Chia sẻ

Tre Làng

Một số đại biểu Quốc hội đã 'tự mình tước đi' quyền miễn trừ

Pháp luật trao cho đại biểu Quốc hội đặc quyền miễn trừ là để đại biểu có sự độc lập và tự do trong thực hiện nhiệm vụ, sứ mạng đại biểu cao cả. Quyền miễn trừ không phải là công cụ để đại biểu lợi dụng nhằm thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, vụ lợi cá nhân.

Thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bị khởi tố, bắt giam khiến dư luận thắc mắc liệu ĐBQH ở nước ta có quyền miễn trừ hay không, nếu có sao họ vẫn không được… miễn trừ? Ví dụ gần nhất là ông Dương Văn Thái, bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; ông Thái bị bắt trước khi bị bãi nhiệm ĐBQH.

Quyền miễn trừ của ĐB dân cử (nghị sĩ, ĐBQH) là sự bảo vệ về mặt pháp lý dành cho các thành viên của cơ quan lập pháp để họ có thể tự do bày tỏ ý chí, thực hiện trách nhiệm của mình với các cử tri. Thông thường, quyền miễn trừ được hiểu là việc không phải gánh chịu các loại trách nhiệm pháp lý bất lợi.

Theo Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), nội dung quyền miễn trừ bao gồm hai khía cạnh là quyền không chịu trách nhiệm và quyền bất khả xâm phạm. Quyền không chịu trách nhiệm có nghĩa là các ĐB dân cử sẽ không phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý về những phát ngôn và hành vi biểu quyết của mình. Còn quyền bất khả xâm phạm bảo đảm cho các ĐB dân cử có những tự do nhất định về mặt thân thể.

Nếu như quyền không chịu trách nhiệm bảo vệ các ĐB dân cử khỏi những trách nhiệm phát sinh từ những lựa chọn hay lá phiếu mà họ bỏ thì quyền bất khả xâm phạm tập trung bảo vệ ĐB dân cử trước việc bắt giữ hay bất kỳ hình thức tước đoạt tự do nào khác trong nhiệm kỳ của mình.

Ông Dương Văn Thái.

Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận quyền miễn trừ của ĐB dân cử. Về mặt lý luận và thực tiễn, ĐB dân cử nhận sự ủy thác trực tiếp từ nhân dân để thực hiện hoạt động giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên họ được trang bị các đặc quyền quan trọng, trong đó có quyền miễn trừ.

Quyền miễn trừ là bảo đảm pháp lý cần thiết để ĐB dân cử thực hiện các nhiệm vụ thiêng liêng mà không sợ bị đe dọa, bị bắt bớ chỉ vì lý do thù ghét… Đó là đặc quyền, là thượng phương bảo kiếm mà pháp luật trao cho ĐB dân cử để họ yên tâm nói lên tâm tư, nguyện vọng của nhân dân một cách chân thật và trung thực nhất…

Tuy nhiên, quyền miễn trừ không phải là vô hạn mà theo quy định của nhiều nước, nó chỉ được áp dụng đối với các hành động thực hiện nhiệm vụ ĐB trong nhiệm kỳ nghị viện. Nói cách khác, quyền miễn trừ chỉ bảo vệ các nghị sĩ trong các kỳ họp nghị viện và khi thực hiện nhiệm vụ của người nghị sĩ. Điều đó có nghĩa là nếu ngoài kỳ họp nghị viện và khi thực hiện các hoạt động với tư cách cá nhân và vì mục đích cá nhân thì nghị sĩ đó có thể là đối tượng của việc bị truy cứu trách nhiệm pháp lý.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Trường hợp ĐBQH lạm quyền, tùy tiện hoặc vi phạm pháp luật thì xem như ĐB đó đã bội tín với nhân dân. Lúc này, họ không còn xứng đáng với niềm tin của nhân dân nên sẽ bị “phế truất” quyền miễn trừ trước khi cơ quan pháp luật xử lý hình sự họ.

Ở nước ta, Điều 81 Hiến pháp 2013 quy định: “Không được bắt, giam giữ, khởi tố ĐBQH nếu không có sự đồng ý của QH hoặc trong thời gian QH không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ QH…”. Điều 37 Luật Tổ chức QH quy định rõ hơn về thủ tục thực hiện: “Việc đề nghị bắt, giam giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao”.

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận khá đầy đủ quyền miễn trừ của ĐB dân cử theo thông lệ quốc tế. Cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng khẳng định quyền miễn trừ chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH. Trường hợp ĐBQH lạm quyền, tùy tiện hoặc vi phạm pháp luật thì xem như ĐB đó đã bội tín với nhân dân. Lúc này, họ không còn xứng đáng với niềm tin của nhân dân nên sẽ bị “phế truất” trước khi cơ quan pháp luật xử lý hình sự họ.

Điển hình như vụ bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái mới đây nhất hay vụ cựu bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan hồi tháng 3 vừa qua. Trước khi thực hiện các bước tố tụng, Viện trưởng VKSND Tối cao đều có đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét… đối với ĐBQH liên quan. Sau khi được Ủy ban Thường vụ QH ban hành nghị quyết đồng ý đề nghị này, cơ quan tố tụng mới khởi tố, bắt tạm giam cá nhân đó. Kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can, cá nhân này cũng bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH. Kế đến, trong kỳ họp gần nhất, QH sẽ bãi nhiệm ĐBQH với cá nhân bị khởi tố...

Người dân trao quyền cho ĐBQH với kỳ vọng là các ĐB phải thực hiện những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến quốc kế, dân sinh. Pháp luật trao cho ĐBQH đặc quyền miễn trừ là để ĐB có sự độc lập và tự do trong thực hiện nhiệm vụ, sứ mạng ĐB cao cả. Quyền miễn trừ không phải là công cụ để ĐB lợi dụng nhằm thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, vụ lợi cá nhân. Một khi ĐB “phản kèo”, bội tín với nhân dân, pháp luật sẽ tước bỏ đặc quyền miễn trừ ấy, đồng thời cho họ “hưởng” sự bình đẳng trong nhận lãnh sự trừng trị của pháp luật…

Trên hết, người dân luôn hy vọng tất cả ĐBQH đều lòng trong, mắt sáng khi thực hiện nhiệm vụ ĐB, xứng đáng với sự tín thác của nhân dân và đặc quyền miễn trừ mà pháp luật đã ban phát. Còn nếu vi phạm pháp luật, chính ĐB đã tự mình tước đi quyền miễn trừ.

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Nguồn: Pháp luật TP HCM

5 nhận xét:

  1. Theo tôi thì mấy ông đại biểu quốc hội muốn sử dụng quyền miễn trừ thì chỉ có thể sử dụng trong trường hợp tự nhận thức được bản thân trong sạch, đang bị vu oan hay cản trở thôi, còn những trường hợp bị khởi tố thì chứng cứ đã đầy đủ, bản thân cũng biết việc đã bị lộ, giờ mà còn đòi sử dụng quyền miễn trừ chẳng khác nào tự vả vào mặt mình

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng ! giờ mọi sự đã rõ rồi thì còn miễn trừ cái gì nữa. Tự biết kiểm điểm bản thân mà sám hối thôi. Mọi sự cũng đã rồi, ai sai phạm cũng phải trả giá rồi. Cũng biết là khi những người tài, có công với đất nước này bị xử lý rất là buồn, chỉ vì một sai phạm nhỏ thôi cũng phải trả giá rồi. Mong các vị các sẽ lấy đây làm tấm gương cho chính bản thân mình

      Xóa
  2. Mấy ông đại biểu quốc hội tha hóa, biến chất cứ nghĩ mình có quyền miễn trừ nên lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật mà không sợ mình bị xử lý. Nhưng quyền này để thay nhân dân nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn. Chứ dùng để vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của nhân dân mà còn đòi miễn trừ thì đúng là nực cười.

    Trả lờiXóa
  3. Rất may mắn là trước khi đại hội diễn ra thì những cá nhân tham nhũng tiêu cực, những con sâu mọt tồn tại trong nội bộ đã bị loại trừ ra khỏi bộ máy, tăng thêm niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị, từ đó tạo bàn đạp để Việt Nam phát triển vươn tầm các quốc gia phát triển khác

    Trả lờiXóa
  4. Quyền gì không biết chứ khi đã đủ căn cứ vi phạm pháp luật rồi thì chỉ có tra tay vào còng chứ làm gì có quy định nào bảo vệ cho tội phạm, chính họ đã tự phủ nhận đi niềm tin của người dân, từ bỏ vai trò của một đại biểu quốc hội, đáng lý phải xử nặng tội hơn

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog