Tỷ phú Mỹ Elon Musk, CEO của công ty Tesla và SpaceX, gần đây nêu quan điểm về chiến lược của Mỹ nhằm khiến Nga suy yếu.
Trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tỷ phú Elon Musk đã nhiều lần nêu quan điểm cá nhân, ủng hộ đàm phán chấm dứt xung đột.
Theo RT, tỷ phú Elon Musk ngày 10/3 tỏ ra đồng tình với quan điểm của nhà đầu tư David Sacks, rằng nỗ lực làm suy yếu Nga của Mỹ đang "phản tác dụng". Thông qua cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ và phương Tây đã áp đặt biện pháp trừng phạt, hỗ trợ vũ khí với mục đích nhằm khiến Nga kiệt quệ.
"Chúng ta đang khiến quân đội Nga trở nên mạnh mẽ hơn. Quy mô quân đội Nga giờ đây lớn hơn. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga sản xuất nhiều vũ khí hơn. Nga cũng tích lũy kinh nghiệm thực chiến, đặc biệt là nắm được cách đối phó vũ khí phương Tây', ông Sacks nói.
Bình luận về nhận định này, tỷ phú Elon Musk cho biết: "Thật đáng tiếc, đây là sự thật". Tháng trước, tỷ phú Musk cũng kêu gọi Mỹ ngừng hỗ trợ vũ khí cho Ukraine vì "không có cách hữu hiệu nào có thể khiến Nga thất bại trong xung đột".
So sánh quy mô quân đội của Nga với Ukraine, ông Sacks cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "tạo ra quân đội Nga mạnh mẽ hơn trước". Ngược lại, các chính sách của Mỹ đang khiến "kho dự trữ vũ khí cạn kiệt", ông Sacks nói.
Ông Sacks nói nền kinh tế Nga không chỉ không sụp đổ như phương Tây dự đoán mà còn đang phát triển hơn so với các quốc gia nhóm G7. Cuối cùng, ông Sacks cho rằng Ukraine là bên chịu tổn hại lớn nhất trong cuộc xung đột vì Mỹ và phương Tây "sẵn sàng đối đầu Nga cho đến người Ukraine cuối cùng".
Theo đài CNN, NATO ước tính Nga đang sản xuất 250.000 quả đạn pháo/tháng, tương đương khoảng 3 triệu quả/năm. Con số này gấp gần 3 lần so với mức 1,2 triệu quả đạn pháo/năm của Mỹ và châu Âu.
"Xung đột đã trở thành cuộc chạy đua sản xuất vũ khí", một quan chức NATO nói với CNN. "Kết quả xung đột ở Ukraine phụ thuộc vào mức độ sản xuất vũ khí của mỗi bên".
Đăng Nguyễn - RT
Tỷ phú Mỹ đã thay đổi quan điểm nhiều lần liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Ban đầu, ông Musk cung cấp cho Kiev các thiết bị đầu cuối Starlink miễn phí và quyền truy cập mạng vệ tinh, nhưng từ chối kích hoạt dịch vụ Starlink gần Crimea vì lo ngại Ukraine sẽ tận dụng Starlink để điều khiển UAV tấn công hạm đội Biển Đen của Nga đồn trú ở bán đảo này.
Trả lờiXóa