Nhấn mạnh các vi phạm trong vụ cháy 56 người tử vong ở Hà Nội "như một con rết nhiều chân", Phó giám đốc Công an TP cho biết nếu xử lý triệt để thì hết cả chuỗi hệ thống chính quyền của một phường.
Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030 của Hà Nội là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, trao đổi tại phiên thảo luận tổ tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, chiều 1/7.
Tại đây, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhấn mạnh thời gian qua, cả nước và thủ đô xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm. Xuất phát từ những vụ cháy đó, Thủ tướng đã có những chia sẻ và yêu cầu xử lý trong lĩnh vực này theo quy định pháp luật.
"Nếu xử lý hết thì hết cán bộ"
Theo ông Tùng, về hành lang pháp lý liên quan lĩnh vực PCCC, quy định trước đây "thừa thì vẫn thừa, mà thiếu thì vẫn thiếu", chưa có sự kết nối, thống nhất, đồng bộ.
Vừa qua, Quốc hội thông qua Luật PCCC nhưng ông Tùng cho rằng việc này "chỉ phần nào", còn phụ thuộc vào việc ban hành nghị định để thực hiện vì luật này liên quan nhiều bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Công an.
Dẫn thực tế việc áp dụng hành lang pháp lý vào quy định PCCC tại các địa phương chỉ mang tính tức thời, thời sự, Phó giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh việc triển khai các quy định còn chưa có sự đồng bộ, liên thông.
"Từ các dự án, giấy phép xây dựng rồi liên quan thanh tra, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu còn nhiều cái xin cho. Có những cái tồn tại quá lâu, qua nhiều thời kỳ", ông Tùng nhấn mạnh.
Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 1/7 (Ảnh: Hà Mỹ).
Lấy ví dụ về vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) khiến 56 người tử vong hồi tháng 9/2023, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết cơ quan chức năng đã phải lật lại toàn bộ vụ việc, xác định nguyên nhân sâu xa là từ vi phạm trật tự xây dựng, từ đó khởi tố chủ nhà.
Cũng trong vụ cháy trên, lực lượng chức năng xác định vi phạm nằm toàn bộ trong giai đoạn 2015-2016, trong đó cán bộ phường trong giai đoạn này đã để công trình tồn tại.
Nhận định việc điều tra, xem xét tổng thể vụ việc "như một con rết nhiều chân", ông Tùng cho biết từ điều tra quy trình cấp phép xây dựng ngôi nhà, cơ quan chức năng còn xem xét cả trách nhiệm trong quá trình giám sát, nghiệm thu, áp dụng quy định về PCCC trong thời kỳ sau này.
"Tất cả những nội dung trên phải đưa ra bàn cân để xử lý hết. Nhưng nếu như thế thì hết cán bộ, hết cả một chuỗi hệ thống chính quyền ít nhất là của cả phường đó, chưa nói đến quận", theo Phó giám đốc Công an TP Hà Nội.
Ngoài trách nhiệm của chính quyền, ông Tùng nhấn mạnh ý thức của người dân trong đảm bảo an toàn về PCCC. Theo ông, nhiều người cam kết khắc phục các vi phạm nhưng không thực hiện, trong khi lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế, phá dỡ công trình, vì còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người mua nhà.
Do đó, ông nêu quan điểm Nhà nước có thể hỗ trợ người dân trong công tác khắc phục các vi phạm, bằng việc mạnh dạn hỗ trợ về nhân công, tiền bạc, nhân lực hướng dẫn.
"Hà Nội có thể áp dụng Luật Thủ đô vừa thông qua, quy hoạch của thủ đô các giai đoạn, từ đó ban hành hành lang pháp lý để có chế tài xử lý, ban hành cơ chế đặc thù để dần triệt tiêu những công trình có vi phạm. Và phải đưa ra lộ trình, chứ nếu cứ nói ra mà không có kinh phí, không có hỗ trợ, không sát sao thì không thể giải quyết được", theo Phó giám đốc Công an Hà Nội.
Vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong ở quận Thanh Xuân xảy ra hồi tháng 9/2023 (Ảnh: Nguyễn Hải).
Cùng quan tâm nội dung trên, ông Trần Hợp Dũng, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, nhấn mạnh đề án về PCCC đặt ra vấn đề cấp bách là sự vào cuộc của toàn hệ thống chứ không chỉ riêng lực lượng công an.
Theo ông Dũng, công tác PCCC thời gian qua mặc dù được đầu tư, nhưng công tác quản lý nhà chung cư và đầu tư xây dựng nhà riêng lẻ còn nhiều bất cập, đặc biệt bất cập trong tiêu chuẩn, quy chuẩn do từ Luật Đất đai đến Luật Nhà ở còn chồng lấn trong giai đoạn lịch sử.
Đại biểu nhấn mạnh trong tình hình mới, thành phố cần quy định rõ về quy chuẩn, tiêu chuẩn và biện pháp xử lý với khu nhà ở không đảm bảo về mặt cắt ngang đường để xe cứu hỏa tiếp cận khi có sự cố.
Ông Dũng gợi ý có thể quy định không cấp phép xây dựng thêm nhà ở cho những khu vực như trên, đồng thời có mô hình thí điểm để sử dụng hệ thống cấp nước, trữ nước tại các hộ dân để khi có cháy thì có nước sử dụng.
Hà Nội lên kế hoạch lắp đặt hơn 3.000 trụ chữa cháy
Trước đó sáng 1/7, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP, trình bày đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030.
Theo ông Trung, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thủ đô không ngừng gia tăng; trong khi cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí tập trung đông người, công trình công nghiệp, kho, xưởng, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phát triển đa dạng, tiềm ẩn cao nguy cơ về cháy, nổ.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, trình bày tờ trình đề án tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội (Ảnh: Thanh Hải).
Trong 10 năm (giai đoạn 2014-2023), thống kê cho thấy Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy, 218 vụ nổ. Nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người xảy ra tại nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và một số loại hình cơ sở khác trong khu dân cư.
Do đó, Hà Nội trình đề án với mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ hai và 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy, mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn.
Ngoài ra, dự thảo đề án lên kế hoạch để 100% khu dân cư được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của đội dân phòng.
Đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước.
Thành phố cũng dự kiến hoàn thành khoảng 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng.
Theo tính toán, khái toán kinh phí thực hiện đề án khoảng 26.300 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chi khoảng 13.800 tỷ đồng và ngân sách cấp quận, huyện khoảng 12.500 tỷ đồng.
Nguồn: Hà Mỹ/báo Dân Trí
mỗi một vụ cháy xảy ra là có sự liên quan về trách nhiệm của rất nhiều cơ quan, đoàn thể và nhiều cá nhân khác, vì vậy nếu không đến mức xử lí hình sự thì cũng nên có hình thức xử lí kỉ luật, chứ không thể ngó lơ mà cho qua, phải có bài học răn đe để các cá nhân có được nhận thức trách nhiệm về hành vi của mình
Trả lờiXóaxử lí các cá nhân chịu trách nhiệm là một chuyện, chuyện quan trọng hơn bây giờ chính là tập trung vào việc tuyên truyền và quản lí chặt chẽ về an toàn phòng cháy chữa cháy tại từng khu vực dân cư, từng hộ dân, ngăn chặn triệt để những nguyên nhân có thể xảy ra cháy
Trả lờiXóavấn đề phòng cháy chữa cháy tại những khu vực đông dân cư cần phải được quản lí chặt chẽ và đảm bảo đầy đủ các yếu tố an toàn, hạn chế được tối thiểu thiệt hại của các đám cháy gây ra, nhưng nếu cá nhân có trách nhiệm quản lí mà không làm tròn trách nhiệm của mình thì phải chịu xử lí là điều chắc chắn
Trả lờiXóaphải xử lí thật nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật những cá nhân có trách nhiệm trong sự việc này, đó sẽ là bài học và là tấm gương để răn đe đối với các cá nhân khác cần phải làm tròn trách nhiệm của mình trong công việc, ngăn chặn những trường hợp suy thoái về đạo đức trách nhiệm trong công việc
Trả lờiXóaTrong bối cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản thì vấn đề cần xem xét và coi trọng đó là vấn đề quản lý của các cơ quan ban ngành. Cần phải mạnh tay xử lý những cá nhân có liên đới đến vụ việc, tắc trách trong công việc gây hậu quả nghiêm trọng trên
Trả lờiXóaÔng nói cũng có ý đúng, toàn bộ nhưng căn nhà đang tồn tại là từ trước mà có chứ không được xây dựng sau khi có các quy định mới về xây dựng và phòng cháy chữa cháy nên còn nhiều bất cập, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân
Trả lờiXóaCũng đã có cán bộ bị xử lý thậm chỉ phó chủ tịch quận bị xóa chức vụ, quy định và pháp luật rất nghiêm minh, tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần có cách thức để khắc phục những tòa nhà được xây dựng từ thời cơ chế còn thoáng, và thông cảm cho những người trực tiếp thực thi công vụ
Trả lờiXóa