Cộng hòa”, vào những năm đầu của chế độ Diệm – Nhu, dưới cấp Quân khu có các Phân khu, Bộ tham mưu và Trung đội chỉ huy riêng. Tại Sài Gòn thuộc “Quân khu Thủ đô” có Phân khu Sài Gòn – Chợ Lớn, Phân khu Đô Thành… Thuộc Đệ nhất quân khu có Bộ Tham mưu Phân khu miền Đông gồm: Thủ Đức, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Từ năm 1962, chính quyền Diệm phân lãnh thổ miền Nam thành 4 quân khu (I, II, III, IV). Quân khu Thủ đô được gọi là “Biệt khu Thủ đô” thuộc Vùng 3 chiến thuật của Mỹ – ngụy. Tư lệnh Biệt khu thời điểm này do Đại tá Nguyễn Văn Là đảm nhiệm. Biên chế tổ chức của Biệt khu, ngoài Văn phòng Bộ Tư lệnh, Đại đội canh phòng Tổng hành dinh, có các phòng: Phòng 1 (Quản trị nhân viên), Phòng 2 (Phòng Nhì) theo dõi, điều hành, thu thập tin tức tình báo. Phòng 3 (Phòng Hành quân) lập các kế hoạch, ra các chỉ lệnh, thông báo hành quân đơn phương hoặc độc lập, phối hợp với Phòng Quân huấn – Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh vùng 3 chiến thuật tổ chức huấn luyện hạ sĩ quan, binh sĩ. Phòng 4 (Tiếp liệu) đảm bảo hậu cần. Phòng 5 (Chiến tranh chính trị-Tâm lý chiến) tuyên truyền chống cộng, phản cách mạng. Phòng 6 (Truyền tin), thời Mỹ – Thiệu phát triển thành 1 đại đội thay phiên nhau trực đài, chỉ huy các hoạt động an ninh, phòng thủ của Biệt khu. Ngoài ra còn có lực lượng cấp đại đội phiên hiệu từ 306 đến 310 đồn trú trong nội đô và ven đô; lực lượng các phân khu, tiểu khu, các thị trấn quận, huyện ngoại thành và lực lượng quân cảnh duy trì kỷ luật quân đội, phối hợp bảo vệ an ninh nội đô.

Các cơ quan có quan hệ đến nhiệm vụ “Phòng thủ nội đô”, huấn luyện đào tạo hạ sĩ quan, binh sĩ của Biệt khu có Văn phòng Phủ thủ tướng, Văn phòng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh vùng 3 chiến thuật, các Bộ Chỉ huy Công binh, Hải quân, Không quân, các Nha an ninh quân đội, Tâm lý chiến… Nhiều cuộc họp “liên quân” thường kỳ đã diễn ra.

Tháng 11-1963, tướng Dương Văn Minh, nguyên Tư lệnh Biệt khu Thủ đô tổ chức đảo chính, lật đổ chính quyền Diệm, lên làm “Quốc trưởng”. Anh em Diệm – Nhu bị sát hại. Tiếp đó, Nguyễn Khánh cầm đầu nhóm tướng lĩnh làm cuộc “chỉnh lý” lật đổ Dương Văn Minh. Đến mùa hè 1965, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ loại Nguyễn Khánh lên nắm quyền. Đây cũng là thời điểm đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam.

Ngày 2-7-1965, khi còn là Chủ tịch “Ủy ban hành pháp Trung ương”, Nguyễn Cao Kỳ đã ký Sắc lệnh số 124-QP “Đổi danh hiệu Biệt khu Thủ đô thành Quân khu Thủ đô”. Theo điều 1 của Sắc lệnh: “Ranh giới Quân khu Thủ đô tạm thời là ranh giới Biệt khu Thủ đô cũ, gồm Đô thành Sài Gòn; tỉnh Gia Định” (Công báo Việt Nam – 1965/2770).

Chuẩn tướng Phan Ðình Thứ (Lam Sơn), tư lịnh phó Biệt Khu Thủ Đô

Tròn 1 năm sau, ngày 18-7-1966, Nguyễn Cao Kỳ lại ký tiếp Sắc lệnh số 130/SL/QP “Đổi danh hiệu Quân khu Thủ đô thành Biệt khu Thủ đô” (tên gọi này kéo dài đến ngày bị quân ta đánh chiếm, làm chủ hoàn toàn ngày 30-4-1975). Điều mới theo quy định của Sắc lệnh này là “Ranh giới Biệt khu Thủ đô bao gồm Đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định và Côn Sơn”. Biệt khu Thủ đô vẫn được “Đặt thuộc Vùng 3 chiến thuật, có nhiệm vụ như một khu chiến thuật” (Công báo Việt Nam 1966 – số 3120/18).

Để tạo phe cánh, Nguyễn Cao Kỳ đã đưa chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan làm Tổng giám đốc Cảnh sát, phụ trách an ninh tình báo Trung ương và an ninh quân đội. Tướng Lê Nguyên Khang “Bạn cùng khóa sĩ quan Nam Định” với Nguyễn Cao Kỳ được cử giữ 3 chức vụ quan trọng: Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tư lệnh Quân đoàn 3 và Tư lệnh Sư đoàn lính thủy đánh bộ (Nguyễn Duy Xí – Đằng sau Dinh Độc Lập – Nxb QĐND – H.1990 – tr.32).

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 của quân dân ta, phe cánh Nguyễn Cao Kỳ bị thiệt hại nặng nề; Phó tư lệnh Biệt khu Thủ đô Nguyễn Văn Giám bị thương. Tư lệnh Biệt khu Thủ đô Lê Nguyên Khang bất lực trước sức tấn công của Quân giải phóng, bị Nguyễn Văn Thiệu chỉ trích, tước hàng loạt chức vụ, trong đó có chức Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, về làm Tư lệnh Lữ đoàn Thủy quân lục chiến. Trần Văn Hai được Thiệu cử thay Lê Nguyên Khang làm Tư lệnh Biệt khu Thủ đô.

Khoảng thời gian từ năm 1968 – 1972, Biệt khu Thủ đô do Trung tướng Nguyễn Văn Minh làm Tư lệnh.

Trước sức mạnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đẩy quân ngụy đến bờ vực sự sụp đổ, Dương Văn Minh đã cử tướng Lâm Văn Phát làm Tư lệnh Biệt khu Thủ đô thay tướng Nguyễn Văn Minh vừa mới bỏ chạy ra nước ngoài.

Sau hàng chục năm tồn tại, đặt dưới sự tin cậy của chế độ ngụy quyền, sự tiếp sức, viện trợ, chỉ huy của người Mỹ và nhiều tướng tá có kinh nghiệm, Quân khu Thủ đô – Biệt khu Thủ đô, một công cụ đắc lực trong phòng thủ nội đô, gây nhiều tổn thất cho cách mạng biệt khu đó đã đến ngày tận thế.

Ngày 30-4-1975, cùng với các hướng mũi tiến công, trong đội hình Đoàn 232, Sư đoàn bộ binh 9 là lực lượng tiến công chủ yếu vào Sài Gòn trên hướng Tây Nam. 10 giờ 30 phút cùng ngày, Chính trị viên đại đội Nguyễn Anh Tính, Trung đội trưởng Trần Đức Quang cùng các chiến sĩ Đại đội 12 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1) cắm cờ giải phóng lên tòa nhà chính của Biệt khu Thủ đô (Trại Lê Văn Duyệt), bắt tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh và nhiều sĩ quan khác; sau đó hợp cùng các cánh quân tiến công và làm chủ Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn.

***
Bài cũ đăng lại.
Tác giả: Đại tá Đồng Kim Hải
Nguồn: dangquyetthang

2 nhận xét:

  1. Lính thủy quân lục chiến Mỹ được lệnh chặt hạ những cây cổ thụ trong khuôn viên Sứ quán Mỹ để lấy chỗ cho máy bay trực thăng đáp xuống thực hiện công việc di tản. Khi nhìn thấy những cây cổ thụ bị đốn, những nhân viên người Việt hiểu ngay ra vấn đề. Hàng nghìn người đã vây quanh khu nhà sứ quán, hy vọng chen được vào bên trong để có một chỗ trên máy bay rời khỏi Sài Gòn.

    Trả lờiXóa
  2. đã gọi là Biệt khu thì cũng hiểu được mức độ quan trọng của khu vực này rồi. Tính ra bọn được biên chế trong biệt khu này toàn mấy thằng sừng sỏ của Ngụy, lại được Mỹ bơm đồ liên tục, gây ra rất nhiều khó khăn và tổn thất cho quân đội ta. Nhưng mà với cái kiểu chia bè kéo cánh và thao túng quyền lực của bọn nó, kèm theo sự đồng lòng tiến công của quân và dân ta, thì dù bọn nó có hiện đại và nhan hiểm đến mấy cũng phải đu càng qua Cali thôi

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog