Chia sẻ

Tre Làng

Sống ảo và giá trị của lòng trung thực

Ong Bắp Cày

Quảng Ninh, 15/9/2024 - Mấy hôm nay, trên mạng xã hội lan truyền chuyện một số kẻ lợi dụng việc từ thiện mùa mưa lũ để “sống ảo”, chỉnh sửa số tiền quyên góp để tự thổi phồng lòng hảo tâm của mình. Đọc tới đây, tôi lại nhớ đến câu nói của người xưa: “Người tốt làm điều tốt không cần phô trương.” Vậy mà có kẻ, không những không thật lòng, còn dùng cả photoshop để "phông bạt" từ thiện. Đúng là chiêu trò của thời hiện đại!

Ảnh minh họa

Câu chuyện từ thiện vốn dĩ thiêng liêng, giờ bị làm cho hoen ố bởi vài kẻ thiếu ý thức. Trong khi người dân khắp nơi đang cố gắng từng chút để góp phần cứu giúp miền Trung bão lụt, thì có người ngồi chỉnh sửa tấm ảnh sao kê. Nào là chuyển 50.000 đồng nhưng sửa thành 500 triệu, hay gửi vài chục nghìn rồi che chắn đủ kiểu để người khác tưởng là đã quyên góp cả trăm triệu. Thử hỏi, lòng dạ thế nào mà lại làm chuyện này?

Chúng ta ai cũng thấy, việc sao kê tiền ủng hộ đã được MTTQ Việt Nam làm rất rõ ràng, công khai. Hơn 12.000 trang sao kê đã được đưa ra, minh bạch từng đồng từng hào. Nhìn vào đó mới thấy lòng người ấm áp biết bao. Nhìn vào đó mới thấy người dân tin tưởng vào chính quyền biết bao. Người thì âm thầm ủng hộ vài chục nghìn, người thì cả trăm triệu. Lòng tốt là vậy, không cần tên tuổi, chỉ cần hành động. 

Tôi vẫn nghĩ, nếu ai cũng chung tay giúp đỡ nhau thật lòng thì thiên tai, khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Nhưng với những trường hợp như thế này, không thể chỉ xin lỗi cho qua. Luật pháp phải xử lý nghiêm minh. Chứ thử nghĩ, nếu cứ để cho kẻ gian lộng hành, ai sẽ còn tin tưởng mà giúp đỡ đồng bào nữa?

Có một số người nghĩ, làm vài trò gian lận, xóa xóa sửa sửa vài con số là xong chuyện. Nhưng họ không biết rằng luật pháp không dễ bỏ qua. Theo quy định, những hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, thậm chí nếu nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự. Đó là chưa kể, nếu hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì án tù cũng chẳng phải là xa vời. Vậy mới nói, có đáng không khi vì chút danh hão, sống ảo vài giây trên mạng xã hội mà phải đối diện với hậu quả pháp lý?

Các chiến sĩ Công an đang bế em bé 2 tháng tuổi được bọc áo mưa di chuyển khỏi vùng lũ ở Quảng Nam vào ngày 11/10/2020 mà không cần "phông bạt". Ảnh: Tuổi Trẻ.

Nói gì thì nói, từ thiện là việc làm từ tâm. Người ta quý không phải ở số tiền lớn hay nhỏ, mà quý ở cái tình, cái lòng thật thà. Việc công khai sao kê không những không vi phạm quyền riêng tư mà còn giúp tăng cường sự minh bạch, tạo niềm tin cho người dân. Đúng như lời luật sư Diệp Năng Bình đã nói, sao kê là công khai giao dịch, không phải thông tin cá nhân bảo mật. Thế nên, ai đã thật tâm làm từ thiện thì cứ yên tâm mà làm, còn ai "phông bạt" thì nên coi chừng!

Từ chuyện nhỏ như vậy mà ngẫm ra được điều lớn. Như Aristotle từng nói: "Sự thật không nằm ở lời nói, mà ở hành động." Thời nay, giữa những ồn ào của mạng xã hội, chúng ta đôi khi quên mất giá trị của lòng trung thực. Hy vọng rằng, qua câu chuyện này, mọi người sẽ suy ngẫm và hiểu rằng, không phải cứ "phông bạt" mới là làm người tốt. Người tốt thật sự, là người lặng lẽ làm việc tốt, không cần ai biết đến, chỉ cần đúng với lương tâm mình.

17 nhận xét:

  1. Cách sống ảo, kéo theo đó là hệ lụy giá trị đạo đức đang bị xói mòn ở một bộ phận người trẻ, bỏ qua những giá trị chuẩn mực đạo đức, truyền thống vốn là nền tảng cốt cách của mỗi con người. Và qua đợt "check var" sao kê vừa rồi cũng đã chứng minh điều này đúng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. đúng là đến lúc đó mới thấy được lòng dạ con người nó ra làm sao, nếu là người thật sự có lòng hảo tâm, họ cứ thế quyên góp mà chẳng phải khoe khoang số tiền mình quyên góp làm gì, cũng làm như vậy nhưng họ không mong cầu sự hoan nghênh hay bất cứ điều gì từ dư luận

      Xóa
  2. Sống ảo là một tình trạng rất phổ biến của giới trẻ hiện nay. Dù ở bất cứ đâu, chúng ta đều dễ dàng thấy nhiều người chăm chú vào màn hình điện thoại, mạng xã hội hàng nhiều giờ. Và hành vi phông bạt, sửa bill khi ủng hộ đồng bào vùng lũ là minh chứng mới nhất cho hành động sống ảo phông bạt này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phông bạt đợt này còn có cô vận động viên Phạm Như Phương nữa. Trước giờ gây drama thị phi đã thấy phiền rồi, giờ còn dính phốt phông bạt này nữa. Chẳng hiểu ăn học thế nào mà các thanh thiếu niên nổi tiếng trên mạng bây giờ ai cũng nghĩ sống ảo là mục tiêu theo đuổi!

      Xóa
    2. có vẻ như những người nổi tiếng, những con người có tầm ảnh hưởng đó, họ quá tham vọng những sự tán dương và ngưỡng mộ từ mọi người, nhưng cuối cùng thì chính những hành động của họ lại mang đến cho họ những hậu quả không thể gánh nổi

      Xóa
  3. Thông qua hành động "phông bạt" này, họ chỉ cần bỏ một số tiền rất ít nhưng thu về được nhiều lời tán dương, khen ngợi nhằm nâng cao hình ảnh bản thân trong mắt công chúng. Và điều này đã làm mất đi ý nghĩa và giá trị của hành động từ thiện nó không còn xuất phát từ cái tâm nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bản chất ngay từ đầu chúng nó nghĩ ra được và làm được cái việc thiếu đạo đức đấy thì chúng nó cũng không có cái tâm rồi bạn ạ. Toàn những người được ăn học đàng hoàng, tử tế, có cuộc sống thoải mái không phải lo nghĩ gì mà lúc đồng bào gặp khó khăn thì tranh thủ, lợi dụng!

      Xóa
    2. cuối cùng thì những con người đểu cáng cũng bị lộ chân tướng rõ ràng, nếu như họ không thông báo, không công khai với ai về việc họ quyên góp thì có lẽ cũng chẳng thành chuyện to tát như này, nhưng họ lại nghĩ rằng không ai biết được hành động của họ nên đó là cái kết xứng đáng

      Xóa
  4. nếu sửa bill để nhằm khoe mẽ thì không sao, những nếu việc thay đổi danh tính hay photoshop các dữ liệu mang tính cống hiến để đánh bóng tên tuổi bản thân hòng mục đích chiêu dụ, kích thích người khác sử dụng hàng hóa, dịch vụ của mình lại là một hành vi mang tính phê phán.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngoài cá nhân thì tôi thấy có nhiều tập thể nhưng chỉ chuyển mấy chục nghìn đồng, nếu đúng số tiền đó thì vẫn rất quý, tuy nhiên nếu tập thể quyên góp nhiều hơn mà người làm lệnh chuyển tiền thiếu thì có dấu hiệu phạm tội, cần xác minh rõ những khoản này

      Xóa
  5. việc giả mạo số tiền ủng hộ trong các chiến dịch từ thiện. Nhiều người sẵn sàng sử dụng công cụ chỉnh sửa hình ảnh để làm giả số tiền họ đã đóng góp, tạo ra sự lừa dối về lòng hảo tâm.hành vi này đã dần đi quá xa, không chỉ vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà còn vi phạm cả pháp luật.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. không thể chấp nhận được những con người trơ trẽn như này, ví dụ gửi khống tiền như vậy nhưng không công khai thì chắc cũng ít người biết thôi, đây đã giả dối thế rồi còn tự hào công khai rằng mình công lao to lớn lắm, cái kết xứng đáng

      Xóa
  6. Khi lòng hảo tâm trở thành công cụ để những người "phông bạt" xây dựng hình ảnh, thì giá trị chân thực của những nỗ lực cứu trợ bị giảm đi đáng kể. Đây là vấn đề nghiêm trọng về mặt đạo đức, bởi lẽ, việc ủng hộ từ thiện nên xuất phát từ lòng thành và trách nhiệm, chứ không phải là một màn biểu diễn để gây ấn tượng.

    Trả lờiXóa
  7. Cũng may là lần này Mặt trận Tổ quốc lật bài ngửa, để cho mấy anh chị phông bạt bao năm nay lòi ra hết. Những lúc như thế này thì mới thấy các lực lượng cứu trợ trực tiếp như quân đội, công an, dân quân,... là vô cùng quan trọng. Đợi được mấy cái đồng bạc phông bạt của các anh chị, biết bao giờ đồng bào mới được cứu giúp?

    Trả lờiXóa
  8. Hoa Co May21:54 15/9/24

    Làm từ thiện nó từ cái tâm của mình, anh muốn cho bao nhiêu thì cho không ai ép, cũng không ai phán xét, anh nghèo cho ít cũng được, anh giàu cho ít cũng được, đằng này ông biến cái nơi hảo tâm thành cơ hội để phông bạt nâng vị thế cho bản thân trước thiên hạ, đấy là thiếu đạo đức, còn người ăn chặn tiền 10 củ thành 100 cành là vi phạm pháp luật

    Trả lờiXóa
  9. cũng nhờ có MTTQ mà ta có thể phát hiện được nhiều đối tượng "phông bạt" như vậy. Biết là đáng buồn thật nhưng hãy thử tưởng tượng hậu quả xảy ra có thể nghiêm trọng như thế nào khi MTTQ không công khai, sao kê ? Từ đó, các đối tượng có hành vi "ăn chặn" tiền ủng hộ đã bị xử lý một cách thích đáng

    Trả lờiXóa
  10. Khi việc làm tốt bị lợi dụng để PR bản thân, nó làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của việc giúp đỡ người khó khăn. Hành vi này khiến người dân mất niềm tin vào các hoạt động từ thiện, làm khó khăn hơn cho những người thực sự muốn giúp đỡ.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog